Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

BỨC TRANH TÌNH YÊU



                                                                                                       
Cho chút nắng luồn vào trong gió
Cho chút mây phiêu lãng cuối chân trời
Cho chút mưa phảng phất buông lơi
Và cho tôi chút yêu không bối rối…
                   *  *  *
Khi tôi nói: anh, người quen hỡi!
Đừng yêu tôi, và xin đừng đợi…
Thì hãy đi qua và nhìn lại mỉm cười
Tôi mãi đứng đây nhìn gió mây trôi,
Và mưa bay, và nắng rơi
Một bức tranh không người…
Chững lại!
   *  *  *
Anh đợi ai nhìn gì xa ngái?
Sẽ không thấy gì, cô gái vẽ tình yêu.




 Ngô Diệu Hằng

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

NHỮNG MẢNH VỠ


  Truyện ngắn NHỮNG MẢNH VỠ - NGÔ DIỆU HẰNG

                               In trên Tạp chí Cửa Việt  - số 281 – tháng 11/2012  

  
Đêm đã khuya, nó một mình ra chỗ giếng nước, cởi từng chiếc cúc áo, thận trọng, nâng niu. Treo chiếc áo con mỏng dính lên cái cọc có chiếc đinh rỉ, nó nhìn xuống ngực mình, ngắm nghía, thẹn thùng. Ánh trăng hắt vào làm da nó trắng ngần, mát rượi. Nó sờ sờ, nắn nắn, ấn ấn rồi đan chéo hai tay choàng lên vai. Một làn gió thoảng qua làm nó rùng mình. Nó gài áo lại, chiếc áo con vẫn treo ở đấy. Nó đến ngồi lên chiếc chõng tre, bên cạnh dậu quỳnh đang nở hoa trắng tinh khiết rung rinh dưới ánh trăng vằng vặc. Chốc chốc nó lại nhìn xuống, lấy tay kéo áo bó sát vào người. Thì ra thân hình nó đã bắt đầu có những đường cong. Nó ngại.
  Chiều hôm đó, nó thấy ngực căng cứng, tựa như muốn nứt ra. Nó chạy nhanh về nhà, nó muốn xin mẹ mua cho một cái áo ngực mới – thứ mà mẹ nó gọi là xu chiêng. Không rõ mẹ nó đi đâu, mãi đến tối mịt mới về. Thấy vợ vừa dừng xe, đầu tóc bù xù, mệt mỏi, dượng nó vụt ngay khỏi chõng tre, đá chiếc xe đạp đổ cái rầm. Mẹ nó nói đứt từng hơi, giọng run run:
   - Bố thằng Quân làm gì vậy? Con lợn nái chết rồi, em chở con lợn chạy vù ra lò lợn ông Ba bán rẻ. Em sợ để lâu thì cho không người ta cũng chẳng thèm nên...
   - Mẹ kiếp! Sao không nói sớm... Nhưng sao lại chết? Mỗi việc chăm con lợn mà cũng không xong. Đúng là vô dụng hết cả mà. – Lảm nhãm một hồi lâu hắn lại xách áo đi, đến tận khuya mới về, mài rựa ken két rồi lăn ra giường nằm ngủ.
   Con lợn chết, con gà bị mất trộm, thằng Quân bị ốm…, tất cả đều đổ lên đầu mẹ nó. Nhiều lần nó chứng kiến dượng nó chửi mẹ nó là con đàn bà thối, con mẹ dẻ rách làm hại đời tao. Khi nào cũng thấy mẹ nó câm lặng, cắn răng chịu đựng.
   Từ khi lọt lòng nó đã không biết bố nó là ai. Mẹ nó bảo bố đã chết. Năm tuổi, nó theo mẹ về nhà dượng, đúng ra là ngôi nhà hoang lụp xụp của một người bà con cho mượn, không có gì hơn ngoài chiếc chõng tre và cái chum nước đầy bọ gậy. Dượng nó lúc ấy chưa lấy ai, làm thợ đụng: đốn củi, bốc gạch thuê... Dạo đấy đến đốn củi thuê ở gần nhà mẹ nó, thấy mẹ nó đẹp người đẹp cả nết nên đem lòng si mê, thay đổi hết những thói hư tật xấu. Trước bao nhiêu lời dèm pha, can ngăn rồi hai người cũng quyết định lấy nhau, chịu sự ruồng bỏ của hai bên gia đình. Lo cho hai chị em nó, chuyện cơm áo gạo tiền càng trở nên khó khăn. Hai vợ chồng suốt ngày đầu tắt mặt tối mà cuộc sống vẫn chật vật. Lâu dần có một vách ngăn lớn hằn rõ trong tình cảm giữa họ. Dượng nó trở lại như ngày xưa lúc chưa quen mẹ nó, cộc cằn, bê tha.
    Hôm ấy, dượng nó về muộn. Mấy mẹ con đang ăn cơm. Ở quán nhậu, nghe người ta khích bác rằng anh Tậu cường tráng, giỏi dang là thế, ngoài đường thiếu gì cô mê mà phải cưới một bà vợ già hơn đến mấy tuổi, đã thế lại còn mang theo cả mụn con, vừa về đến nhà hắn đã không ngừng quát tháo. Mẹ con nó vẫn ngồi ăn không lên tiếng. Hắn lao xồng xộc vào nhà “con mẹ dẻ rách này, mày khinh ông hả?” Giọng hắn vừa chui khỏi miệng, bám theo những tia nước bọt mùi chua lòm văng ra thì nồi cơm cũng kịp bay vèo vào góc nhà, cả mâm cơm đổ ào ra đất, vỡ choang. Mẹ nó bế thằng Quân chạy nhanh ra giếng nước rữa vết bỏng vì bị canh hắt vào. Nó ngồi nhặt những mảnh vỡ, vớt cơm canh vào nồi. Dượng nó tiến lại gần, giúi mạnh ngón tay vào đầu nó: “đồ con không cha, mẹ con mày làm khổ đời tao”. Mảnh bát vỡ đâm vào tay nó chảy máu, nó vẫn nhặt tiếp. Sự im lặng của hai mẹ con nó làm hắn càng điên lên.
   Hắn lao đến đạp cái thịch vào ngực vợ. Mẹ nó ngã, ôm ngực thở dốc. Lúc này thứ dung nham đang sôi sùng sục trong ngực nó muốn trào ra, nó hét lên như một con báo bị thương, túm lấy một mảnh bát vỡ lao thẳng tới chỗ dượng nó đang đứng. Hắn ta giằng lấy mảnh bát vứt đi, đẩy nó ngã nhào xuống đất. Tay nó ôm lấy ngực, hình như cánh tay ông ta đã thúc mạnh vào ngực nó. Nó gườm. Trong khoảnh khắc nó thấy như có hai con rắn đang trườn trong đôi mắt sâu của ông ta, bao quanh bởi đôi mày rậm và bộ râu quai nón nham nhở. Lần đầu tiên nó nhìn thẳng vào mắt dượng nó và nó cố gắng thoát ra khỏi ánh nhìn kỳ quặc của ông ta. Rồi hắn bỏ đi. Mẹ nó chạy ra ôm lấy con bật khóc.
   Nó hỏi mẹ tại sao lại cam chịu như thế. Lần này mẹ nó mới kể cho nó nghe tất cả. Rằng bố nó vẫn còn sống. Ngày xưa, vì không nghe lời ông bà ngoại quyết lấy bằng được bố nó, cho đến khi biết tin bố nó đã có vợ con ở quê, mẹ nó mới vỡ nhẽ. Lúc ấy thì đã có nó trên đời. Bao nhiêu người đến với mẹ nó nhưng mẹ nó không ưa cho đến khi gặp dượng nó, một thanh niên kém hơn mình ba tuổi. Bây giờ thì mẹ nó mới hiểu vì sao ngày xưa ông bà ngoại đoạn tuyệt tình nghĩa với mẹ con nó. Mẹ nó chỉ mong nuôi dạy hai chị em nó thật tốt, không thể bỏ thằng Quân lại, càng không thể trở về.
   Hôm đấy là rằm tháng Giêng, ngày giỗ ông ngoại. Mẹ nó xin phép về nhà thắp cho bố nén nhang. Thường năm, vào những ngày như vậy dượng nó không cho mẹ nó về, nhưng lần này ông ta lại tử tế đến kỳ lạ.
   Buổi chiều đi học về nó thấy nhà cửa vắng tanh. Thằng Quân bị ốm nằm co rúm trên giường. Cơm nước đã xong xuôi mà vẫn không thấy mẹ nó đâu. Rồi dượng nó đang nằm trên chõng tre nói vọng vào nhà:
   - Ra đồng tìm mẹ mày thử xem. Chắc là mẹ chúng mày tham việc quá đấy mà.
   Nó chạy ra cánh đồng. Nó vẫn hay ra đồng gọi mẹ nó về như thế. Lần này nó tìm mãi không thấy mẹ nó đâu. Đang định quay về thì có ai đó đẩy nó ngã xuống ruộng. Trong ánh trăng mờ ảo nó không thấy rõ cái bóng kia là ai. Nó hốt hoảng bò dậy chạy thật nhanh. Nó chạy, cái bóng kia cũng chạy theo sau nó. Trăng bị mây đen che khuất, nó không biết phía trước là đâu, chân nó dẫm phải những gốc rơm rạ đau nhói. Nó ngã xuống một rãnh nước có rất nhiều lau sậy. Nó cố lội, níu vào những cây lau. Cái bóng kia vẫn bám theo nó. Rồi một bàn tay túm lấy áo nó giật ngược lại, hàng cúc trước ngực nó bật tung ra. Nó la lên, người nó quay một vòng rơi tỏm xuống nước. Cái bóng kia chồm lên người nó. Một bàn tay khô ráp đè lên ngực nó, tay kia bóp chặt lấy miệng nó. Nó hét lên và bàn tay lực lưỡng kia liên tục tát vào mặt nó đau rát. Nó vùng vẫy, kêu gào cho đến khi giọng nó khản đi như chú vịt con thoi thóp giữa cánh đồng bất tận. Chỉ còn tiếng gió và tiếng giun dế râm ran. Thỉnh thoảng nó nghe tiếng ực phát ra từ cổ họng của gã đang đè lên người nó. Hai cánh tay yếu ớt của nó vẫn cố gắng khua vào màn đêm một cách vô vọng. Một khuôn mặt với làn da thô đầy bã nhờn đang cố đâm vào cổ nó những sợi râu nhọn sắc. Nó cảm thấy như có một con trăn lớn đang trườn khắp cơ thể nó, cuộn chặt, nhớp nháp. Sau tiếng la éo thất thanh tan ra vô định giữa màn đêm mênh mông, tâm thần nó cũng trở nên hỗn loạn.
   Sáng hôm sau người ta tìm thấy nó ngồi nấp trong một lũy tre ở đầu làng, đang ôm chặt hai cái mo nang trước ngực. Không ai biết vì sao từ một cô bé dễ thương như nó, qua một đêm lại trở nên như vậy. Nó sợ tất cả mọi người, ngoại trừ mẹ nó. Sau một tiếng nấc, nó ngất đi trong vòng tay mẹ, nhưng không một giọt nước mắt nào rỉ ra. Mẹ nó bật khóc khi thấy đôi vú của nó sưng đỏ lên vì mo nang cứa vào. Nó đã mang đôi ngực thiếu nữ từ bao giờ mà mẹ nó lại không hề hay biết. Bà nhớ lại những lần nó cứ ấp úng muốn nói điều gì rồi lại thôi. Chỉ còn biết ôm lấy con nghẹn ngào.
   Hai mươi tuổi, nó vẫn ngu ngơ như thế, ai nói gì cũng cười. Nó không chịu mặc xu chiêng nên mẹ nó không cho nó ra đường. Ngày nào cũng thế, cứ học về là thằng Quân ngồi chơi với chị. Thằng Quân thương chị làm ai cũng cảm động. Bữa đó nó bị rắn cắn, thằng Quân vừa cõng nó chạy vừa khóc “chị ơi đừng ngủ, chị cười với em đi, chị ơi!” Nó không nhận ra bất kỳ ai nhưng có vẻ nó có cảm nhận riêng của nó. Khi thằng Quân đọc truyện, nó ngồi nghe chăm chú, nghe xong thì cười hì hì. Có hôm thằng Quân đi học về muộn, nó chạy đi tìm rồi bị lạc làm mọi người phải hốt hoảng một phen. Nó không phá phách nhưng hễ dượng nó hay bất kỳ gã râu quai nón nào đến gần là nó sợ bỏ chạy.
   Hết lớp chín thằng Quân nghỉ học rồi đi làm ở lò gạch. Cứ đến chiều là nó ra đứng ở ngõ đợi em về. Hôm đấy lò gạch xuất gạch không xuể. Đợi mãi mà thằng Quân chưa về, nó chạy ra lò gạch tìm. Thấy đông người, nó sợ, cứ đứng nhìn từ xa. Khi trông thấy thằng Quân leo lên một chiếc xe mà nó nghĩ sẽ bắt em nó đi, thì lúc ấy không còn nỗi sợ hãi nào ngăn nổi đôi chân của nó. Nó chạy lao thẳng vào đám đông kia. Nó va vào người ta, người ta va vào nó. Vài gã lạ mặt thấy nó ngã thì xúm vào bỡn cợt. Một gã đưa tay kéo nó dậy rồi buông nửa vời làm nó ngã lăn ra cười hả hê. Nó rơi xuống vũng đất lầy, mọi thứ quay cuồng trong đầu nó, dường như tất cả nỗi sợ hãi đang cùng nhau quay trở lại. “Đồ chó chết!” - tiếng thằng Quân vang lên cùng với cú đấm như trời giáng dính vào mặt của gã kia. Mặc cho mọi người can ngăn, thằng Quân vẫn đè lên người hắn, cứ thế dồn hết căm tức vào những cú đấm. Bỗng một giọng nói run run vang lên “Đừng, đừng! Quân ơi, dừng tay lại!”. Thằng Quân đảo mắt một lượt và bắt gặp ánh mắt chị nó đang nhìn nó thiết tha, khẩn khoản. Thằng Quân không thể tin vào mắt mình, chạy đến ôm chầm lấy chị. Dường như cả cái lò gạch lúc ấy chỉ còn hai chị em nó nức nở trong niềm hạnh phúc.
   Sau ba năm đi làm công nhân dệt may tại khu công nghiệp Bình Dương, nó trở về cùng với người chồng sắp cưới, quản đốc tại xí nghiệp nó làm việc. Thằng Quân cũng đã học xong cấp ba nhờ số tiền mà nó gửi về hằng tháng. Dượng nó nằm liệt giường đã hơn một năm nay do bị tai biến mạch máu não. Ông ta nhìn nó với ánh mắt như đang khẩn cầu của tên tội phạm muốn cầu xin sự tha thứ. Nó đưa chồng sắp cưới đến trước mặt mẹ nó và dượng. Dượng nó mếu máo cầm tay con rễ rồi gật gật, một giọt nước mắt trào ra rồi mắc lại ở khóe mắt đầy nếp nhăn của ông ta.


  
   Đêm trước ngày lên xe hoa, nó ngồi tựa vào lòng mẹ và kể về cái đêm nó tự ngắm mình dưới trăng. Đấy có lẽ là giây phút nó cảm thấy bình yên và hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình. Trước mặt nó, những đóa quỳnh khẽ đung đưa xòe những cánh hoa trắng xinh vươn ra đón gió.

                                                                          

HOA DẺ THƠM HƯƠNG




  

Nhã và Thi chơi thân với nhau từ bé. Cha mẹ vào miền Nam làm ăn, Thi sống cùng cậu mợ.
  Thi rất yêu hoa dẻ. Cứ mỗi độ hoa dẻ ngả sắc vàng ửng là Nhã lại hái mang đến cho Thi. Cô bé vừa treo chúng lên tủ sách, vừa ép vào cuốn sổ thơ vài cánh nhỏ. Thi thường hay nhẩm đi nhẩm lại câu thơ của một nhà thơ nào đó: “Mùi hương mật lẫn mùi hương cỏ đắng – Bay thì thào trong không gian xanh”. Trong suy nghĩ của Thi, cô bé coi hoa dẻ là loài hoa đẹp nhất, giản dị và hiền hòa nhất. Hoa dẻ không sặc sỡ, không nổi bật nhưng sẽ không một ai có thể vô tình đi qua mà không đưa mắt tìm kiếm khi nghe mùi hương dịu dàng của cây hoa dẻ nào đó bên đường. Dường như con người Thi cũng thế - khiêm nhường và lặng lẽ nhưng luôn để lại cái gì đó sâu sắc trong lòng mọi người.
  Sau khi tốt nghiệp, Thi chuyển vào Đăk Lăk sống cùng mẹ. Cô thi đỗ vào trường Đại học Tây Nguyên, chuyên ngành sư phạm văn như ước muốn của cô. Còn Nhã thì trượt Đại học và đi học lái xe. Dù ở cách xa nhưng Nhã và Thi vẫn thường xuyên liên lạc và tình bạn của họ vẫn tươi đẹp như ngày nào.
  Về phần Thi, dường như con đường đi đầy chông gai đã làm cho đôi chân của cô bé yếu ớt ngày nào trở nên cứng cáp hơn. Ông Hùng bỏ đi theo người đàn bà khác, chỉ để lại cho mẹ con Thi căn nhà gỗ tạm bợ và một phần đất trồng vườn. Để đỡ đần cho mẹ, Thi vào ở ký túc xá và ngày ngày đi làm thêm ngoài giờ học. Dù vất vả thế nào đi nữa Thi vẫn luôn từ chối sự giúp đỡ của Nhã cũng như cậu mợ. Thi lặng lẽ và luôn cố gắng, cố gắng hết mình học tập và kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng rồi đến một ngày, cô sinh viên năm ba phát hiện mình bị u não. Cả bầu trời như đang sập xuống...
  Đến bây giờ trong đầu Nhã vẫn còn văng vẳng những lời của bác sĩ như lời tuyên án của tử thần trước giờ hành hình:
- Như gia đình đã biết, bệnh nhân bị u não ác tính giai đoạn cuối. Nếu phẫu thuật thành công thì có thể giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống thêm một vài năm. Tuy nhiên, trong trường hợp này chúng tôi khuyên gia đình nên suy nghĩ thật kỷ bởi vì cơ hội thành công là rất mong manh trong khi chi phí lại rất tốn kém.
  Nghe xong, không một ai có đủ dũng khí để nói với Thi điều đó. Gia đình đành đánh cuộc vận may và chiều hôm đó Thi nhập viện, chờ vài ngày sau phẫu thuật. Nhã ở bên Thi cả ngày lẫn đêm, chứng kiến người mình yêu phải vật vã chiến đấu với từng cơn động kinh thật đáng sợ, đôi khi còn không nhận ra cả người thân. Nhã nhận ra một điều, tình bạn quá trong sáng giữa hai người đã khiến anh chưa bao giờ dám nói ra tình cảm thực sự của mình giành cho Thi. Vậy mà giờ đây Thi nằm trên giường bệnh như ngọn nến leo lắt trước gió, không biết sẽ bị thổi tắt lúc nào. Nhã cứ nắm lấy tay Thi, kể cho Thi nghe về những thay đổi ở quê nhà, về bạn bè cùng trang lứa, và cả cây hoa dẻ hai đứa trồng ở góc vườn nhà anh…
  Bà Hạnh tìm đến người chồng cũ cậy nhờ sự giúp đỡ. Ông Hùng cũng tỏ ra hết sức lo lắng và đã đến thăm con gái. Nhìn thấy người cha mà bấy lâu mong nhớ, giờ đây Thi bỗng nhiên sợ hãi hét lên “Kẻ xấu! Kẻ xấu!” rồi níu lấy áo Nhã.
  Một lần ông Hùng tưởng Thi đã ngủ, ông ta nói với bà Hạnh:
- Tôi sẽ hỗ trợ chi phí cho con Thi phẫu thuật, mặc dầu tôi e cũng không hy vọng gì mấy đâu. Nhưng tôi phải nói trước với bà là sau này mà con Thi chết, tôi sẽ bán thận của nó để trả lại số tiền phẩu thuật tôi bỏ ra. Bà cũng biết mà, tôi có giàu có gì đâu, lại còn vợ con tôi nữa.
  Nghe được những lời ấy của người cha đã từng sinh ra mình, răng cắn chặt môi mà nước mắt Thi chảy dài. Thi một mực đòi ra viện không phẫu thuật nữa, một phần vì điều kiện gia đình, một phần vì Thi sợ rằng sau ca phẫu thuật cô sẽ không bao giờ tỉnh lại.
  Rồi một hôm Thi gặp Như, một cô bé người Tây Nguyên 16 tuổi dễ thương, hiền lành. Đôi mắt sáng hồn nhiên và nụ cười tươi luôn thường trực trên môi của cô bé đã làm cho Thi ấn tượng mạnh mẽ. Mẹ cô bé cho Thi xem tấm ảnh em chụp lúc đang nhận giấy khen ở trường. Người trong hình là một cô học trò nhỏ nhắn, xinh xắn khác hẳn với cô bé đang ở trước mặt cô. Như bị suy thận nặng, toàn thân thể phù lên. Vì gia đình qúa nghèo, cha mẹ em chưa thể ghép thận cho em được. Thi thấy khâm phục em bé người dân tộc kia. Từ lúc gặp Như, chưa một lần Thi thấy em khóc dù có đau đến mấy. Như luôn cười và động viên ba mẹ, thậm chí còn trò chuyện với Thi, thích thú kể cho Thi nghe về những câu chuyện ở lớp, ở trường những ngày em đi học. Nhìn thấy ánh mắt như đang cười của cô bé lúc em kể về những ngày tháng được đến trường, Thi cảm nhận thấy một sức sống mãnh liệt trong em, một niềm khao khát được tiếp tục sống, tiếp tục đến lớp. Những lúc ấy Thi thấy mình thật yếu đuối, không bằng cả em bé kia. Thế rồi Thi yêu cầu bác sĩ xét nghiệm xem cô có thể hiến thận cho Như hay không.
  Thật may mắn khi nghe bác sĩ cho biết giữa hai người có sự hòa hợp HLA (nghĩa là tỉ lệ tương thích giữa thận của người nhận và người cho). Mặc dù ai cũng đang đau khổ, rối bời nhưng mọi người tôn trọng quyết định của Thi:
- Thưa bác sĩ! Nếu ca phẫu thuật không thành công, cháu xin được tặng hai quả thận của mình cho Như. Còn nếu may mắn còn sống thêm vài năm nữa cháu cũng muốn bác sĩ giúp đỡ để ghép một quả thận của cháu cho em ấy.
  Mọi người cảm động trước hai số phận mỏng manh, leo lắt trong bàn tay tử thần đang cố tựa vào nhau để tiếp tục chiến đấu giành giật sự sống.
  Bệnh viện Chợ Rẫy, đúng 8 giờ sáng, ca phẩu thuật bắt đầu. Trước khi vào phòng mổ Thi trông rất tỉnh táo. Cô nhìn tất cả mọi người với một nụ cười đã chờ sẵn trên môi. Thi nắm tay Nhã, cố gắng nói thật to để che giấu đi giọng nói rung rung, yếu ớt của mình:
- Nhã đừng có lo. Thi vào rồi sẽ lại ra ngay mà. Phải ra để còn về chăm sóc cây hoa dẻ của tụi mình nữa chứ. Nhưng nếu lỡ Thi không có ra nữa, thì… Thi nhờ Nhã chăm sóc mẹ dùm Thi được không? Còn nữa, sau này hãy đưa Thi đến một nơi thật nhiều hoa dẻ để Thi được nhìn ngắm và ngửi mùi hoa dẻ nghe Nhã!
- Không sao đâu Thi ơi! Thi phải cố lên. Vài bữa nữa Nhã đưa Thi về quê, chúng mình sẽ đi hái hoa dẻ. Dạo này hoa dẻ nở đầy rừng, thơm lắm!
  Rồi Thi sờ lên bàn tay gầy guộc của mẹ:
- Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ lắm! Thực sự con gái mẹ chưa một lần lau chân, chưa một lần đút cháo cho mẹ như những ngày qua mẹ đã chăm sóc con. Con sẽ sớm khỏe thôi. Mẹ gắng ăn uống một chút đi mẹ nhé!
  Bảy giờ đồng hồ dài dằng dặc như có lửa đốt trong lòng, mọi người thấp thỏm chờ đợi. Thế nhưng, không một chút xót thương, bàn tay tử thần rốt cuộc cũng mang Thi đi mãi mãi.
  Một năm đã trôi qua, ngày này năm ngoái Nhã đã đưa Thi về lại nơi chôn nhau cắt rốn. Mộ Thi nằm bên một đồi sim, nơi có rất nhiều hoa dẻ cứ hè đến lại tỏa hương thơm ngát.
  Sáng nay Như cũng cùng cha mẹ về thăm mộ Thi, vị ân nhân đã sinh ra em lần nữa. Như giờ đây hoàn toàn khỏe mạnh và còn học rất giỏi. Nhìn thấy Như, Nhã bỗng nhiên nhìn thấy hình ảnh của Thi trở về, cứ như thể Thi đang cười với anh, một nụ cười nhân hậu, ấm áp.
  Bên cạnh mộ Thi, những chùm hoa dẻ cứ đung đưa như bàn tay thiếu nữ thon dài vuốt nhẹ vào làn gió mát lành, làm tỏa ra hương thơm dịu dàng, thoang thoảng bay giữa núi rừng ngây ngất nắng chiều…

Ngô Diệu Hằng


HOÀNG HÔN NƠI NGÃ RẼ


Truyện ngắn: Hoàng hôn nơi ngã rẽ - NGÔ DIỆU HẰNG

    (Vòng chung khảo cuộc thi Truyện ngắn sinh viên Huế) 
     In trong tập sách “Yêu xa xa một phút”

     Mai ngồi tựa lưng nhìn qua cửa sổ, tay ôm hờ đầu gối, không nói năng gì. Đôi mắt thâm quầng, mệt mỏi.


   Bà Hạnh, mẹ Mai, vừa cho bố Mai ăn cháo vừa đánh mắt nhìn con, lắc đầu.

- Ăn chút gì đi con! Thương ai thì thương, phải thương mình trước đã chứ! - Ông Hòa ho, chống tay ngồi dậy, nhìn con thương hại.

Bố mẹ Mai lúc ấy đã hơn sáu mươi. Sinh con muộn nên vẫn còn đứa út học cấp ba. Ông Hòa bị bệnh tim nặng, lại thêm vết thương cũ trong chiến tranh hành hạ. Bố mẹ biết Mai và Lâm thích nhau từ hồi cấp ba nhưng hai đứa giấu vì nhà Lâm không thích Mai. Họ chê nhà Mai nghèo. Cũng đúng. Nhà Mai chẳng có gì giá trị ngoài ti vi, quạt máy và cái tủ chè đặt trước bộ bàn ghế đã cũ kỹ lắm rồi. Bao nhiêu tiền của đều chạy chữa cho bố và cho Mai cùng đứa em đi học. 

Mai vẫn ngồi, không nói gì. Dường như cô đã cạn hết nước mắt. Mai nhìn ra giếng, chỗ Lâm hay múc nước cho Mai rửa trái cây mỗi lần mấy đứa trong lớp rủ nhau về nhà Mai chơi. Lâm lúc nào cũng lấy cớ đến nhà Mai rồi giúp Mai. Nhiều bận bà Phú mẹ Lâm cứ nói gần nói xa để Mai và Lâm đừng chơi với nhau nữa. Mai cũng tủi lòng. Còn Lâm thì cứ bảo Mai đừng suy nghĩ nhiều, hai đứa cứ quan hệ trong sáng là được.

Mai rùng mình nhìn xuống, một tay sờ bụng, tay kia đặt lên thành cửa sổ, mắt mở to nhìn xa xăm. Nước mắt cô chảy tràn má. Cô muốn khóc thật to, khóc cho kiệt cùng nước mắt nhưng cô vội lấy tay bịt miệng để không thành tiếng. Bố Mai nhìn con nghẹn ngào. Có ai hiểu lòng con cái như cha mẹ. Dù Mai không nói nhưng bố biết Mai thương Lâm lắm... 

Tuần trước Lâm đi đón Mai ở bến xe. Chiếc xe máy và Lâm, và Mai... Bao nhiêu hình ảnh sống dậy rồi chết đi tức khắc trong lòng cô.

Một hạt giống đang được ươm mầm trong bụng Mai. Nó là kết quả của tình yêu nồng nàn, trẻ trung trong một đêm mưa gió mà theo Mai là “cái đêm hai đứa đều bồng bột”. Lâm lại không nghĩ vậy. Sau tất cả Lâm vẫn còn biết đùa Mai: “Biết đâu chuyện vỡ lở bố mẹ buộc phải chấp nhận cho chúng ta cưới nhau...”. Mai run rẩy, hoảng sợ nghĩ đến một ngày cái thai sẽ lớn dần, làm sao đối mặt với bố mẹ và mọi người. Suy nghĩ đó cứ ám ảnh Mai hàng ngày hàng giờ; cho đến hôm Lâm đi đón Mai. Một tai nạn...
Bố Mai mất hai năm sau đó, vẫn cân cấn trong lòng về con gái. 

Ba năm làm cô giáo tiểu học tại trường xã, Mai giúp mẹ trả hết nợ nần. Ở làng, Mai cũng đã được liệt vào hạng ế ẩm dù cô cũng xinh xắn. Lẩn tránh mãi, cuối cùng Mai cũng chịu nghe lời mẹ quyết lấy một tấm chồng làm chỗ nương thân. Bao nhiêu người khá tử tế đến với Mai nhưng cô cứ nấn ná rồi không đồng ý. Có lẽ Mai hiểu chẳng người đàn ông nào chấp nhận một người con gái đã không còn trinh trắng. Cái tinh khôi ấy Mai đã trao cho Lâm, người cô yêu nhất. Và có lẽ Lâm chết đi cũng đã mang theo hết cái xúc cảm yêu thương của cô rồi... Chẳng ai hiểu được vì sao Mai chọn Khâm, một gã thợ “đụng” khỏe mạnh song hơi thô kệch, đã gần bốn mươi ở với bà mẹ già ốm yếu xã bên.

Mai về nhà chồng, không linh đình. Nhưng Mai đã quyết bởi dù sao cô cũng chẳng yêu ai thì chọn lựa để làm gì. Mai nghĩ vậy và chỉ mong có đứa con để dành hết tình yêu cho nó. Khâm cũng chiều chuộng Mai. Cô xin dạy được ở trường làng, vừa đi dạy vừa chăm thêm con lợn và chăm sóc mẹ chồng đã hơn bảy mươi tuổi. Công việc của Khâm không thường xuyên, bữa phụ hồ, bữa bốc gỗ, bốc gạch đá, rảnh thì ở nhà coi vườn tược. Người làng nói: “Có cô về anh ta đỡ hẳn. Trước đây làm không đủ ăn nhậu”. Mai cũng mừng. Tình yêu không có nhưng thương nhau mà sống cũng tốt lắm rồi.

*
Với trình độ đại học, cùng với cung cách từ tốn, nhẫn nại, ba năm đến dạy ở trường làng Mai đã được nhận chức phó hiệu trưởng. Tại trường, thầy Tuấn là người quan tâm giúp đỡ Mai nhiều nhất. Thầy có nét gì đó giống Lâm nhưng hiền lành, nhã nhặn hơn. Mai vẫn giữ một khoảng cách, và luôn bắt mình phải nghĩ cảm xúc đã chết cùng với Lâm.

Con gái thầy Tuấn năm nay đã mười một tuổi, còn vợ thì đã mất hơn ba năm. Anh nói với Mai anh không muốn xa nơi này nhưng anh chỉ có thể dạy nốt năm nay rồi đưa con gái về quê nội. Trước đây anh nán lại vì không muốn con phải chuyển trường giữa chừng. Giờ chính anh là người lưu luyến nơi này hơn ai cả. Lần Tuấn đi Mai đã tránh mặt không tiễn. Thực ra cô sợ phải nói ra cái gì đó mà mỗi lần muốn thốt ra lại bị chặn lại. Rồi, Mai nhận được thư Tuấn: “Anh đã không dám nói ra vì anh biết em là một người vợ... Xa em anh mới hối hận, đã không dám nói điều anh sẽ nói...” Trái tim Mai bùng dậy niềm yêu. Cô hình dung Lâm đang trở về đặt tay lên lồng ngực. Trái tim héo úa nay lại biết thổn thức. 

Mai giật mình. Thực tại trước mắt: Tiếng Khâm như vừa mới đây thôi: “Mẹ muốn có một đứa cháu để bà được mãn nguyện qua bên kia, nhưng... cô có đẻ được đâu!”

*
Mai dằn vặt rất nhiều. Cả cuộc đời Mai, lần thứ hai Mai được yêu và yêu hết mình. Nhưng là người vợ, Mai thấy có lỗi với Khâm...

Mai thấy trong người không được khỏe. Cô rùng mình sợ hãi. Không thể ngồi yên. Trên đường lên bệnh viện huyện khám, Mai nhớ lại những ngày hoảng loạn có thai trước đây. Đã hơn bảy năm trôi qua, giờ biết chắc mình đã có thai, Mai vẫn không bình tĩnh được. Cô bước thẫn thờ dọc hành lang bệnh viện. Trong đầu Mai vẫn cứ nghĩ đến dáng điệu vui vẻ của Khâm lúc anh mua đồ ăn về. Khâm hối hận bởi đã trách nhầm Mai. Tờ giấy xét nghiệm cho thấy Khâm mới là người không thể có con... Nhưng cảm giác tội lỗi với Mai còn lớn hơn, như bóng đêm bao trùm. 


Mai nhìn những người mẹ mang bầu đang cười hạnh phúc bên chồng và nghe tiếng khóc chào đời của những sinh linh đáng yêu. Nỗi khao khát làm mẹ vẫn âm ỉ lâu nay bỗng bùng cháy trong Mai. Nó như một ma lực kéo cô nhìn về phía đường đang bị bóng hoàng hôn giăng phủ...


SỢI REN LỤA MÀU XANH

SỢI REN LỤA MÀU XANH
 NGÔ DIỆU HẰNG 
TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG - SỐ 281 (T.7-12)
- Tạp chí nhật lệ (tháng 9 - 2012)


     Ngày ngày nhìn qua cửa sổ, thấy bạn bè tung tăng đến trường, những tà áo trắng bay thướt tha trên đôi bánh xe đạp xinh xinh tôi lại ngồi co rúm mình vào góc phòng.
     Đưa tay nhặt những sợi tóc. Nhặt rồi đếm. Càng đếm càng nhiều, những sợi tóc mỏng manh, yếu ớt. Rồi một cơn gió giật mạnh cánh cửa sổ lùa vào phòng, mang theo vị mặn nồng của biển. Gió thổi những sợi tóc bay đi. Tôi vội vàng chồm dậy, khua mạnh hai tay xuống giường hòng có thể giành giật với thần gió. Nước mắt ướt đẫm mớ tóc nâu vàng.
     Cơn bão đêm hôm đó đã đưa anh đến với bố con tôi. Mảng ký ức trong anh đã bị biển đen cướp mất rồi thì phải. Bố tôi cấp cứu rồi đưa anh về nhà. Tôi chỉ đứng nấp ở cánh cửa nhìn ra. Tôi thấy ghét những người vây quanh anh, cố dò hỏi anh. Tất nhiên, lúc ấy, tôi chỉ mong rằng anh không nhớ gì cả.
     Hai ngày liền anh chẳng nói một câu nào. Cả ngày chỉ ngồi nhìn ra biển. Tôi chẳng thể nhìn rõ mặt anh để đoán biết ánh mắt anh đang suy nghĩ điều gì. Bố bảo đừng ai quấy rầy để anh ấy bình tâm lại.
     Chiều đến tôi ra chỗ bãi phi lao ngồi ngắm hoàng hôn. Người làng đã quen hình ảnh cô bé đội chiếc mũ tròn, tóc thắt bím buộc chiếc dây màu xanh thường đứng nấp ở gốc phi lao thật to nhìn ra biển. Đó là chỗ ngày xưa hai mẹ con tôi vẫn hay ngồi đợi bố. Những lúc nhớ mẹ tôi lại ra đấy. Nhiều lần thiếp đi tôi thấy mẹ về, đưa tay vẫy tôi đi theo mẹ. Tôi chìa tay ra bước về phía có ánh sáng mờ ảo nhưng đi mãi không thể chạm đến. Rồi có tiếng bố gọi tôi từ sau lưng. Tôi đứng lại, ngập ngừng. Tiếng gió rít lên làm đầu óc tôi quay cuồng. Rồi bóng mẹ dần mờ đi chỉ còn vang vang âm giọng, còn tiếng bố thì mỗi lúc một gần. Mở mắt ra bố đã ở ngay cạnh. Ông cõng tôi về nhà. Cứ đi một lúc tôi ngoái đầu nhìn lại. Mặt trời đã lặn xuống biển sâu.
     Tôi ngồi bệt xuống cát, nhìn những con sóng lúc dịu dàng vuốt ve bờ cát, lúc lại giận dữ cuộn trào. Người sống ở nhà tôi đang đi dạo dọc bờ biển. Anh ta ngồi xuống nhìn về phía khơi xa.
     Hôm sau, rồi hôm sau nữa cũng vậy. Tôi cứ thế nhìn anh đến rồi dõi theo bước anh đi cùng chiếc bóng in dài trên cát. Vô tình tôi cứ mong ngóng đến chiều để ra biển chẳng phải để ngắm hoàng hôn. Chiều hôm ấy trời đã không nắng, anh cũng không xuất hiện như những ngày qua. Một chút thất vọng tràn xuống lồng ngực.
-         Em gái đợi ai ư? – Tôi giật mình ngoái đầu lại.
-        
-         Gió lắm đấy. Em về thôi. Nào…!
     Lần đầu tiên thế đấy, tôi đứng dậy đi về, còn anh lặng lẽ theo sau. Cảm giác ấy thật kỳ lạ. Ý tôi là cảm giác ngại ngùng và tim thì cứ đập thình thịch khi cùng anh đi trên một con đường. Nếu biết rằng đấy chính là anh, người con trai duy nhất của cuộc đời mình thì khoảnh khắc khi anh chìa tay ra tôi đã không ngần ngại nắm lấy.
     Sáng hôm sau, tôi dậy sớm. Soi gương, thắt lại bím tóc. Mẹ bảo tóc thắt bím thì sẽ nhìn đỡ thưa hơn. Mẹ đã thêu tặng tôi một sợi ren lụa màu xanh ngọc bích. Lúc thêu nó  cây kim đã đâm vào tay bà, mãi lúc sau mới cầm máu được. Sợi ren lụa đối với tôi mà nói là món qùa quý giá nhất đời.
-         Sao mới sáng sớm mà em đã đội mũ? Nắng ban mai rất tốt mà.
Tôi cười:
-         Anh có nhớ được gì không? Tên của anh chẳng hạn?
-         Không em ạ.
     Chúng tôi bắt đầu nói chuyện nhiều hơn từ buổi sáng hôm đó. Bố thích gọi anh là Tú. Anh cũng vui. Ngày ngày chúng tôi vẫn thường đi hái củi hoặc là ra chợ cá. Anh kể rằng mấy đêm liền không sao ngủ được. Bố cười, mang cho anh một cái chăn để trải dưới lưng nhưng anh bảo giờ anh ngủ ngon rồi, anh thành con trai làng chài rồi. Bố con tôi đều không dấu nổi sự vui sướng khi thấy anh đã quen với cuộc sống ở đây. Từ khi có anh căn nhà bỗng trở nên ấm áp.
     Những phút giây hạnh phúc cứ thế trôi. Tôi không còn suốt ngày thu mình trong căn phòng chật hẹp, không còn ngồi đếm những sợi tóc cứ vô tình rời xa mái đầu mình. Tôi hân hoan chờ đón mỗi sớm mai thức dậy để được nhìn thấy anh nở một nụ cười thân thương. Cho đến một ngày, có chiếc xe chở hàng đi qua làng chài, anh chạy đến mua cho tôi rất nhiều kẹo tròn rồi quay lại bảo anh đi với mấy người này một lúc thôi. Tôi đứng thẩn thờ nhìn theo chiếc xe dần mất hút sau hàng phi lao, những cây kẹo tròn rơi tung tóe. Hai ngày liền tôi không chịu ăn, không chịu uống thuốc, tự khoá mình trong phòng. Bố khóc hết nước mắt vì tôi. Ông chẳng biết làm gì hơn là nhặt những chiếc kẹo tròn vào hộp và đặt bên giường. Tối hôm ấy tôi thiếp đi trong tay vẫn ôm hộp kẹo anh tặng.
     Sáng hôm sau tỉnh dậy tôi thấy tay mình bị nắm chặt. Anh đang gối đầu bên giường. Tôi muốn bật ngay dậy nhưng nhận ra mình không còn chút sức lực nào. Anh đã nhìn thấy hết bộ dạng bệnh tật xấu xí của tôi. Tôi cố sờ soạng tìm chiếc mũ. Anh đỡ tôi dậy, ôm vào lòng. Chẳng bao giờ tôi quên được khoảnh khắc ấy. Từng nhịp đập của con tim, từng chuyển động của cảm xúc trên da thịt, cựa quậy trong hơi ấm tỏa ra từ lồng ngực anh. Anh như chiếc nạng đỡ cho tôi đứng thẳng và dìu tôi bước ra khỏi sự u ám giăng kín tâm hồn mình.
     Sau ngày hôm đó, chúng tôi không còn cười đùa nhiều như trước nữa, nhưng có lẽ sự im lặng nói thay tất cả tình yêu thương chúng tôi dành cho nhau. Tôi cũng không hỏi lý do về sự biến mất của anh cùng chiếc xe chở hàng ngày hôm đó. Có thể anh đã nhớ lại tất cả nhưng quan trọng là anh đang ở bên tôi và chắc chắn một điều anh sẽ không bỏ tôi đi trước.
     Ngày ngày anh bón cháo dỗ dành tôi, đưa tôi đi dạo và bảo tôi kể về ngày xưa thơ bé. Mỗi lúc kể cho anh nghe là mỗi lần tôi được sống lại những kỷ niệm ngọt ngào, đầm ấm có cả bố và mẹ. Anh còn đưa tôi ra chỗ đường lớn nhìn các bạn đạp xe đi học. Những lần bị mệt, anh cõng tôi trên lưng và hát cho tôi nghe. Mỗi đoạn đường, mỗi cảnh vật chúng tôi đi qua giờ đã in đậm biết bao kỷ niệm hạnh phúc.
     Đêm trước ngày tôi chết, ánh sáng mờ ảo lại xuất hiện. Ánh sáng đi lên từ phía biển, đến bên cạnh giường tôi. Tôi cảm thấy như có ai đó vuốt ve mái tóc mình, sờ lên đôi tay mình rất nhẹ như làn gió thoảng qua. Rồi ánh sáng ấy ghé sát vào mặt tôi, một làn hơi lạnh tràn xuống má tôi rợn ngợp.
     Cửa sổ không khép, ánh ban mai chiếu vào phòng nhưng không gắt như mọi hôm. Sợi ren lụa tháo để ở đầu giường giờ bị gió kéo đi một đoạn về phía cửa sổ. Tôi đến ngồi trước gương soi lại khuôn mặt mình. Cô gái mặc chiếc váy màu hồng phấn đang nhìn lại tôi. Đôi môi cô ấy khô ráp, nhợt nhạt. Chỗ da dưới mắt cô ấy chùng xuống. Có vài sợi mạch máu màu xanh bò dưới làn da trắng của cô ấy. Vài sợi tóc lơ thơ chìa ra khỏi vành mũ. Tôi cười. Cô ấy cũng cười, đôi mắt cô ấy dường như rất thanh thản đáp lại tôi. Anh Tú gõ cửa bước vào. Tôi bảo anh thắt sợi ren lụa màu xanh vào cổ tay cho tôi vì giờ chẳng cần dùng đến nó nữa. Anh cầm tay tôi thật lâu rồi dắt tôi ra bàn ăn. Bố đã nấu rất nhiều món ngon, toàn những món ngày xưa tôi rất thích. Suốt bữa ăn bố chỉ mãi gắp thức ăn cho tôi. Tôi sợ bố buồn, cứ cố gắng rồi cố gắng cho đến khi bị sặc thì cũng là lúc nước mắt bố bật ra. Miệng bố mếu máo. Bố trông già đi nhiều.
     Anh Tú đưa tôi đi dạo. Đi được một đoạn thì tôi không bước nổi nữa nhưng vẫn muốn ra bằng được bãi phi lao. Anh cõng tôi đến chỗ gốc cây phi lao già quen thuộc. Tôi tháo sợi ren lụa trên tay và buộc vào đó. Anh bảo tặng sợi ren lụa cho anh nhưng tôi đã không làm vậy. Anh cũng không hỏi lý do. Anh chỉ nói rằng, nếu sau này người ta muốn đốn những cây này đi thì anh sẽ đến mang sợi ren về. Anh lại cõng tôi đi dọc bờ biển và hát. Giọng anh không quá hay nhưng nó đủ ấm áp để ru tôi vào giấc ngủ êm đềm. Tiếng sóng, giọng hát anh dần tan ra và cánh tay tôi từ từ buông khỏi cổ anh rơi thỏng xuống. Anh vẫn hát nhưng tôi không nghe được giọng anh nữa. Những giọt nước mắt của anh nhỏ xuống tay tôi. Tôi đoán rằng da thịt tôi lúc ấy rất lạnh, còn nước mắt anh thì rất nóng. Tôi đã ra khỏi cái thân xác trên lưng anh để cho anh ra đi tìm lại ký ức của mình. Sợi ren lụa màu xanh vẫn ở đó, bay bay trong gió vi vu.

                                                                                                                        
  N.D.H