Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Truyện ngắn EM GÁI TÔI

 Truyện ngắn

 NGÔ DIỆU HẰNG

EM GÁI TÔI

                        Tạp chí NHẬT LỆ 
                         - Số 225 (12/2013)


Sọ Dừa mang hình hài một cục thịt tròn. Tôi cũng chỉ là một cục thịt, nhưng có hình cây kem, một cây kem với hai chiếc que mềm oặt. Tôi là anh của ba đứa em gái, một thằng xấu xí và vô dụng. Nhưng tôi có thể nhận ra mọi thứ đang biến động quanh tôi như thế nào, cho đến bây giờ cũng thế.
   Tôi không biết ông bà tôi mất khi nào, chỉ biết bố mẹ tôi rất nghèo. Ngày ngày họ phải đạp xe ra phố nhặt và thu mua ve chai, nhặt mọi thứ có thể bán được để kiếm tiền. Sinh ra tôi đã không biết nói, những đứa trẻ trong vùng gọi tôi là thằng câm một tai. Một tai, nhưng tôi nghe được hết tất cả. Nghe được tiếng thở mệt mỏi của bố mỗi đêm, nghe được tiếng rên đau đớn của mẹ khi sinh đôi hai đứa em của tôi và nghe cả những câu đùa chết người của những kẻ độc miệng.
   Tôi không được đi học. Tôi xấu xí và bị câm nên chỉ thích hợp làm thằng chăn bò thuê. Đi chăn bò, tôi năn nỉ lũ bạn tập cho viết chữ và bắt đầu viết được những câu dài. Tôi thích làm thơ và viết ra cho lũ bạn đọc, chúng nó bảo tôi “có tật có tài”. Cho đến một ngày, trong lúc đang chăn bò, bom từ đâu trong lồng đất phát nổ cướp đi luôn đôi chân và cánh tay thuận của tôi. Tôi không hiểu ông trời còn để lại cánh tay phải làm gì, sao không cướp hết đi khi tôi chẳng thể đi và không còn viết được nữa. Tôi vô dụng nhưng bố mẹ không vì thế mà ruồng rẫy. Chỉ có hai đứa em là không thương tôi, chúng dường như xấu hổ khi biết chúng có một người anh xấu xí, tật nguyền. Những lúc ấy tôi ước gì mình bị điếc, bị mù thì có lẽ sẽ hạnh phúc hơn là bị câm. Chưa bao giờ tôi hỏi vì sao tôi bị câm, vì sao tôi chỉ có một cái tai và vì sao tôi xấu xí hơn các em của mình. Có lẽ những câu hỏi đó không còn quan trọng nữa.
   Người ta tặng tôi một chiếc xe lăn. Còn hơn một đôi chân, nó là người bạn đưa tôi đi khắp nơi. Tôi hạnh phúc vì được sinh ra ở làng, tôi yêu lũy tre, dòng sông, cánh đồng và những thảm cỏ xanh mướt. Trong đầu tôi vẽ ra muôn vàn bức tranh tuyệt đẹp và những câu chuyện về làng quê, về những kỷ niệm tuổi thơ và con người thôn quê chân chất, mộc mạc. Những cuộc “dã ngoại” một mình thường khiến tôi miên man chìm đắm trong một thế giới cổ tích. Với người dân quê, một ngày thường quá dài và mệt mỏi, hoàng hôn là lúc khép lại tất cả cực nhọc đó, và đêm thì quá ngắn ngủi để nghỉ ngơi. Còn tôi, như một nghệ sĩ vô danh, muốn lãng du trong một thế giới thầm lặng mà chỉ có tôi hiểu. một ngày với tôi quá ngắn để nhìn, còn đêm thì quá dài để thao thức mong chờ bình minh đến. Lúc tôi nhắm được mắt đi ngủ cũng là lúc bước vào hành trình của giấc mơ tìm kiếm một sự kỳ diệu nào đó sẽ xảy đến. Và cuối cùng nó cũng đến.
   Một buổi sáng, như bao buổi sáng khác, tôi thức dậy sớm cùng chiếc xe lăn mon men ra đường làng. Từ trong bụi cây một tiếng khóc trẻ con ré lên khiến tôi giật mình. Tôi đẩy xe đến gần, bên trong chiếc hộp giấy là một đứa bé xinh xắn. Thấy tôi, nó thôi khóc và cười. Đôi mắt nó to tròn long lanh nhìn tôi mừng vui. Bố nói nhà mình quá nghèo không đủ khả năng nuôi thêm nữa, huống gì nó còn nhỏ quá, lại là con gái nữa. Tôi níu lấy áo bố lay lay, rồi tôi quay sang nhìn mẹ tha thiết khẩn cầu. Có lẽ từ khi biết nhận thức đến lúc ấy, lần đầu tiên có một ánh mắt nhìn tôi yêu thương, vui mừng và cần tôi đến như vậy. Mẹ ẵm đứa bé trên tay, nửa thấy lo lắng nửa không đành lòng bỏ mặc. Và, tôi bỗng nhiên có thêm một đứa em gái nữa – nó tên là Mộc Nhiên.
   Láng giềng ai cũng quan tâm, giúp đỡ và khen bố mẹ tôi nghèo mà giàu lòng nhân ái. Còn tôi, từ khi có Mộc Nhiên tôi chỉ thích ở nhà và có lẽ người mà nó nhìn thấy nhiều nhất chính là tôi. Lớn lên, biết về hoàn cảnh của mình, biết rằng ánh mắt mà luôn cười với nó những năm qua thực ra là một người không máu mủ, một người anh tật nguyền, nhưng nó vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt ấy như lần đầu tiên nó trông thấy tôi từ trong chiếc hộp giấy.
   Mộc Nhiên, sinh ra như cây cỏ lạc loài giữa vũ trụ rộng lớn vô cùng, được mẹ thiên nhiên bảo bọc và gửi đến mái tranh nghèo không biết là số mệnh hay là hạnh phúc của nó. Chỉ biết rằng, nó đẹp và hiền lành như loài thảo mộc. Không như hai đứa em ruột của tôi, Mộc Nhiên luôn học giỏi, lương thiện và được mọi người yêu mến. Buổi sáng đi học, nó đẩy tôi ra cánh đồng hóng gió. Nhiều lần tôi đợi nó học về rồi hai anh em cùng về, nó kể cho tôi nhiều chuyện ở lớp, đọc cho tôi nhiều bài thơ mà đến giờ tôi vẫn nhớ như in. Lúc rãnh rỗi, nó cầm tay tôi tập viết. Nỗ lực cố gắng và rồi tôi cũng viết được bằng bàn tay còn lại, bắt đầu chép được những bài thơ vào cuốn sổ nhỏ. Tôi viết thơ, còn nó thì vẽ những cánh hoa lên đó. Hai anh em tôi, dẫu không phải ruột thịt nhưng sinh ra như để làm anh em từ kiếp nào.
   Lớn thêm chút nữa, hai đứa kia đi lấy chồng. Mộc Nhiên không thi đại học ai cũng tiếc. Em bảo nếu em đi học xa thì lấy ai chăm mẹ, chăm anh. Bố mẹ đã quá vất vả rồi. Mẹ bị hen suyển. Một mình bố gánh vác việc ngoài. Em trở thành người phụ nữ quán xuyến mọi việc trong nhà. Tôi đã là một thằng thanh niên, thằng thanh niên trong hình hài đứa con nít có khuôn mặt già nua. Tôi biết tự cạo râu và đan lát bán kiếm chút tiền. Có lẽ cuộc sống của chúng tôi vẫn cứ trôi một cách bình lặng, giản đơn như thế nếu như ông trời thôi trêu ngươi những con người hiền lành, tội nghiệp.
   Bệnh tim của em đã quá trầm trọng. Mọi người đều biết em mắc bệnh đã nhiều năm, nhưng cái đau đớn thực sự thì chỉ em mới là người hiểu hết. Nhìn em ngất xỉu ngay trước mắt mà tôi không biết phải làm gì. Tôi cố gắng lay em dậy rồi ngã xuống đè lên người em, cảm giác vô dụng lúc ấy khiến tôi oán hận cuộc đời hơn bao giờ hết. Giá như người đau tim là tôi chứ không phải em, con đường tương lai của em còn thênh thang lắm.
   Chiều hôm nay Mộc Nhiên đến thăm tôi tại nghĩa trang. Trông em rất khỏe mạnh, có vẻ quả tim mới làm việc rất tốt khi ở trong người em. Nhưng nụ cười em không còn tươi thắm, hồn nhiên như xưa, và ánh mắt buồn như luồn sâu vào không gian mờ ảo. Em hỏi tôi một mình ở đây có lạnh lẽo lắm không, rằng em nhớ tôi rất nhiều. Em đưa tay sờ lên bia mộ ghi tên tôi và những giọt nước mắt trào ra rơi trên bờ vai tôi rất nóng. Em cũng vuốt nhẹ dọc cánh tay còn lại của tôi như ngày xưa em vẫn thường dùng khăn lau cho tôi mỗi ngày. Ở cánh tay ấy, chỗ vết cắt của lưỡi dao mọc lên vài bông hoa dại tí xíu màu đỏ tươi của máu. Rồi em ngồi bệt xuống cỏ, áp ngực lên người tôi và tôi nghe thấy trái tim tôi đập đều đặn trong ngực em ấm áp. Trái tim ấy vốn ấm áp, giờ được em mang trong mình sức sống càng trở nên tràn trề như cái cây được ương đúng chỗ, thỏa sức vươn cao. Em mở cuốn sổ thơ của tôi ra đọc cho tôi nghe, còn có những bài em tự sáng tác và được đăng báo, rồi em đốt thành tro gói gắm cẩn thận gửi xuống cho tôi.
   
Ở dưới này tôi có thể gọi được tên em – Mộc Nhiên ơi! Đi được một đoạn, như nghe được tiếng tôi em quay đầu lại nhìn rất lâu. Khi bóng em đã khuất, tôi ngồi tựa lưng bên tấm bia đá đọc những bài thơ của em và chờ em đến thăm trở lại mang theo những bài thơ mới. Những tầng mây bảng lãng trôi phía chân trời, hàng triệu nàng tiên đang tha thướt bay kéo dãi lụa hoàng hôn che ánh mặt trời. Lúc này, mọi người đang quây quần bên mâm cơm và nghỉ ngơi chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.



                                                                                                       N.D.H

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

LINH HỒN CỎ ÚA

Truyện ngắn

NGÔ DIỆU HẰNG

LINH HỒN CỎ ÚA














   Bố mẹ đã bỏ tôi. Đó là một sự thật, sự thật đớn đau của một đứa trẻ. Tôi đã chết khi chưa kịp chào đời.
   Bố và mẹ tôi còn rất trẻ. Khi tôi có mặt trên đời rồi biết cựa quậy trong bụng mẹ, tôi đã cảm nhận được sự hiện diện của bố. Mỗi lần gặp bố, mẹ rất vui. Mỗi lần ở bên nhau họ thường cười đùa vui vẻ, và khi môi bố chạm vào mẹ người mẹ nóng ran lên, đôi tay mẹ run run khi bố áp chiếc cằm chẽ lên ngực mẹ. Đôi mắt họ như luồn vào nhau dưới ánh trăng mờ ảo và tôi nghe thấy hơi thở của mẹ mỗi lúc một nhanh hơn...
   Thời gian cứ thế trôi, tôi cũng lớn dần và thích cựa quậy. Tôi biết mẹ mệt, mẹ đau nhưng ở bên trong quá chật chội và ngột ngạt. Mẹ phiền hà vì tôi khi dáng mẹ bắt đầu xấu đi, đôi chân mẹ không uyển chuyển như trước nữa. Mỗi buổi sáng đến trường, mẹ dùng vải quấn chặt bụng lại và mặc những chiếc áo rộng có lẽ để che dấu tôi. Tôi không hiểu có phải mình là sản phẩm của tội lỗi không mà mẹ phải làm thế. Mỗi ngày tôi thấy chân tay mình nở ra, không gian trong bụng mẹ càng trở nên chật chội.
   Một thời gian không nghe tiếng bố, không biết bố bận việc gì mà không đến. Tôi bắt đầu cảm thấy nhớ và có lẽ mẹ còn nhớ thương bố hơn tôi. Người ủ ấm cho tôi là mẹ, còn người ủ ấm trái tim mẹ chính là bố. Tôi đạp vào bụng mẹ để đòi gặp bố, nhưng đạp mãi chỉ thấy nước mắt mẹ trào ra mà không thấy bố đâu. Đêm hôm đó mẹ gọi điện cho bố, tôi nghe thấy tiếng mẹ khóc, rồi mẹ thiếp đi bên chiếc đèn ngủ lu mờ, một giọt nước mắt đọng lại ở khóe mắt và sánh lại mặn chát. Vài ngày sau, có một người đàn bà đến gặp mẹ. Bà ta có giọng nói ồm ồm, khàn khàn nghe thật đáng sợ. Bà ta đưa mẹ một cái gói khá dày và bảo: không biết bằng cách nào hãy giải quyết cái của nợ ấy đi, vừa nói bà ta vừa đưa ngón tay to bự chỉ thẳng vào mặt tôi. Nếu không nhầm thì đó là bà nội rồi, tôi chưa kịp bộc lộ cảm xúc thì bà ta quay gót bỏ đi. Mẹ đưa tay ôm lấy tôi rồi ngồi bệt xuống nhà òa khóc. Đêm hôm đó, mẹ băng qua cơn mưa ướt sũng đứng dưới một ngôi biệt thự. Bấm chuông mãi mà không ai mở cửa đón mẹ vào. Không một bàn tay nào che chở cho mẹ khi ấy, còn tôi chỉ biết nằm co ro lặng im không muốn làm mẹ nặng nhọc hơn.
   Cuối cùng bố cũng xuất hiện, nhưng giọng bố lạnh hơn cả cơn mưa mùa đông. Bố không ôm mẹ như ngày nào, không nhìn mẹ say mê bằng đôi mắt nâu ướt át và sưởi ấm cho đôi môi của mẹ, mặc cho những giọt nước mắt mẹ rơi lả tả và luôn miệng hỏi vì sao. Chỉ đơn giản là vì tôi không nên xuất hiện trên cuộc đời này, sự có mặt của tôi làm cản trở sự nghiệp của bố và đảo lộn cuộc sống gia đình bố, đó là câu trả lời. Bố lại đưa mẹ thêm một cái gói nữa, cũng khá dày. Đôi tay mẹ run rẩy khi chạm vào tay bố. Rồi bất ngờ mẹ tát bố một cái rất mạnh. Bàn tay mẹ tấy đỏ, còn bụng mẹ thắt lại bóp chặt lấy tôi. Khi bố quay lưng đi, tôi muốn gọi: “Bố ơi!” nhưng không thể. Sự bất lực làm tôi khó chịu. Tôi hận bố.
   Mẹ không muốn một mình sinh tôi ra. Sự hận thù trong mẹ còn lớn hơn cả tình yêu dành cho tôi. Nó như khối băng giá lạnh phủ lấy trái tim của mẹ, và hơi lạnh tràn xuống khiến toàn thân tôi run lên sợ hãi. Tôi nhớ lắm những phút giây bố mẹ hạnh phúc bên nhau, bố còn nói anh mơ đến những buổi sáng được hôn lên má em và trán con thật ấm áp. Vậy mà chính bố lại phủ phàng tất cả. Tôi không hiểu người lớn nghĩ gì, tại sao họ yêu nhau nhưng họ lại không yêu giọt máu của chính mình?
   Mẹ rời khỏi cổng trường đại học khi chưa đến ngày tốt nghiệp, còn bố thì bận rộn với đám cưới do gia đình sắp đặt. Đêm, trước ngày bố cưới vợ, mẹ lại đến tìm gặp bố. Mẹ nói muốn cùng chết với bố vào cái ngày bố lên xe hoa. Lời của mẹ khiến tôi thấy đáng sợ cuộc đời, đáng sợ con người. Họ quá yêu và quá hận. Không ai nghĩ đến tôi, dù chỉ một khoảnh khắc đắn đo.
   Bố đẩy mẹ ngã xuống đường:
- Cô thích làm gì thì làm. Đồ điên! – Một lũ rắn địa ngục trườn trong đôi mắt của bố khi ấy. Và mẹ như con thú bị thương gào thét giữa đêm khuya vắng, những ngón tay cào xuống mặt đường rướm máu. Tôi càng co mình lại, một niềm đau quấn chặt lấy tôi. Trái tim nhỏ bé non nớt trở nên loạn nhịp.
   Mẹ uống một thứ gì đó. Nó có mùi thật khó chịu cứ thế hòa với nước mắt mẹ chảy vào bụng. Thứ dung dịch đáng sợ ấy làm đầu óc tôi quay cuồng, đôi chân tôi bắt đầu không còn cảm giác và đôi tay không thể chạm vào bụng mẹ được nữa. Và tôi biết mẹ không cần tôi nữa, chẳng ai cần và muốn thấy sự tồn tại của tôi ở nhân gian.
   Thực tế mẹ cũng chỉ là một đứa con đáng thương, một đứa bé mồ côi bố từ rất sớm. Bố mất hai năm thì người mẹ cũng bỏ nó lại để lấy một người chồng khác giàu có. Đứa bé được bà ngoại chăm sóc và sống nhờ tiền mẹ gửi về, được học hành và được lớn lên nhưng luôn cảm thấy cô độc và thèm khát hạnh phúc ấm áp. Bây giờ đứa bé ấy đã là một cô gái và được làm mẹ nhưng có lẽ vết xe còn hằn quá sâu trên con đường nó đi để rồi lần nữa sinh ra một linh hồn cỏ úa…
   Tôi được chôn ở sau vườn cùng một nén nhang. Nhang cháy được một nửa thì tắt vì cơn mưa phẫn nộ của trời đất. Mẹ thoát chết nhưng tinh thần bất ổn. Mẹ gọi tên bố cả trong giấc ngủ. Còn bố thì gọi tên một người đàn bà khác. Tôi, dần bị vùi lấp và lãng quên bởi đám cỏ dại, cố gắng thoát khỏi kiếp cô nhi không ai thừa nhận, một linh hồn vật vờ lang thang trong đêm, thèm nghe một tiếng ru ngọt ngào.
   Mẹ hát ru rất hay, giọng mẹ nghe thật êm và tràn ngập hạnh phúc. Bố đứa trẻ ấy có vẻ rất yêu mẹ. Chiều chiều đi làm về ông ấy bế con trên tay và hôn vợ âu yếm. Tôi nhìn họ và ao ước, giá như tôi cũng được bố ẵm như thế, được ngậm ti của mẹ và uống ừng ực dòng sữa mát lành, được nghe mẹ hát ru ầu ơ và nựng yêu mỗi ngày như thế. Đó là một bé gái có nụ cười rất xinh. Nó rất thích nghe mẹ hát, lời ru như tan vào trong gió làm lay động cả cỏ hoa. Có một lần nó nhìn qua song cửa sổ hoen gỉ và thấy tôi. Ánh mắt tôi chạm phải nó trong khoảnh khắc ngắn ngủi mà tôi không kịp né tránh. Kể từ hôm đó tôi không còn lang thang trong đêm nữa, chấp nhận thế giới của một hồn ma cô độc dưới đám cỏ dại úa màu. Không hiểu vì sao, kể từ khi bắt gặp ánh mắt tôi hôm ấy, mỗi khi màn đêm buông xuống đứa trẻ ấy lại khóc. Tiếng khóc của nó cứ đều đều, có lúc lại ré lên, âm vực cao, tan vỡ giữa không gian im lìm. Có hôm mẹ cũng khóc theo nó. Tiếng khóc của mẹ khiến tôi nhớ lại ngày nào khi tôi còn được nằm trong bụng mẹ, đưa tay sờ lên bụng mẹ ủi an mỗi lần mẹ khóc.
   Thầy bói bảo, ngày xưa cô có bỏ một đứa con và chôn nó sau vườn nhưng không hề nhang khói, bây giờ nó làm tội con gái cô, tiếng khóc ấy là tiếng khóc của nó. Mẹ tôi đến gặp bố và xin bố đến thắp nhang cho tôi. Họ lập đền khấn vái, ông thầy cúng mặc áo quần sặc sỡ nhảy vòng tròn và lẩm bẩm điều gì trong miệng, thi thoảng lại hú lên và mọi người rạp xuống khấn vái cầu xin. Người ta tin rằng linh hồn tôi oan ức và nhập vào đứa bé để rồi khóc ai oán trong đêm. Tôi không làm gì nó cả, có lẽ linh hồn nó có sự giao hòa đồng điệu với linh hồn tôi vì dù sao chúng tôi cũng chung giọt máu của mẹ. Nó nhìn thấy nỗi buồn và niềm ước ao cháy trong mắt tôi hôm ấy. Nó khóc cho tôi và rồi nó cũng thôi khóc khi người bố và người mẹ vô tình của tôi đến thắp nhang tìm ra ngôi mộ của tôi bị lẫn khuất trong đám cỏ dại. Cuối cùng, họ cũng nhớ ra rằng họ đã từng có một đứa con và nó đã bị lãng quên quá lâu trong một thế giới tối đen, lạnh giá.
   Dù người ta có hiểu như thế nào, thì cũng nhờ vậy mà linh hồn cỏ úa được siêu thoát. Bố mẹ cùng đến thăm tôi, nghĩ về tôi. Bố đặt một bó hoa tươi lên mộ tôi. Mẹ thắp nhang sưởi ấm cho tôi và hát ru tôi ngủ, một giấc ngủ trẻ thơ sau bao năm mong nhớ. Tôi thấy nước mắt mẹ rơi trên những bông hoa nhỏ xinh biết cười…

                                                                                                          
                                                                                                N.D.H

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Truyện ngắn CHUYỆN TÌNH CỐ ĐÔ

CHUYỆN TÌNH CỐ ĐÔ

NGÔ DIỆU HẰNG
Tạp chí Cửa Việt 
Số 233- tháng 2-2014





Bước lên những bậc thang đơn sơ bằng gỗ, thêm vài bước nữa xuyên qua không gian mờ ảo là bức sơn mài nằm ngủ sâu dưới ánh đèn dìu dịu. Đã nhiều năm trôi qua, có những người khách đã lui tới đến hơn chục lần nhưng vẫn không ai hiểu hết ý nghĩa của bức tranh ấy. Cái gác nhỏ lánh xa chốn đô hội này vẫn thu hút biết bao khách gần xa đến thăm và mua tranh. Riêng Cô gái đàn tranh luôn cuốn hút, không phải bởi cái gì đó tài tình mà vì bí mật đằng sau nó khiến người ta phải chùng chân đứng lại trầm tư. Chủ gác nhỏ chỉ thưa rằng đó là một mối tình xa lắm.

*   *   *

   Cái đêm đó trời rét căm căm, mưa giông lạnh lẽo, cuối cùng đứa trẻ cũng ra đời sau những lần cố vượt cạn không thành của bà mẹ trẻ vì lên cơn co giật. Vừa mở mắt ra cậu bé đã nhìn ngay vào những ánh nến thắp quanh phòng, bố cậu đặt tên là Vũ Đăng. Sau lần đó, mẹ cũng không sinh được nữa vì chứng bệnh thần kinh. Đăng ghét những lần bố dẫn đến công ty và giới thiệu đây là ông chủ tương lai. Cậu thích trốn trong phòng và thả hồn qua khung cửa sổ.
   Có lẽ nghệ thuật là cái nợ từ tiền kiếp, Đăng chỉ thích vẽ và gom góp ý tưởng trong những chiếc hòm, một thứ đam mê vụng trộm. Nghe lời bố, anh theo học kinh doanh. Nhưng Đăng nhận ra anh đang lạc đường, cố gắng tồn tại trong một thế giới không thuộc về mình. Đêm đêm, những chiếc hòm lại mở ra, những vệt màu cứ nhảy múa trong giấc mơ. Vứt bỏ gánh nặng với tiền tài, anh đến cố đô với tâm thế của một người đi trả nợ. Tài sản mang theo là những chiếc hòm màu nhiệm đã cùng anh lớn lên.
   Đăng vẽ ngày đêm, hì hục như những người thợ rèn và ý tưởng cứ lóe sáng như những tia lửa văng ra từ nhát búa chắc nịt. Cái tên Vũ Đăng dần được nhiều người biết đến.
   Chiều hôm ấy, mẹ khẩn khoản gọi anh về nhà. Mẹ đứng đợi với vẻ mặt bồn chồn, những sợi tóc rối lơ thơ sau vành mũ, đôi mắt đỏ hoe mệt mỏi. Bà đưa anh một xấp hình, bố đang thân mật cùng một người đàn bà khác không phải mẹ. Người phụ nữ trong tấm hình có khuôn mặt thanh tú, mái tóc bối cao tôn lên dáng dấp thiếu phụ đẫy đà bên trong chiếc áo bà ba đen ôm khít người. Mẹ anh bảo đó là người tình cũ của bố, một mối tình thời sinh viên.
  Bố anh giải thích, còn người mẹ bệnh tật của anh thì ra sức gào thét rồi ngất đi. Đăng không nghe thấy gì, chỉ thấy trước mắt mình là bức tranh bị ố tạp, nhòe nhoẹt những vết màu xám xịt. Cứ mỗi lần tĩnh dậy, mẹ lại bảo anh hãy giết chết mẹ đi. Bấy giờ anh mới biết người con gái thông minh, giàu có hai lần nhảy sông tự vẫn để quyết lấy bằng được bố chính là mẹ. Còn chàng trai ruồng rẫy người mình yêu vì tiền tài, sự nghiệp đó là người bố đáng kính mà bấy lâu anh luôn tự hào. Do hai lần trở về từ cõi chết, thần kinh bà cũng không ổn định mỗi khi có chấn động mạnh.
   Từ bé, Đăng vẫn nghĩ mình có một gia đình hạnh phúc, ít nhất chưa một lần anh nhìn thấy bố mẹ cải vã. Mẹ vô cùng tôn thờ bố, còn bố luôn chiều chuộng mẹ. Nhưng có vẻ đó chỉ là chiếc bình phong giả tạo cho cái gọi là không tình yêu. Từ bao giờ cây cọ trong tay anh không còn nghe lời nữa, những đường nét trở nên quằn quại mà chính anh không thể tự thoát ra được cái mê cung phức tạp ấy. Cho đến một ngày, chiếc cọ vẽ bỗng rơi tuột khỏi tay và những vệt màu văng tung tóe khắp các góc nhà. Cái chết của mẹ dường như là nỗi ám ảnh anh suốt những tháng ngày còn lại của cuộc đời. Hình ảnh mẹ với mái tóc rũ xòa bê bết máu, đôi mắt bà mở to nhìn anh chòng chọc từ bên trong quan tài. Những chiếc hòm đã mở tung và khô cạn, chỉ còn màu trắng bay vật vờ trong những giấc mơ anh mỗi đêm.
   Một thời gian dài vắng bóng, người ta không còn tìm thấy Vũ Đăng của ngày xưa trong những bức tranh anh vẽ. Chúng trở nên nhạt nhẽo, khó hiểu và dị thường. Chính anh cũng không nhận ra mình đang vẽ gì. Những chiếc hòm không chịu đầy trở lại. Những kẻ vốn không ưa gì anh nay ré lên cười ngạo nghễ “Vũ Đăng chẳng qua là chiếc đèn dầu trong mưa, chiếc đèn ấy rồi sẽ tắt ngúm sau những vệt khói u ám leo lắt bay lên…”
   Đăng tĩnh dậy sau những đêm say khướt. Cái mùi chua lòm chui ra từ miệng và mùi mốc meo bốc lên khắp phòng khiến anh buồn nôn. Lũ gái chân dài và bạn bè đã cút hết, chỉ còn anh và hắn – gã trong gương, trắng đen lẫn lộn. Anh không muốn tĩnh, vì cứ tĩnh ra anh lại thấy mình đáng khinh. Anh đấm hắn một cái vào mặt. Mặt hắn vỡ ra từng mảnh, nhưng môi hắn vẫn nhếch lên cười như chế nhạo. Anh nằm vật xuống để cho nắng chiếu vào mặt, nắng tràn lên ngực, những sợi lông bạc đi dưới nắng. Nhưng rồi, khi đặt chiếc cọ vẽ lên giấy anh lại bất lực trước đứa con chẳng chịu ra đời.
   Mùa lũ lại về, mưa như trút nước. Nhìn từ trên cao, cả cố đô ngập trong biển nước đục ngàu. Đăng chuyển tất cả tranh và đồ vẽ lên gác xép. Chiều tối, anh lội nước lũ đi mua thức ăn. Phía bên kia đường, một cô gái đang mò mẫm cố thoát khỏi dòng nước lũ chảy xiết. Hình như chân cô bị kẹt lại không cử động được. Anh cõng cô gái về phía cuối hẽm, nơi có căn nhà nhỏ ngói đã ngả màu rêu. Từ trên gác, một ánh mắt kỳ quặc đang nhìn xuống qua cửa sổ. Bắt gặp ánh mắt của anh, cái bóng kia biến mất vào trong.
   Mấy hôm sau, nước rút, nắng bắt đầu đâm qua những tầng hơi nước, len lỏi qua các tán lá ướt choẹt chan xuống đường phố đầy bùn và rác rưởi. Người dân ở đây lại tất bật dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa và đường phố. Sáng hôm sau thức dậy, Đăng bước ra đường, anh muốn ăn cái gì đó thật nóng, thật ngon. Bên vỉa hè, một cô gái đang lom khom, khéo léo chan nước vào các bát phở. Một thằng bé mang túi xách thoăn thoắt bưng bê. Đã rất lâu rồi anh chưa được thanh thản bước đi trên phố, chậm rãi ăn một món ngon vỉa hè, mọi thứ cứ dồn dập xảy đến, lôi kéo, xô đẩy anh vào dòng xoáy cuộc đời. Anh đến cảm ơn người chủ quán kia đã cho anh được nếm lại vị ngọt ngào ấm áp mà đã rất lâu không thể cảm nhận được.
-         Ơ… Hình như cô là người bị mắc lũ hôm nọ, cô có nhớ tôi không?
   Cô gái ngửng lên nhìn anh rồi cúi xuống im lặng.
   Cô đội nón thắt dây màu tím, chiếc áo bà ba ôm khít eo, ánh mắt buồn núp dưới đôi mi dài cong đen nhánh. Thời nay vẫn có những người con gái ăn mặc như thế, gánh đôi quai gánh trên vai giữa phố xá nhộn nhịp quả là một hình ảnh hiếm có. Cô gái đi rất nhanh dường như muốn trốn tránh. Cậu bé xách đồ thoăn thoắt đi bên cạnh. Đăng cũng đi theo cho đến khi bóng hai người khuất vào trong ngôi nhà úa màu rêu phong. Ở trên gác, một đôi mắt đang nhìn anh chằm chằm qua cửa sổ.
   Đêm hôm ấy, Đăng nằm thao thức. Hình ảnh cô gái cứ hiện ra thật đẹp.
   Bình minh mở toang cửa sổ, Đăng trở lại hè phố ấy nhưng không thấy cô gái bán phở hôm qua đâu. Mỗi sớm anh vẫn ngồi chờ ở cửa nhưng không thấy cô gái đi ra, chỉ gặp cậu bé đeo túi xách. Thấy anh, nó chạy đến mời mua vé số. Nó bảo “cô chủ” của nó - Phương nay không bán phở nữa, rằng “bà chủ” cấm.
   Nhiều đêm liền anh không đi chơi, ở nhà sắp xếp lại mọi thứ ngổn ngang trong đầu mình. Hình ảnh về Phương lại hiện ra. Có nhiều thứ đằng sau người con gái ấy, không đơn giản là cô gái mặc áo bà ba đi bán phở. Đêm khuya, anh đứng tựa bên cửa sổ hút thuốc. Những cuộn khói màu xám từ từ bay lên luồn qua những song cửa sổ ra ngoài, anh mơ màng nhìn vào ánh đèn phản chiếu trong những vũng nước còn sót lại của cơn mưa ban chiều. Hai chiếc bóng, một cao một thấp đang bước đi trong đêm, lách qua những vũng nước. Nhiều đêm, vào khoảng thời gian ấy anh bắt gặp cảnh tượng đi về của họ. Nỗi tò mò khiến anh bồn chồn.
   Chiều, khi người ta quây quần bên mâm cơm, đèn đường bắt đầu bật lên, một chiếc xích lô đi vào hẻm và trở ra với hai người khách, cô gái và cậu bé. Đêm, khi đường phố vắng người, họ lại xuyên qua bóng đêm trở về, lặng lẽ.
   Đăng theo chiếc xích lô băng qua nhiều hẻm nhỏ. Hai người bước xuống xích lô và mất hút vào bên trong. Đó là một phòng trà được thiết kế đơn giản nhưng đắt mắt ở sự cổ kính, rêu phong, rất Huế, rất xưa. Điện được tắt bớt, màn che sân khấu mở ra. Các nghệ sĩ bắt đầu tấu nhạc, người ca sĩ ngồi ở chỗ sáng hơn cất lên giọng trầm xao xuyến. Bên phải sân khấu là một người chơi đàn tranh trông rất quen. Trong ánh sáng mờ mờ, cô gái ngồi nghiêng buông mái tóc dài chăm chú chơi đàn. Cô không một lần nhìn xuống khán giả, mãi miết lướt những ngón tay uyển chuyển trên dây đàn và những khúc nhạc cứ bay lên rồi tan ra giữa không gian như mê hoặc lòng người. Đăng thích nhìn người ta chơi đàn tranh. Cái cách họ thả hồn vào khúc nhạc êm như nhung, cách họ lướt những ngón tay mảnh trên cung đàn nắn nót như người đang vẽ, vẽ ra những thanh âm mênh mang diệu kỳ. Thế nhưng, chưa bao giờ anh nghĩ rằng mình sẽ yêu một nghệ sĩ đàn tranh.
   Tiếng đàn ngưng, mọi người ra về. Một lúc sau Phương và cậu bé đi về từ cửa sau. Hai chiếc bóng lại đổ vào màn đêm qua nhiều con hẻm. Đăng âm thầm đi theo họ nhiều đêm, lắng nghe tiếng đàn ẩn chứa điều gì đó sâu lắng trong tâm hồn cô gái trẻ. Rồi từ bao giờ anh yêu người con gái chơi đàn tranh ấy mà chính anh cũng không thể ngăn cấm được cảm xúc của mình.
   Một đêm mưa rả rích, khách vẫn đến uống trà và thưởng thức tiếng đàn. Dường như sau một ngày vội vã, bon chen giữa cuộc sống phải tính bằng giây, người ta mong muốn ai đó ru mình thật chậm rãi. Bỗng nhiên dây đàn đứt, khúc nhạc đang êm đềm đột nhiên bị xé ra. Ở bên dưới đôi ba tiếng xì xào. Phương vẫn chơi tiếp, một mình cô và những sợi dây đàn còn lại. Đăng đi ra lối cửa sau, mọi người lên xe ra về chỉ còn Phương và đứa bé nán lại. Một người đàn ông đang ra sức la mắng cô. Anh lại thầm lặng theo hai người đổ vào màn đêm, những bước chân dường như trĩu nặng. Qua một góc phố, gió giật mạnh chiếc dù trong tay Phương bay ra xa. Thằng bé đuổi theo túm lấy, còn Phương thì ngồi sụp xuống bên vỉa hè, òa khóc. Người nghệ sĩ vỡ òa giữa cơn mưa trong cái lạnh lẽo của phố đêm im lìm. Đăng chạy đến đỡ cô dậy. Một sự gặp lại mà Phương không hề mong muốn, nhưng cô cũng không ngờ được rằng trái tim mình dường như đang cựa quậy và đổi nhịp.
   Trái tim ấy đã được cô gói gắm quá kỹ càng bởi một màn sương lạnh giá. Nhưng đôi mắt cô lại toát lên hết nội tâm khắc khổ. Ngày xưa Phương cũng từng yêu và hạnh phúc. Hắn yêu cô, nâng niu cô như viên ngọc quý. Cho đến một ngày, hắn để mặc cô ngã trên sàn múa và những tai họa ập đến. Mẹ Phương, bà ấy là một nghệ sĩ múa xinh đẹp, danh giá. Một tai nạn kéo theo sau đó là một vụ đình đám đã đánh sập cánh cửa sau lưng bà, từ một ngôi sao sáng lóa giữa bầu trời thênh thang trở thành chiếc bóng vật vờ nhìn cuộc đời trôi tẻ nhạt qua ô cửa sổ tầng hai. Mọi thứ như quay lưng với Phương, cô bằng lòng khóa chặt trái tim và trói buộc mình vào cái kiếp cầm ca bạc bẽo. Đàn tranh vô tình trở thành món nợ đeo bám cuộc đời cô trong cái phố nhỏ, lầm lũi, cô đơn.
   Đăng như vừa bước qua một cơn giông tố, nay gặp được ánh nắng ấm áp giúp anh tìm lại những gì đã lạc mất. Màn sương băng chặt trái tim Phương cũng dần tan đi dưới ánh nắng mai ửng hồng. Họ yêu nhau trong tự khúc của trái tim những kẻ sĩ, những con chim sau bão sẵn sàng cho một mùa vui.
   Và rồi, Phương quỳ gối trước mẹ. Mỗi lần nhìn vào đôi mắt như đã đóng băng quá lâu của mẹ, cô thấy sợ. Phương hiểu mẹ không đủ nghị lực để bước ra bên ngoài cánh cửa, cũng như không muốn con gái lao vào những phù phiếm của tình yêu. Cô luôn cố gắng làm việc cần mẫn để giúp mẹ khôi phục lại khuôn mặt dị dạng, tự tin sống tiếp. Nhưng giờ đây sắp sửa phải nói với mẹ rằng trái tim đang yêu trở lại, cô thấy có lỗi. Phương nhìn thấy một giọt nước mắt chảy xuống rất khẽ trên gò má mẹ, sau bao năm khô vắt. Cô đưa tay sờ vào nửa kia khuôn mặt, nơi có những vết sẹo xấu xí thô ráp không một giọt nước mắt nào muốn chảy qua, và cô khóc trên đôi chân nhỏ gầy bất lực của mẹ. Mẹ khóc cho bi kịch của mẹ và khóc vì lo sợ cho một lối mòn con có thể đi qua. Nhưng rồi bà cũng để Phương mở cánh cửa mời người con trai mà cô yêu thương tha thiết.
   Đăng theo Phương bước lên cầu thang. Anh cảm thấy lạnh, hơi lạnh toát ra từ bên trong tay cầm bằng gỗ màu đen. Một người đàn bà ngồi xe lăn đang ngó nghiêng qua cửa sổ. Có lẽ bà ấy đã quan sát anh từ phía dưới con hẻm. Anh cúi đầu chào, người đàn bà chỉ gật đầu trong khi mắt vẫn nhìn ra ngoài cửa sổ. Tiếng nhạc từ chiếc radio đặt trên bàn đang chơi một bản nhạc Nga êm đềm. Anh quan sát căn phòng nhỏ, có rất nhiều giày múa được bày trong tủ, cỏ vẻ như không ngày nào chúng không được mang ra lau chùi.
   Bất chợt người đàn bà quay lại nhìn vào chiếc radio rồi lẩm bẩm theo nhạc. Có cái gì đó rất lạnh lẽo từ người đàn bà ấy khiến anh sợ. Và khi đôi mắt bà ta chạm vào anh thì một làn hơi lạnh từ ánh mắt kia muốn làm đôi chân anh tê cứng. Ánh mắt kia là của mẹ, từ bên trong quan tài nó nhìn anh lạnh lẽo và ai oán. Nếu che đi một nửa khuôn mặt dị dạng kia thì đấy chính là khuôn mặt thanh tú, sang trọng mà anh đã từng nhìn thấy. Đăng như muốn gục xuống, tất cả những gì anh cố chôn sâu phút chốc lại trở về xao xác. Bố đã làm đau khổ cả hai người phụ nữ. Nay cái oan tình đó lại bám lấy con cái của họ. Bà ấy đâu ngờ rằng chàng trai trước mắt bà là con của người đàn ông bà yêu nhất cùng kẻ đã gián tiếp kéo sập cánh cửa cuộc đời bà. Trái tim Phương mỏng manh và dễ nhàu nát, làm sao chịu nổi khi cô biết về sự thật. Còn mẹ, mẹ đang lang thang ở đâu hay trong chính thân thể không còn nguyên vẹn của người đàn bà đáng thương ấy?
   Đăng trở về và biến mất để lại Phương với bao mâu thuẫn. Một thời gian sau anh trở lại tìm, ngôi nhà vẫn còn đó nhưng mẹ con họ đã chuyển đi không ai hay biết. Cô gái đàn tranh ra đi mang theo tình yêu dang dỡ và có lẽ là cả oán trách.  Còn chủ gác nhỏ vẫn ôm mối tình, chờ đợi một ngày cô sẽ bước ra từ bức tranh bằng xương bằng thịt. Cô gái ngồi bên cung đàn, lướt những ngón tay thon gầy dệt nên những sợi thanh âm mênh mang, và bông sen trắng mọc lên từ chiếc hài màu ngọc bích. Mái tóc cô buông dài che nửa mặt và hàng mi cong…





     N.D.H

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

TRUNG THU KHÓ QUÊN

Thực ra tôi chả có trung thu nào để nhớ chứ đừng nói là khó quên. Nhưng dù sao Trung thu đến rồi, dù có bận mấy với hồ sơ, giáo án, kế hoạch, lũ học trò... thì cũng phải thăm hỏi Blog bằng món quà gì đó. Thế là truyện ngắn mini này ra đời. Đó là lý do của trang blog ngày hôm nay. hihi..


RÕ LẠNH



     Với bọn con nít, trung thu là ngày hội. Trẻ con chờ đợi, người lớn cũng hưởng lây cái không khí ấm áp, vui tươi ấy. Còn tôi, mùa trung thu là lúc phải dành tiền lương mua bánh trung thu, lồng đèn, đầu lân cho một đàn cháu.
   Ngày còn bé, mỗi năm đến trung thu, lũ trẻ trong làng tôi lại nô nức đánh trống múa lân đi khắp các nhà, cửa chùa, các quán ăn để xin tiền, quà bánh. Vui không gì bằng, một bầy lúc nhúc nối đuôi nhau kéo hết nhà này đến nhà khác. Các bà, các cô, các chị thì xúng xính áo dài bưng mâm cỗ lên chùa thắp hương lễ Phật. Năm nay, chi đoàn thanh niên còn cho tập luôn một bài múa lân hoành tráng đi tham gia thi và biểu diễn với các chi đoàn bạn trong vùng.
   Mùa trung thu năm nay có thằng Tâm con ông Toàn về cùng đi chơi với tôi. Hồi nhỏ chúng tôi thường đi phá cỗ trung thu và xem múa lân cùng nhau. Giờ nó đi làm mãi tận cửa khẩu lâu lâu mới thấy về. Ngày xưa hai đứa gầy như nhau, giờ bụng nó phệ, má nó phình, môi nó bóng nhờn mỡ, mắt nó cười nheo lại tưởng chừng không nhìn thấy ai. Tôi chẳng dám đi ngang với nó vì vóc mình nhỏ quá, cứ thấy ngài ngại.
   Thằng Tâm có chú ở bên Trung Quốc. Ông ấy qua đó và lấy vợ, định cư mấy chục năm nay. Năm đó cũng vào dịp trung thu, nó phóng xe đạp như bay sang nhà tôi. Dựng xe cái cạch giữa sân, nó hổn hển gọi:
-         Kiên, qua nhà tao nhanh lên!
-         Làm gì?
-         Chú tao về. Hừ…hừ… Qua tao cho xem cái này hay lắm.
   Tôi nhảy phóc lên xe không kịp mặc dép, hai đứa chạy ù về nhà nó. Chú nó mặc áo có thêu hình con rồng, đơm cúc kiểu tàu. Đắt lắm. Nó bảo thế. Nó lôi tôi vào phòng rồi lấy từ trong thùng ra bao nhiêu là bánh trung thu, đồ chơi chú nó mang về từ Trung Quốc. Nó đội lên đầu một cái mũ có hai cái vòi chỉa ra hai bên i hệt cành ăng-ten rồi khệnh khạng đi qua đi lại.
-         Mày thấy tao oách không? Kha…kha…kha…
-         Mày tính tha cái ăng-ten ấy đi đón chị hằng hử? Tao chỉ nghe chú Cuội chăn trâu, chứ chưa nghe chú Cuội xem ti vi bao giờ. Hơ hơ hơ…
   Nó lườm tôi một cái. Tưởng nó giận đuổi tôi về, không ngờ cuối cùng nó cũng cho tôi hai cái bánh và một cái lồng đèn bằng nhựa. Tối, hai đứa xách đi chơi trăng. Vui hết nhớn.
   Không biết chú nó làm gì bên đó mà trông khá giả lắm. Có lẽ bởi thế mà nó ước lớn lên qua Trung Hoa sống và làm giàu. Nó cực kỳ ưa xem phim Trung Quốc. Mà hầu như bọn con nít chúng tôi đứa nào cũng thích những bộ như Tây Du Ký, Bao Thanh Thiên,.. Con nít xem vì thấy hay hay, còn người lớn xem vì họ nghĩ nó nhân đạo, hợp với lòng người.
   Trung thu năm nay tôi đèo nó lên phố xem dân thị xã đón trung thu như thế nào. Vài đoàn múa lân biểu diễn trước các cửa hàng, quán ăn… Xe máy đi qua dừng lại xem rồi lại đi tiếp. Tôi đỗ xe bên một bãi đất trống, chỗ có mấy quán nhậu di động. Hai thằng súc miệng bằng hai cốc bia mát lạnh rồi ngồi hàn huyên. Tôi hỏi nó làm việc có vất vả lắm không, nó bảo: mới đầu chưa quen thì vất vả, sau quen rồi thì đâu vào đấy. Rồi nó chê tôi nghèo, ngày xưa tôi học giỏi hơn nó mà giờ thua lương nó mấy lần.
   Lát sau, một đĩa chân gà nướng thơm phức lắc lư theo bà chủ quán đầy đà đi ra. Bà chủ mới quay trở vào, thằng Tâm lập tức chỉ tay vào đĩa chân gà vàng rộm:
-         Mày có biết chân gà này nhập khẩu từ đâu không? Từ Trung Quốc đấy. Tao làm ở cửa khẩu tao biết, hàng tấn chân gà, mỡ lợn, thịt lợn quá hạn sử dụng vẫn liên tục được tuồn về Việt Nam. Phù phép một xí là vẫn bán được.
-         Thế mày có bắt không?
-         Bắt sao xuể hả mày. Chạy ban ngày không được nó chuyển qua chạy đêm. Chúng nó có đường dây, có người đỡ. Nặng tay quá không khéo rước họa vào thân.
-         Mày không thấy căn rứt lương tâm à? Lỡ người ăn là người thân của mày thì sao?
-         Ai khôn thì sống, dại thì chết thôi. Ai bảo đồ tươi ngon thì đem đi xuất khẩu, lại tham rẻ ăn đồ kém chất lượng. Làm gì có chuyện gói thịt hổ khô giá 2 ngàn đồng mà mua cho con ăn ngày này sang ngày khác thế. Đó là tại dân ta thôi.
-         Bởi thế mới sinh ra cái nghề của mày, phải có trách nhiệm ngăn cấm chuyện nhập lậu ấy.
-         Ôi một tay làm chẳng nên non mày ơi, không khéo non đổ đè tao chết. Chú tao mới gọi về đấy, bảo mua bánh trung thu phải hết sức cẩn thận. Hàng tấn bánh trung thu quá hạn sử dụng đã được thay ngày tháng tuồn về Việt Nam. Người Trung Quốc không ai ăn.
-         Thôi chết rồi, tao mới mua mấy hộp bánh hạ giá bán ở cửa hàng trước cửa cơ quan chiều nay. Thấy hạn sử dụng vẫn còn dài, tiện đường thì mua thôi.
-         Thôi nhậu tiếp đi. Em ơi đổi cho anh đĩa mồi…
   Tôi ngồi trầm ngâm, nghĩ lại những điều nó kể mà ghê quá. Lâu nay vẫn hay nhậu bia với chân gà nướng thấy cũng ngon, giờ cứ thấy lờm lợm. Nhìn thằng Tâm cầm cái đùi gà nhai ngấu nghiến, cặp môi bóng nhờn những mỡ cứ đưa lên đưa xuống nhịp nhàng, tôi cũng lờm lợm.
   Điện thoại reo, tiếng bố ở đầu dây hốt hoảng:
-         Nhanh đến bệnh viện. Thằng Cu Tí bị ngộ độc đang cấp cứu.
   Tôi giục thằng Tâm nhanh lên. Những lúc ấy mới thấy gầy đâm ra lại hay, tôi trả tiền rồi phóng nhanh ra xe, thằng Tâm thì đang ì ạch lê cái mông sồ sề của nó.
   Đến bệnh viện, cả nhà tôi đang ngồi đợi ở hành lang. Mặt chị dâu cắt không ra giọt máu. Mẹ tôi vén tay áo lau nước mắt. Anh tôi bảo bác sĩ đang súc ruột cho nó. Một lúc sau bác sĩ bước ra, vẻ mặt tươi cười:
-         Cháu đã qua cơn nguy hiểm. Nguyên nhân là do cháu ăn bánh trung thu quá hạn sử dụng dẫn đến ngộ độc. May mà gia đình mang cháu đến kịp thời.
   Mọi người ôm nhau mừng vui. Thằng Tâm vẫn ngồi trên ghế, quăng một câu rõ lạnh:
-         Đã bảo mua bánh trung thu phải cẩn thận.






    N.D.H

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Truyện ngắn TÌNH RƠI - Tạp chí Cửa Việt, 8/2013

                                                        TÌNH RƠI

                                                                                                              NGÔ DIỆU HẰNG




Tôi đứng ở lan can tầng ba nhâm nhi tách cà phê sáng và điếu thuốc thơm. Rít một hơi dài, cái đóm đỏ càng dài hơn, khói bắt đầu len qua những sợi thuốc mịn li ti bện chặt, âm ỉ qua đoạn đầu lọc có mùi bạc hà tràn vào miệng. Những vòng tròn khói trắng xám được nhả ra ngoài bay lơ lửng rồi từ từ tan vào không khí. Một buổi sáng thật bình yên nhưng sao nỗi trống trải cứ phảng phất rơi rớt và đang tràn xuống lồng ngực. Tôi nhớ người ta vẫn thường nói: tình yêu là cây hoa dại mọc trên nấm mồ: điên cuồng nở rồi điên cuồng tàn lụi; tình yêu là ngôi sao mà người đàn ông vừa đi vừa ngước mắt nhìn theo, nhiều khi là lỗ cống mà anh ta mải mê sẽ tụt chân xuống; ái tình là khói sinh ra cùng với hơi thở muộn phiền… Nhưng biết làm sao, khi ái tình lên tiếng, lý lẻ phải lặng im. 
    
Em và tôi quen nhau trong một lần tình cờ đụng xe. Cái cảnh hai người tình cờ đụng xe, rồi ngã, vội vàng xin lỗi, vội vàng đi, nhưng rồi họ cũng gặp lại nhau bởi cái mà ta gọi là duyên nợ ấy đã có vô số trong các câu chuyện tình, những bộ phim tình cảm, nhưng nay nó lại sờ sờ giữa hiện thực tôi và em chiều hôm ấy.
   Một buổi tối trời hạ nóng bức, ngồi tám chuyện điện thoại với các nàng một lúc tôi đứng ngắm nhìn phố xá. Ánh đèn đường làm màu áo các cô em cô chị mơ màng tím biếc. Cảnh đêm có gì đó khiến những kẻ độc thân phải chạnh lòng. Đang thơ thẩn thì chuông điện thoại reo, tôi biết em sẽ gọi vì gói đồ đánh rơi cạnh xe tôi lúc chiều. Cũng may tôi đã vội nhét vào túi chiếc card business khi em đang vội vàng bỏ đi.
   Vài ngày sau chúng tôi gặp nhau tại quán café gần chỗ đụng xe - Café 24/7. Trên những bức tường gạch đỏ xây kiểu thô sơ có gắn vài bức tranh sơn mài trông đắt mắt; mỗi góc đặt một vài chậu kiểng, non bộ được bà chủ xinh đẹp tự thiết kế không chuyên nhưng cũng đặc sắc chẳng giống ai; thêm vào đó những bản nhạc được chơi ở đây mỗi sớm rất hợp gu khiến tôi trở thành khách Vip của quán. Khách Vip thì được đích thân bà chủ tiếp đón. Bà chủ xinh đẹp đẩy đà uyển chuyển với sắc đầm xanh ngọc bích tiến lại gần tôi hỏi “ Hôm nay chú đợi em nào mà ngồi một mình đấy?”. Tôi cười lườm “Chị rõ là, chỉ được cái nói đúng. Thôi bạn em đến rồi, chị đừng có châm chọc nữa…”. Em bước đến trước mặt và khẽ chào. Trên vai em đeo một chiếc túi da nhỏ nhắn và trước ngực là chiếc máy ảnh ống kính đơn hiệu Canon màu đen. Có vẻ như em chụp ảnh ở mọi nơi và những bức ảnh trong cái gói kia với em rất quan trọng. Nhận lại ảnh, em rối rít cám ơn rồi nán lại chuyện trò. Thỉnh thoảng tôi thấy em khéo léo nhìn đồng hồ, nhưng cái cách dẫn dắt của tôi chưa bao giờ để đối phương có cơ hội từ chối. Lúc em cúi xuống khuấy cà phê tôi đã trộm nhìn. Em không quá đẹp, đôi bàn tay không mấy mịn màng và đôi môi cũng không đỏ mộng như những cánh hồng óng ánh. Nhưng đôi mắt em sâu thẳm, làn mi đen dài như hàng phi lao rì rào sóng vỗ. Nó như hút ánh nhìn tôi không muốn rời. Tôi vốn rất tự tin và hay quan sát. Điều đó giúp tôi nhận biết đối phương. Thỉnh thoảng tôi lại muốn làm kẻ giật dây phù phép những chú nhện ngơ ngác mắc vào lưới tình rồi sau đó để chúng vật vờ trong đó tự tìm lối ra. Bất chợt em ngẩng lên và nói, xin anh đừng nhìn tôi như thế, tôi vốn không thích đối phương quá để ý quan sát, dẫu đó có thể là bệnh nghề nghiệp. Tôi bối rối, cười ngó lơ. Dường như chính tôi mới là chú nhện bị mắc vào chiếc mạng giăng bởi chính mình. Ở phía đằng kia chiếc máy phát vẫn đang dập dìu khúc nhạc Tango: Anh yêu phút ban đầu, đẹp nghiêng nghiêng dáng em sầu. Trong mắt em buồn về mau, em ơi có khi nào lần gặp này cho mai sau…
   Em tốt nghiệp khoa Pháp trường đại học ngoại ngữ và từng làm việc trong lĩnh vực du lịch hai năm. Trong quãng thời gian ấy, em nhận ra thứ ngôn ngữ mà em ao ước khám phá và vốn dĩ rất đẹp ấy nay chỉ được dùng một cách thực dụng và cứng nhắc. Em muốn đọc những cuốn sách tiếng Pháp, nghe những bản nhạc tiếng Pháp và biểu lộ thứ ngôn ngữ mà em yêu một cách đúng mĩ học, chứ không phải dùng nó như thứ ngôn ngữ kinh doanh máy móc. Bỏ việc, tất cả thời gian em dành để đi đây đó, nhiếp ảnh và nghiên cứu, làm giàu thêm vốn tiếng Pháp của mình. Một lần chúng tôi cùng nhau đến bar, em hát tặng tôi bài Parler A Mon Pere. Sự hòa quyện thật ngọt ngào giữa thứ ngôn ngữ quyến rũ, nồng nàn với giọng hát thanh và nhịp điệu uyển chuyển tựa một thiếu nữ vùng trung du đang nhảy múa trên cánh đồng hoa dại đã khiến tôi bàng hoàng. Tôi không ngờ rằng mình được gặp một cô gái cá tính và có tâm hồn nghệ sĩ như thế. Cô đã đưa gã lãng tử đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Tôi có đủ thứ bằng cấp tiếng Anh, một thứ ngôn ngữ năng động, quốc tế. Nhưng em đã cho tôi thấy tiếng Pháp chính là thứ ngôn ngữ của tình yêu, thật dễ nghe và ngọt ngào. Tôi đề nghị em dạy tôi một ít trong số vốn liếng em đang có. Một lần, hai lần, rồi cuối cùng em cũng nhận thấy sự thành tâm của tôi và đồng ý. Lớp học chính là quán café 24/7 thường lệ vào mỗi chiều thứ bảy. Học phí là một bản ghita êm đềm cuối buổi học dưới ánh trăng hay có thể là ánh đèn đường dìu dịu trải trên đám cỏ công viên. Từ bao giờ chúng tôi trở nên quấn quýt với những chủ đề tiếng Pháp, ghita và nhiếp ảnh. Em miên man không dứt trong những luồng suy nghĩ về những câu chuyện của Marc Levy, Baldac, George Sand hay Guillaume, về những chuyện xảy trong hành trình mỗi tuần của em đi săn tìm ảnh đẹp. Còn tôi thì từ bao giờ bị cuốn vào sự mong chờ, cứ đếm từng ngày từng ngày để được gặp em chiều thứ bảy.
  Một buổi chiều hoàng hôn đuổi nắng, tôi chạy xe ra ngoại ô hóng gió, ngồi trên bãi cỏ ngắm nhìn những đám mây bảng lảng trôi giữa tầng không. Trong sự tưởng tượng kỳ thú, những bông mây ngũ sắc hiện ra sinh động như hàng ngàn tiên nữ đang bay lượn thướt tha cùng những dãi lụa sắc màu. Rồi tôi thoáng nhớ đến em, vội vàng bấm máy. Em đang ở đâu đó, trước biển. Gió thổi lồng lộng như vượt hàng cây số dào dạt bên tai tôi có xen trong đó hơi thở của em như run rẩy. Chưa bao giờ em nói chuyện với tôi cái giọng điệu ấy, chậm rãi và có gì đó ẩn tình.
-         Anh quá giống…
-         Giống ai? Em cứ nói đi!
-         Anh giống một người đến kỳ lạ. Từ cái tên, tuổi cho đến hình dáng và cả giọng nói đều có nét gì đấy giống nhau. Cách anh trò chuyện, cách anh cười, cả những câu nói như đã từng vang lên trong quá khứ. Tất cả dội về như vẫn còn đâu đây. Không ngờ cái duyên nợ ấy lại lần nữa đánh thức trái tim tôi phải hồi tưởng, lại nhớ và đau.
-         Xin em hãy bình tĩnh!
   Điều mà em nói khiến tôi bối rối. Sự na ná mà em nói dường như đã chạm vào vết thương nào đó đã chôn rất sâu trong trái tim em. Vậy mà tôi lại gợi nó trở về. Lẽ nào có sự trùng hợp như thế.
-         Đó là sự thật. Anh ấy đã vĩnh viễn bỏ tôi lại một mình trên trái đất này…
   Thực lòng, nghe đến đây tôi thấy một chút nhẹ nhõm. Có lẽ tôi quá láu cá. Một suy nghĩ chợt lóe qua rằng tôi sẽ thay thế kẻ đó của em để đưa em đi tiếp chặng đường còn lại. Tôi có nhiều điểm giống anh ta. Vì lý do nào đấy anh ta đã bỏ em lại thì giờ đây tôi sẽ không bao giờ làm như thế. Tôi nguyện sẽ là con thuyền đưa em đi trên mọi hành trình không mệt mỏi.
-         Cái hình ảnh chiếc xe, vũng máu, lá thư nhuốm đỏ bị nắm chặt trong tay vẫn còn nằm xao xác trong mảng ký ức còn lại của cuộc đời tôi. Tại sao anh lại xuất hiện, hay thượng đế muốn trêu ngươi để trừng phạt tôi? Một sự trùng hợp kỳ quặc như thứ ma lực, chất côcain dẫn tôi vào cái mê cung ấy, những luồng cảm xúc rung động đến ngạt thở xen lẫn cảm giác tội lỗi vật vờ.
-         Sao em lại cho đây là tội lỗi?
-         Người ta nói đúng, trái tim nghệ sĩ thường phạm nhiều tội lỗi, những tội lỗi màu trắng, tự thú tội và tự trừng phạt bởi chính mình. Anh là người đàn ông có sức hút mạnh mẽ. Nhưng, tôi là bông hoa sứ đã gắn trên điện tình…
-         Con người ta sinh ra không phải để tan biến như một hạt cát, mà để in dấu trong trái tim của nhau. Nếu em nói yêu là tội lỗi. Vậy suốt cuộc đời ta mãi che giấu những cảm xúc vô tội liệu sẽ đúng chăng?
   Dù chưa nói thẳng ra nhưng có lẽ cả tôi và em đều ngầm hiểu được tình cảm của nhau, như hai con nhện trốn tìm trong cái mê cung mà thượng đế giăng sẵn hay gã chỉ muốn trêu ngươi chúng mà thôi? Từ bao giờ tôi cảm thấy trân trọng và nâng niu từng khoảnh khắc được gặp người con gái ấy, song không thể quan tâm em quá nhiều vì điều đó khiến em không vui. Tình yêu với tôi bỗng trở nên khó khăn và ngập ngừng đến thế. Tôi nhìn thấy đôi mắt em sâu thẳm khi nhìn về một phía xa xăm, nó như muốn hút tất cả những gì phía trước vào bên trong tâm hồn. Em đam mê nhiếp ảnh và sưu tầm ảnh về tất cả những chân thực cuộc sống. Em có hàng chục bộ sưu tập ảnh các loại, nhưng không có bức ảnh nào tự chụp về chính mình. Có lẽ cái thế giới nghệ thuật bằng hình ảnh kia chính là bức ảnh khổng lồ nhất, toàn diện nhất, chân thực nhất về chính tác giả. Tôi thấy xấu hổ với cái gã Tôi tự tin, ngạo mạn ngày xưa khi đành phải thốt lên rằng, hắn đã phải tình em, đã say em rồi.
   Từ ngày em thốt ra những tâm tình trước biển, em tránh gặp tôi, nhưng có vẻ em không cưỡng lại được những dòng tin nhắn của tôi và rồi cũng trò chuyện. Hơn một lần em nói xin đừng quan tâm đến em, rằng em là bông hoa sứ đã gắn trên điện tình. Tôi không hiểu lắm ý em, nhưng có vẻ như em có niềm riêng, một sự thật phủ phàng. Nhưng cấm sao được khi những ngón tay cứ muốn bấm số điện thoại em mỗi chiều muộn, khi suy nghĩ cứ muốn gọi tên em trong những giấc mơ và kẻ lụy tình là tôi không thể tự giải thoát cho chính mình. Chưa bao giờ hắn thấy mình thê thảm như thế, cứ lặng im nghe hơi thở của em mà chẳng ai có thể nói câu gì.
  
Nghe tin em tham dự triễn lảm ảnh, tôi đã đến xem. Giữa những xao xác, thăng trầm của cuộc đời, những bức ảnh của em toát lên nét thanh tao, tinh khiết ở những góc khuất bình lặng của cuộc sống. Dường như đó là cõi thiên đường mà em mơ ước, gom góp qua những chuyến đi, những cuộc du hành tìm kiếm hạnh phúc đích thực. Nhưng thiên đường đích thực của em là gì, sao lại là bàn tay năm mô lần chuỗi hạt, là chùm hoa sứ trắng tinh khiết đậu trên mái đình cong cong, là chiếc gác nhỏ nằm nghiêng nghiêng trên đồi thông giữa thảm cỏ xanh long lanh sương sớm…? Em nói rằng đây là miền cổ tích của em thời còn bé, khi bố mẹ gửi em lại cho bà nội nuôi rồi đi phiêu bạt làm ăn xứ người. Ngày đó nhà bà ở cạnh một ngôi chùa, đúng hơn là ngôi nhà cổ của một gia đình địa chủ thời Pháp thuộc để lại cho con gái, chính là sư trụ trì ngôi chùa này. Sáng sáng cô bé vẫn thường đứng nhìn trộm qua vách tường cạnh cây hoa sứ mọc cao tới mái ngói và em thấy sư thầy mặc y vàng cùng đệ tử thắp nhang, cúng cơm chay. Ở cạnh chùa em cũng hưởng lây cái không khí thanh tịnh, yên bình chốn cửa Phật. Sư thầy trồng rất nhiều hoa trang, cúc, địa lan và các loại thảo dược quanh chùa. Những lần em bị ốm bà lại qua sư thầy xin lá thuốc. Đêm đêm, khi tiếng gõ mõ từ gác trên vọng xuống, em lại ngồi xếp hai chân lên nhau và chắp tay nghe tiếng năm mô. Em chờ đợi âm thanh đó mỗi tối như chờ đợi một món quà không thể thiếu trong ngày, nó vang lên rồi tan ra lắng đọng tựa lời ru êm đềm từ cõi nào xa lắm. Có lần bà bắt gặp cảnh đó đã quở mắng nhưng em vẫn thích như vậy, em muốn lời cầu nguyện của em sẽ theo tiếng gõ mõ bay thật xa, một lần, hai lần, rồi hàng ngàn lần như thế lời nguyện cầu của em sẽ vang rất xa đến nơi bố mẹ em đang sống, cầu cho họ bình an và sớm trở về. Em rất hay nhìn trộm sư thầy, nhưng cái đầu tròn nhẵn bóng và ánh mắt nghiêm nghị của thầy khiến em sợ. Em cũng thấy xót xa khi bắt gặp những lần sư thầy cạo tóc cho đệ tử. Họ đã phải qua bao khổ luyện tu hành mới được xuống tóc, với họ đấy chính là giây phút thiêng liêng nhất của cuộc đời tu hành. Còn em, em tin Phật, em thích cảm giác được núp mình tịnh tu bên cửa Phật, nhưng em nghĩ rằng trên đời này vẫn có nhiều cách để thể hiện tình yêu, niềm tin với Phật giữa đời thường.
   Dường như trái tim em mộng mị và ướt sũng đầy mâu thuẫn. Em đã yêu tôi hay là yêu cái hình bóng thấp thoáng của mối tình cũ, thứ đã là dĩ vãng nhưng âm ỉ trong em như vết thương chẳng thể nguôi ngoai. Em có thể gạt tôi như gạt một giọt nước làm nhòa mắt kính, hay đón nhận tình yêu của tôi một cách nhẹ nhàng như bao kẻ yêu nhau… Đằng này, em cấm tôi yêu em, chặn đứng những ý định bày tỏ của tôi, nhưng vẫn đến gặp tôi vào mỗi chiều thứ bảy tại quán café đầu tiên và hơi thở em run run mỗi khi nghe giọng tôi thổn thức bên kia đầu dây điện thoại…
   Một đêm hè oi ả, cơn nóng như làm tôi sốt lên và những con muỗi vo ve điếc óc. Tôi mở sẵn số máy của em rồi ngập ngừng. Từ bao giờ giữa chúng tôi không còn tiếng cười của những sẻ chia đồng cảm và tôi không cuốn hút em bằng cái kiểu hài hước hay những vốn hiểu biết rộng rãi của mình. Sự im lặng và cảm nhận thường gậm nhấm hết mớ thời gian chuyện trò. Tôi giật mình khi tên em bỗng nhiên hiện lên cùng tiếng chuông ngân nga, điều gì sẽ xảy ra, em sẽ nói gì khi tôi nghe máy? Không, em đang đùa tôi sao? Trong sự yên lặng đến ngạt thở, tôi vẫn kiên nhẫn đợi chờ, mặc cho lũ muỗi điên cuồng cắn xé. Rồi bồng bềnh từ phía em một khúc nhạc trôi êm ả: “Trong đôi mắt em anh là tất cả; là nguồn vui, là hạnh phúc em dấu yêu; nhưng em ước gì mình gặp nhau lúc em chưa ràng buộc, và em chưa thuộc về ai…” Em muốn nói gì đây với khúc hát này, hay em đã…?
   Ngày em lên xe hoa, tôi đứng ngẩn ngơ, xót xa, cảm thấy tiếc nuối hơn là ngỡ ngàng. Tôi đã đoán biết được có điều gì đó ẩn tình qua những lời em nói, những lúc em cố gắng xua đuổi tôi. Nhưng tôi giận em sao lại không thẳng thắn đối mặt với sự thật rằng em cũng yêu tôi, và tôi giận tôi nỡ để tình rơi mà không phải là con thuyền đưa em đến hạnh phúc. Đám cưới của em chỉ trong một ngày. Hôm sau em cùng chồng và bố qua Đức, nơi bố mẹ em đã bôn ba làm ăn với những tham vọng, rồi phá sản, lang bạt như những kẻ xin ăn xứ người. Mẹ em mắc bệnh, càng thảm hại hơn khi họ không có nổi tiền để trở về quê hương. Thế rồi họ được một ân nhân giúp đỡ, bố em được làm việc, còn mẹ em vẫn đang nằm điều trị bên đó. Vị ân nhân ấy chính là chồng của em bây giờ.
   Tôi là kẻ biết chấp nhận sự thật, dẫu rằng cuộc đời chưa từng phũ phàng tôi điều gì như trước khi yêu em. Tôi lao vào công việc như kẻ điên. Tôi xóa tất cả những con số, những hình ảnh, bất cứ thứ gì liên quan đến em, nhưng ai xui cái đầu tôi lại nhớ dai đến thế. Tôi thuộc lòng những gì thuộc về em và đến bao giờ nó mới mờ nhạt được. Những buổi tối uống say khiến râu tôi mọc dài, những hố mắt sâu và cặp má hóp. Cái gã bảnh trai, ngạo mạn ngày xưa giờ chính hắn cũng chán chê chẳng nhận ra mình trong gương. Mỗi sớm hắn cà phê rồi lại lái xe đi làm, cầm lái mà hắn ngỡ đang bay trên mây, lướt qua những đỉnh đồi, thấy gái hắn chẳng buồn liếc nhìn. Rồi hắn thiếp đi bên cái cột móc tối tăm không ai hay biết và tỉnh dậy trong không gian trắng toát đầy mùi hóa chất và thuốc khử. Cái nụ cười vốn tự tin, tươi tắn nắng mai ngày nào vẫn đang kẹt lại đâu đó giữa hai mảnh xương vừa nối. Cái chân đau buốt vì hết thuốc tê làm hắn tỉnh ra.
   Một buổi sáng mưa bay, có một cô gái vội vã đến đưa cho tôi một chiếc hộp cùng lời xin lỗi rằng lẽ ra cô ta phải trao nó sớm hơn. Bên trong là một lá thư và tập ảnh gói trong chiếc khăn tím. Em nói rằng em biết tôi là người vốn rất tự tin và sự xuất hiện của em đối với tôi chỉ như một cơn gió lạ mát lành thoảng qua trong cuộc đời vốn đầy náo nhiệt; rằng tôi là ánh đèn rực sáng trên đỉnh tháp, còn em là bông hoa sứ đã gắn trên điện tình và em không đủ niềm tin để đánh cuộc với số mệnh vốn đã sắp sẵn. Em phải làm tròn bổn phận làm con và chăm sóc người mẹ bệnh tật. Mơ ước của em sau này là được trở về và sống cuộc đời còn lại trong ngôi nhà nhỏ của bà. Lẽ ra tôi phải nhận được lá thư này sớm hơn, trước ngày em lên xe hoa và tôi sẽ chạy đến bên em, ít nhất tôi sẽ ôm chầm lấy em và nói tôi yêu em. Tôi muốn em tin rằng tình yêu của tôi còn mãnh liệt hơn những gì em nghĩ. Em đã khóa trái tim mình cả trong lẫn ngoài, chẳng để tôi có cơ hội bẻ khóa.
   Nhưng dẫu có nuối tiếc thì tình cũng đã rơi như mảnh trăng non chan vào vũ trụ. Rồi một ngày không xa em sẽ trở lại. Tôi tin em sẽ vẫn như thế, vẫn là em thầm lặng và ngọt ngào.
   Bên ngoài mưa vẫn rơi, khung cửa sổ ướt nhòa và chiếc máy chơi nhạc vẫn quay đu đưa nhịp nhàng…
Anh sẽ cố quên khung trời hoa mộng
Ngày hè bên nhau tình mình đến rất nhanh
Anh sẽ cố quên
Lần đầu mình đến bên nhau
Rộn ràng như đã dấu yêu, từ thuở nào.




N.D.H

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

LONG TIME NO SEE

Xin lỗi các cô chú, các bạn của Diệu Hằng!
Nghỉ một tháng hè rồi mà bây giờ mới online trở lại. Mùa vào phải giúp ba mẹ làm nội trợ, chăm sóc các cháu và dạy kèm cho cháu nữa. Chẳng còn thời gian đi chơi và cảm hứng viết cũng mất tiêu đâu mất. Hôm nay CÁ BỐNG ngoi lên nói sorry mọi người và post một truyện ngắn đọc hè cho zui. Không hay lắm nhưng có lẽ những người vợ xa chồng, những người chồng yêu vợ hẳn sẽ thích và đồng cảm...

Sorry, my friends!
I've not been here for a long time. Nothing to share. No feeling for writing. Today I'd like to say "love" to everyone and send you all best wishes.



Truyện ngắn

NGÔ DIỆU HẰNG


NGƯỜI PHỤ NỮ CỦA TÔI 
( My woman - my love )



     Xuống sân bay tôi bắt taxi chạy thẳng về nhà. Tôi không gọi cho Linh vì muốn tạo bất ngờ cho em. Ngồi trên máy bay mà tim tôi đập rộn rã như muốn chui ra khỏi lồng ngực, phá tan cửa kính mà nhảy dù bay về nhà thật nhanh. Các cô tiếp viên hàng không eo thon môi đỏ luôn nở nụ cười thân thiện nhưng vẫn không đủ sức làm cho cái cảm giác hồi hộp, thúc giục trong tôi dịu bớt đi. Khi máy bay từ từ đáp xuống đường băng tôi có cảm giác mình đang trượt dài cùng thời gian của sự chờ đợi. Lúc xuống máy bay, một cô tiếp viên xinh đẹp còn ghé vào tai tôi phảng một mùi thơm nhè nhẹ: “Có lẽ anh đang nóng ruột lắm. Vợ anh thật là người phụ nữ hạnh phúc!”
   Tôi bước xuống taxi và đi bộ về phía cuối hẽm. Chiếc cổng gỗ sơn màu sữa giờ đã phủ đầy những chùm hoa giấy tim tím tựa chiếc vòng hoa được bện rất có nghệ thuật. Ngày tôi đi nó còn thưa thớt lá, chỉ thấy toàn những nhánh gầy guộc bò chằng chịt. Cây bằng lăng cũng nở tím biếc rợp cả một góc vườn. Kẻ chủ nhà sau sáu tháng đi xa trở về nhìn lại căn nhà mà hắn đã gắn bó cả tuổi thơ vẫn không khỏi thẩn thờ với một cảm giác gì đó vừa thân thương vừa khang khác. Thế rồi, tôi đứng lại dưới gốc cây vú sữa hứng những tia nắng đang xuyên qua các tán lá chiếu thẳng vào mặt. Văng vẳng bên tai câu hát như ru: Nắng gửi gì cho hoa bằng lăng mà đượm màu tím biếc…
   Tôi đẩy bước chân nhanh hơn và tiếng nhạc vang trong nhịp bước. Không, đó không phải tiếng nhạc vang trong nhịp bước chân tôi mà nó đang vang lên từ trong nhà. Tôi nhíu mày, có bao giờ thấy Linh nghe thứ nhạc có nhịp điệu nhanh như thế, phảng phất một chút quyết liệt kiểu Baroque. Tôi cởi giày, đi qua phòng khách, vào nhà bếp nhưng Linh không ở đó. Tiếng nhạc có lẽ phát ra từ phòng ngủ. Cửa khép hờ, tôi nhìn vào, một cái mông màu hồng đang lắc lư theo nhạc. Trông nó uyển chuyển có vẻ rất nghề. Rồi nó biến mất khỏi tầm mắt. Tôi đẩy cửa bước vào, chiếc mông đang lắc lư bỗng nhiên đứng phắt lặng rồi nó quay một vòng, chiếc khăn trên tay rơi xuống sàn nhà và em lao đến ôm chầm lấy cổ tôi nhanh như một chiếc phi tiêu. Chúng tôi xiết chặt lấy nhau trong im lặng, có lẽ em cũng như tôi sợ sẽ phá hỏng cảm giác hạnh phúc ngập tràn trong khoảnh khắc ấy. Cơm tối, em chỉ mãi gắp thức ăn cho tôi và nhìn chăm chú. Tôi hỏi:
-         Sao em không ăn? – Em vẫn nhìn tôi không rời mắt:
-         Em nhớ đôi mắt của anh quá, làn da anh sạm đi nhiều nhưng đôi mắt vẫn nâu và ướt choẹt như thế.
Tôi cười một nụ cười hạnh phúc. Lúc ấy tôi chỉ muốn ghé sát vào mặt em và nói rằng đôi mắt em cũng không thua kém gì, đôi mắt đen long lanh và như có một sức mạnh nội lực cuốn hút người đối diện. Nhưng tôi đã nén những lời đó lại, vì ít khi em khen tôi, tôi muốn giữ lời khen đó được lâu thêm chút nữa. Bao giờ cũng thế, em rất tiết kiệm lời và ít khi thể hiện sự yếu đuối, ướt át cho dù đã là của nhau. Cũng chính vì thế mà khi em thốt ra một lời yêu thương nào đó thì có nghĩa rằng nỗi nhớ hay cảm xúc yêu thương đó đã quá sức chịu đựng. Tôi khen em dạo này trông tươi tắn, lại còn đung đưa theo nhạc nước ngoài nữa chứ. Em bảo:
-         Em muốn quên đi nỗi buồn, sống nhẹ nhõm và làm mới cuộc sống của mình.
Nói đến đây cả hai chúng tôi đều im lặng, thời gian như chững lại, một luồng không khí lạnh lẽo bao trùm, phủ đầy cả căn phòng, phủ mờ cả mắt tôi và em.
     Tôi và Linh quen nhau cũng dưới một gốc cây bằng lăng. Đó là một buổi trưa nắng chang chang, những tia nắng long lanh chan trên bờ vai người lính trẻ đeo chiếc ba lô màu xanh lá. Và rồi chiếc xe buýt dừng lại trước mặt tôi, cô gái trẻ bước xuống đang chỉnh lại dây cặp trên vai, bờ vai nhỏ gầy nấp sau chiếc áo sơ mi màu trắng. Xe buýt đã chuyển bánh, còn tôi dường như không nghe thấy bác tài gọi, chỉ có một âm thanh là rộn rã vang ra từ lồng ngực. Cô gái có khuôn mặt tròn và đôi mắt đen nhánh ấy thì ra là một cô giáo trẻ có chất giọng miền Nam rất nhẹ. Có lẽ màu áo lính và sự chân thành của tôi đã làm em tin tưởng. Một thời gian sau đó, Linh nhận lời yêu tôi. Đó là quãng thời gian không ngắn cũng không quá dài đủ để tôi hiểu em và đủ để em tin tưởng kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của mình. Em ít nói và mỗi khi kể về quá khứ gia đình giọng em dường như nghèn nghẹn. Em kể, bố em đã gửi em vào nhà thờ khi em còn rất bé, em không nhớ rõ hình bóng của mẹ, chỉ biết trò chuyện với mẹ trong những giấc mơ. Sống ở nhà thờ, em được học, được chơi và được bề trên đặt nhiều kỳ vọng nhưng dường như đó không phải thế giới hạnh phúc mà em mong đợi. Và rồi cô gái bé nhỏ, cá tính ấy đã theo đuổi cái nghề dạy trẻ và tình nguyện lên miền núi công tác.
   Cưới nhau, em đành hy sinh công việc ở nhà chăm sóc người mẹ bệnh tật của tôi. Còn tôi vì điều kiện công tác một năm về nhà chỉ vài lần. Thời khắc lúc mẹ ra đi tôi vẫn đang trên đường trở về. Nhìn mẹ nằm im lìm lạnh lẽo trái tim tôi như có bàn tay vô hình nào bóp chặt vì nỗi ân hận không kịp gặp mẹ lần cuối, càng xót xa hơn khi thấy em gục đầu bên thi hài mẹ. Giây phút ấy làm tôi nghĩ đến nỗi khổ đau, cô đơn mà em đã mang theo trong suốt những năm tháng tuổi thơ côi cút. Em đã xem mẹ tôi như người mẹ đẻ của mình mà chăm lo với cả tấm lòng hiếu thảo, em gánh cả phần hiếu thảo của tôi. Tôi thầm cám ơn em vì tất cả.
   Mẹ đi đã lâu mà chúng tôi vẫn chưa có con. Em ở nhà một mình càng buồn phiền và suy nghĩ. Tôi ở xa cũng không yên lòng. Ngày hôm đó, em gọi điện cho tôi trong tiếng nấc của hạnh phúc ngập tràn. Em nói chúng ta đã có con và em đã nghe thấy tim thai đập như thế nào. Em miêu tả tiếng đập nhịp nhàng ấy như một thứ giai điệu thiêng liêng, kỳ diệu làm lòng tôi cũng rộn rã muốn chạy về ngay cạnh em mà áp chiếc má rám nắng của mình lên bụng em hồi hộp. Bàn tay em đã nắm chặt lại vì run rẩy, một dòng cảm xúc như luồng điện chạy dọc cơ thể em. Âm thanh tuyệt vời ấy là điều em luôn nhớ đến đầu tiên mỗi sáng thức dậy và những hình ảnh được ôm ấp đứa con yêu dấu vẫn thường bồng bềnh trong giấc mơ em mỗi đêm như thế. Niềm hạnh phúc chưa được trọn vẹn thì cái tai họa không mong đợi ấy ập đến vào một chiều mưa. Một mình em giữa trời, máu hòa vào dòng nước lênh láng, em vừa khóc vừa cố bò dậy, hai tay liên tục khua xuống dòng nước như thể cố chóng chọi và dành giật với thủy thần, cố gắng rồi cố gắng… Em đã thua số mệnh. Em dằn vặt, em trầm cảm. Em đau, tôi đau cả phần của em và tôi, Vì nếu tôi ở bên em thì em đã không bị ngã và để mất đứa con như thế. Đã hơn hai năm rồi chúng tôi vẫn âm thầm chờ đợi và khát khao niềm hạnh phúc thiêng liêng ấy trở lại.
   Em cách tiếng gọi làm xua tan dòng hồi tưởng:
-         Anh ăn cơm đi kẻo nguội. Ngày mai em sẽ nấu nhiều món ngon hơn.
-         Ừm. Em cũng ăn nhiều vào. Hãy vui vẻ, lạc quan như hiện tại anh thấy nhé!
   Có lẽ tình yêu của tôi dành cho em sẽ chẳng bao giờ nguội tắt. Nụ hôn em là thứ thần dược tưới tắm cho cái cây lâu ngày thiếu nước. Sau một đêm nồng nàn chẳng khác gì mấy ngày đầu, tôi thức dậy sớm hơn em, nằm lắng nghe hơi thở của em rất khẽ. Tôi đưa tay vuốt làn tóc em, đôi mắt to tròn từ từ mở ra nhìn tôi như muốn nói “em yêu anh nhiều lắm!” Tôi chào em bằng một nụ hôn và bế em ra ngồi ở thềm như chúng tôi vẫn thường bên nhau mỗi sớm. Em ngồi tựa đầu vào vai tôi và hào hứng kể về thời gian qua em đã chăm sóc khu vườn như thế nào. Em còn bắt đầu làm việc ở một phòng tranh và thường tham gia các hoạt động tình nguyện. Tấm lòng em vốn lương thiện. Dù sao nó cũng giúp em xua tan bớt nỗi cô đơn và suy nghĩ về sự mất mát. Đã quá lâu chúng tôi mới được chậm rãi ngồi bên nhau trong buổi sáng yên bình như thế. Gió khẽ xô những chùm bằng lăng rung rung.
   Đêm cuối cùng mỗi lần chia tay luôn là những đêm khó ngủ. Dường như cả tôi và em đều sợ rằng thời gian sẽ trôi mất, nếu nhắm mắt lại thì khi mở ra sẽ thấy ban mai, đó là lúc tôi lên đường. Những buổi tiễn đưa lưu luyến luôn làm tôi thương em vì mỗi khi tôi quay lưng đi là nước mắt em trào ra thầm lặng. Em dấu diếm quay mặt đi để lại cho tôi nỗi xót xa, bởi tình yêu cách biệt. Tôi làm tròn cái bổn phận với đất nước, với nhân dân nhưng với em, tôi chỉ có một tình yêu vô bờ bến thể hiện bằng lời nói và cái chân chất, mộc mạc của người lính. Người phụ nữ cần một bờ vai mỗi đêm và vòng tay êm mỗi sớm. Yêu tôi, em tự mình làm tất cả. Nhiều đêm tôi thức giấc và không tài nào ngủ được vì dòng tin nhắn của em “Em nhớ anh quá làm sao…!” Những lúc như thế tôi thương em biết nhường nào.
   Lần trở lại đơn vị hôm ấy tôi bắt tay vào một đợt huấn luyện bận rộn với kỷ luật khắt khe. Ngày ra thao trường, tối về miệt mài với hàng đống công việc. Thời gian để nhớ và quan tâm em cũng chẳng có. Nghe thấy giọng em buồn mà tôi cũng chỉ biết xót xa rồi lại ngụp lặn trong công việc.
   Một đêm mưa giông sấm chớp đùng đùng tôi nhận được dòng tin nhắn: Vợ anh thật đẹp! Tất nhiên, tôi chỉ có một người vợ là Linh và em đẹp, tôi biết thế. Nhưng gã là ai, là gì của em mà gửi tin nhắn như vậy cùng một bức ảnh nude. Tôi zoom bức ảnh lên, đó là tranh vẽ một thân hình người phụ nữ chỉ khoác vỏn vẹn tấm vải lụa che ngang người và khuôn mặt đang dần hiện ra ấy rất giống Linh. Không, không phải giống mà chính xác đó là khuôn mặt Linh. Em đang làm gì ở đấy, sao em lại làm mẫu trong bộ dạng ấy mà chưa bao giờ em kể với tôi. Chắc hẳn em không vì tiền, em càng không phải kiểu người thích phô bày. Dẫu là vợ chồng đã lâu nhưng em nói với tôi em không muốn tôi thấy thân thể trần truồng của em. Đi đâu em cũng mặc thật kín và trang điểm thật đẹp. Em nói muốn được tự tin bước đi bên tôi và luôn đẹp mãi trong mắt tôi là thế. Vậy lý do em ngồi làm mẫu cho gã họa sĩ kia là gì? Đêm đã khuya tôi nằm thao thức, dòng tin nhắn đầy thách thức, châm biếm ấy cứ lượn lờ trong suy nghĩ. Sáng hôm sau đứng trước tấm gương tôi thấy một gã đang nhìn tôi nhăn nhó, hai hố mắt hắn sâu hằn lên trên gò má cháy sạm, vài vết nhăn vẽ mờ mờ trên trán. Đôi mắt buồn nhìn tôi hoài nghi, trách móc. Là một người chỉ huy, trước hết phải có niềm tin với chính bản thân mình và sau đó phải yên tâm về hậu phương. Tôi quyết định tạm gác mọi suy nghĩ để chuyên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

*  *  *

     Lần này trở về, tôi mang theo nỗi niềm khó giải tỏa, một cảm giác vừa giận vừa lo sợ điều gì đó trớ trêu. Hoa bằng lăng đã rụng đâu hết, cơn mưa xối xả vừa đi qua cũng cuốn trôi luôn nắng hồng, và gió cũng không lay những tán lá rung rinh, căn nhà nằm im lìm lạnh lẽo. Cửa khép nhưng không khóa. Tôi bước vào nhà và gọi “Linh ơi!” Không thấy trả lời, tôi lại gọi. Tiếng gọi mỗi lúc một vang to và bước chân tôi đẩy nhanh theo nhịp tim thúc giục. Tôi sợ lắm giây phút ấy, sợ em đã lìa xa tôi, hoặc sợ phải thấy cái gì đó không đáng thấy, hoặc sợ em thừa nhận một sự thật đau lòng với ánh mắt lạnh lùng, vô cảm. Một lát sau em về, theo sau là bác xích lô chở rất nhiều tranh. Nhìn thấy tôi em mỉm cười mừng rỡ:
-         Anh về lâu chưa? Sao không báo em đi đón? Tranh đấu giá từ thiện đó anh. Họa sĩ Các bận đi dự triễn lãm nên em mang tranh về nhà ngày kia mang đi hội chợ. Bác xếp ngay ngắn vào chỗ này cho cháu. Đây…đây…! Bác nhẹ nhàng dùm cháu! Nhanh nhanh kẻo cơn mưa quay trở lại bây giờ…
   Em cứ lia lịa như thế. Em hỏi tôi nhưng dường như không để ý câu trả lời là gì, chỉ mãi quan tâm đến những bức tranh của em. Em khác quá, chẳng giống em chậm rãi ngày xưa và nếu nhìn thấy tôi chắc chắn em sẽ chạy đến ôm choàng lấy không buông. Tôi đứng im lặng cho vòi hoa sen chảy òa trên đầu mình, từng làn nước tràn xuống mặt như những lượt sóng tâm thức cứ cuộn trào không nguôi. Sự thay đổi của em từ lần trở về trước đây có phải là một dấu hiệu đáng ngờ. Những đêm bên nhau, thấy em mệt tôi cũng chỉ lặng lẽ lấy tay kê đầu canh giấc cho em ngủ. Sự ấm áp vẫn còn nhưng trong tôi đầy những hoài nghi. Đầu óc tôi quay cuồng với hàng trăm cái có lẽ. Nhìn em ngủ vẫn dịu hiền, đáng yêu như thế. Nụ hôn của em vẫn ngọt ngào như thế. Tôi phải nói với em như thế nào về bức tranh nude có khuôn mặt em và dòng tin nhắn ấy. Nếu sự hoài nghi của tôi về em là sai thì có lẽ cả cuộc đời này em sẽ không bao giờ tha thứ. Chưa bao giờ em tin ai như đã tin tôi. Có lần em nói “Em là cây tầm gửi ký sinh trên ngực anh. Vì thế, xin anh, dẫu có dùng cách nào đi nữa thì đừng bao giờ để em mất đi niềm tin và tình yêu mãnh liệt em dành cho anh!” Liệu đánh mất em, tôi còn có thể yêu được một người phụ nữ nào như em không. Và tại sao tôi không phải là kẻ chạy đến ôm em mà lại thầm trách móc em phải là người làm điều đó trước…
   Một tuần trôi qua, tôi vẫn chưa đủ dũng cảm hỏi em về bức tranh nude ấy, cũng chẳng tài nào thoát ra khỏi nỗi ám ảnh về những tưởng tượng không tốt về em. Tôi mơ thấy một gã đứng vẽ em bằng ánh mắt đắm đuối, thèm khát. Rồi hắn bỏ lại bức tranh phía sau và tiến lại bên em. Bàn tay hắn mơn trớn trên vai em, môi hắn hôn lên cổ em và mắt em nhắm lại… Tôi ngồi phắt dậy, mồ hôi nhễ nhãi, rón rén xuống khỏi giường, ngồi một mình trong bếp. Em có nhận ra khoảng cách giữa tôi và em không. Sao em vẫn bình tĩnh như thế? Sự tinh khiết vốn có trong tâm hồn em luôn là bức tường vững chắc che chắn những thứ xấu xa không thể tiến lại gần. Tôi đã từng tôn thờ biết bao vẻ đẹp tâm hồn ấy, vậy làm sao tôi có thể làm tổn thương em đây.
   Tôi tính lặng im cho qua tất cả. Cho đến một ngày, người đàn ông tự xưng là Các gọi điện hẹn gặp. Tôi đến gallery của hắn, một không gian nghệ thuật lung linh. Hắn mời tôi cà phê và thuốc lá, những món không thể thiếu của những gã họa sĩ cho dù có phải nhịn ăn sáng đi nữa. Tôi không hút thuốc, chỉ ngồi nhìn ly cà phê đang chảy tí tách. Rất nhiều tranh trên tường, tôi vừa quan sát vừa chờ đợi xem hắn sẽ nói gì về mục đích hẹn gặp và có phải hắn là kẻ đã gửi tin nhắn hơn một tháng trước. Hắn mặc một cái quần ống chảy rộng, áo thun, đầu bịt khăn hình tam giác có thêu hoa văn trông rất nghệ sĩ. Hắn gầy và trắng, nếu không nói là như giá đỗ thiếu nắng. Nếu vài phút nữa thôi hắn thừa nhận là kẻ đã làm điều như trong giấc mơ tôi mường tượng thì chính tay tôi sẽ bẻ gãy cây giá đỗ đó. Hắn hỏi tôi với ánh mắt thân thiện:
-         Anh thấy gallery của tôi thế nào? Nó có nhiều gian dành riêng cho mỗi thể loại và mỗi gian có một người vừa trông nom vừa hướng dẫn, giới thiệu tranh cho khách. Vợ anh phụ trách chung. Cô ấy rất có năng lực và đam mê nữa.
-         Vâng. Tôi có nghe cô ấy kể.
-         Anh có muốn tham quan một chút không?
-         Để sau đi. Tôi không nghĩ anh mời tôi đến đây chỉ để tham quan phòng tranh của anh… - Hắn phá ra cười:
-         Anh nóng quá đấy. Tôi nghe Linh kể anh là người rất nhẹ nhàng. Tất nhiên là tôi mời anh đến có mục đích khác. Anh không băn khoăn về tấm hình nude kỳ lạ cách đây một tháng sao?
-         Anh hãy nói rõ hơn đi. Có lẽ hôm nay tôi sẽ làm rõ tất cả.
-         Tôi thấy khâm phục sức chịu đựng của anh. Tôi biết anh vẫn chưa nói gì với Linh về bức tranh và tin nhắn đó. Nhưng trong anh vẫn có chút hoài nghi cô ấy?
-         Anh đã có vợ chưa? Anh có hiểu được tình yêu của tôi dành cho Linh như thế nào không? Dẫu hoài nghi nhưng tôi vẫn im lặng chấp nhận vì trái tim Linh như một cánh hồng mỏng manh dễ nhàu nát nếu bị tổn thương. Dù sao, đã gặp nhau thì tôi muốn biết rõ sự thật.
-         Chỉ có một sự thật là vợ anh rất đẹp và trái tim cô ấy quá trong suốt, lương thiện.
-         Anh yêu Linh?
-         Đúng. Chẳng gã đàn ông nào không khuất phục trước vẻ đẹp cao quý của Linh.
-         Đồ khốn! Vậy bức tranh nude…
-         Anh bình tĩnh đã. Bức tranh chính xác là của tôi nhưng có sử dụng một chút xíu kỷ thuật photoshop. Mời anh vào gian trưng bày chân dung cùng tôi, tôi sẽ giúp anh xóa bỏ mọi nghi ngờ.
   Tôi đi theo sau hắn, có điều gì ở hắn khiến tôi tin tưởng và chờ đợi. Căn phòng bày đầy những bức chân dung: xấu xí, thiên thần, ngây thơ, già cỗi, méo mó, hạnh phúc… Giữa những hỗn tạp muôn màu ấy tôi vẫn nhận ra khuôn mặt Linh dịu dàng sau tấm kính rọi đèn mờ màu ngọc bích. Nó giống hệt trong tấm hình tôi nhận được.
-         Phần còn lại đâu? – Tôi quay sang hỏi:
-         Phần còn lại nào? Chỉ có thế thôi. Người Linh yêu duy nhất trong cuộc đời này là anh. Cô ấy chỉ xem tôi là người thân và gửi gắm những tâm sự. Linh nói bác sĩ kết luận em không thể sinh con được nữa. Em cũng kể cho tôi về những cơn ác mộng, về những đêm em nhận ra mình đang lững thửng quanh nhà như một hồn ma và thỉnh thoảng cái vong thai lại hiện về oán trách cô ấy. Cô ấy đã phải đi điều trị tâm lý gần một tháng anh có biết không? Có lẽ là không, vì thời gian ấy anh ít quan tâm cô ấy. Cô ấy sợ rằng anh sẽ bỏ rơi cô ấy nếu biết rằng cô ấy không thể có con nữa. Tôi muốn thử thách tình yêu của anh thôi. Và bây giờ tôi đã hiểu vì sao Linh yêu anh nhiều như thế…
     Tôi phóng như bay về nhà. Linh đang ngồi trên ghế sofa thiếp đi, đôi mi dài ướt đẫm. Trong lòng tôi thấy nhẹ nhõm hơn. Còn em, chắc có lẽ thời gian qua đã đau khổ rất nhiều. Sự vô tư chỉ là cách biểu hiện bên ngoài nhằm che dấu nỗi lo sợ và vẻ yếu đuối bên trong. Tôi thương em quá. Tôi cũng trách chính mình vì đã hoài nghi em, thậm chí có lúc hôn em tôi đã cảm thấy đôi môi mình tê cứng đi vì cảm giác dối trá. Tôi thật đáng chết. Phải làm gì đây để sẻ chia bớt nỗi đau của em. Tôi bế em trên tay đi vào phòng, em mở mắt ra choàng tay vào cổ tôi nhìn âu yếm. Đôi môi em mấp máy định nói điều gì thì tôi vội ngắt lời:
- Em đừng nói gì cả. Anh sẽ bế em đi suốt cuộc đời này. Đừng bao giờ buông tay, dẫu con đường dưới chân là sỏi đá gồ ghề…
   Em nghiêng đầu úp má vào người tôi. Ngực tôi nóng hổi vì nước mắt em nồng nàn. 

                                                                                              N.D.H