Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

TRUYỆN NGẮN XUÂN


                                                 PHÚT GIAO THỪA LẶNG LẼ


 Ngô Diệu Hằng
 Báo Quảng Trị số Tết 2014


     Vào khoảng thời gian này, cách đây chừng mười năm, tôi đang cùng bố đặt những chiếc bánh chưng còn nóng ấm lên bàn thờ. Bố dặn bàn thờ tổ tiên không phải là nơi thích gì bày nấy, sau này có nhiều tiền cũng thế, chỉ cần mâm ngũ quả, bánh chưng, cau trầu, chén rượu, hoa cúc và nhang đèn thường xuyên là đủ. Nếu có thêm chén chè ướp hương hoa sen thơm ngon nữa thì các cụ càng quý.

*     *     *

      Bố mẹ tôi hiếm muộn. Lúc tôi bắt đầu nhận thức được rằng bố mẹ mình già hơn nhiều so với bố mẹ những đứa bạn cùng trang lứa thì cũng là lúc mẹ tôi bị phát hiện mắc bệnh ung thư. Ngày đó ung thư đâu phổ biến như bây giờ, ngày ngày chứng kiến mẹ gầy đi nhưng tôi đâu dám tin mẹ đang cận kề cái chết. Bố tôi là thầy giáo làng, có thể nói việc trường, việc nhà không ai chê thầy Đảm chỗ nào được. Buổi đi dạy, buổi ra đồng, vườn luôn có rau xanh, nhà cửa luôn sạch sẽ, gọn gàng, mảnh vườn con không một ngọn cỏ nào có cơ may ngốc đầu dậy.
     Những ngày cuối đời, mẹ tiều tụy như không thể tiều tụy hơn được nữa. Khi một người sắp sửa ra đi, dường như họ nhận thức rõ hơn ai hết giới hạn sống của mình là khi nào. Buổi trưa hôm ấy, mẹ bảo tôi vịn bà ra chiếc chõng tre dưới gốc bưởi. Mẹ nói:
-         Từ nay, không ai nấu nước hoa bưởi cho con gái mẹ gội đầu nữa rồi. Con có giận mẹ không?
Tôi vấu chặt vào hông bà, những đốt xương tựa như muốn bật ra khỏi lớp vải áo, mẹ gầy xác xơ. Tôi lắc đầu mếu máo nhưng không dám khóc, tôi đủ lớn khôn để hiểu rằng mình phải chấp nhận sự thật và không được khiến mẹ phải bận lòng. Mẹ vuốt tóc tôi rồi nói tiếp, mới hai câu mà giọng mẹ nghe chừng đã mệt:
-         Con nhớ để ý bố nhé. Đừng mãi chơi. Đến Tết là bố thường ho, khó thở. Con nhớ làm nước muối loãng cho bố con súc miệng mỗi tối. Buổi sáng ông ấy thích uống một chén chè ngon trước khi ăn cơm. À…còn nữa, chớ có cắm hoa hồng trong nhà. Bố con không thích đâu.
 Hôm đó mẹ tôi đi giữa đêm. Lần đầu tiên tôi thấy bố khóc, rồi bố con tôi cứ ngồi lặng im bên mẹ như thế đến sáng, cứ như thể mẹ tôi chỉ đang ngủ thôi. Rồi mẹ ngủ quên mất không bao giờ tỉnh lại, tôi thấy những hạt bụi li ti óng ánh bay lên theo tia nắng ban mai bay ra ngoài cửa sổ. Vài hôm sau tôi thấy bố cũng ngủ quên không dậy từ sớm như mọi ngày. Người ta nói, ông giáo Đảm quả chung tình, khi vợ còn sống thì hết lòng chăm lo, giờ chị nhà ra đi ông ấy cũng buồn mà ngả bệnh.
     Nghỉ hưu, bố ở nhà cày ruộng và chăm những luống hoa cúc. Tối đến, ông dạy học cho lũ trẻ nghèo trong làng. Người ta trả tiền, ông đã không nhận lại còn mắng cho. Người làng vốn thiệt bụng, nhiều bữa dậy sớm cầm chổi đi quét ngõ tôi thấy ai đó treo khi thì xâu cá rô khi thì nãi chuối trước cổng nhà, hiểu ngay là họ muốn biếu bố tôi. Lũ học trò rất thích nghe thầy kể chuyện ma, nghe xong đứa nào đứa nấy ôm lấy nhau sợ muốn vãi ra quần không dám về. Thế là, cái lớp gần hai mươi học sinh đủ lứa tuổi ấy đêm nào đêm ấy đều đặn hoạt động. Lũ trẻ sợ cái uy của thầy nhưng yêu mến cái tài, cái đức của thầy. Nhờ thế, những năm tháng đi học xa tôi cũng an tâm phần nào vì bố sẽ không phải buồn khi có lũ học trò luôn quấn quýt. Thú vui và cũng là bạn tri kỷ của bố tôi là những khóm hoa cúc trước nhà. Ông nói hoa cúc rất được trọng đối với người phương đông ta, từ xưa hoa cúc đã được các cụ coi như là biểu tượng của lòng thủy chung, son sắt, bàn thờ tổ tiên của người Việt không thể nào thiếu được hoa cúc vào ngày Tết.


Không hiểu có phải vì ảnh hưởng của bố không mà tôi lại yêu anh ấy cũng vì một cơ duyên với loại hoa đáng quý này. Năm ấy trời rét thật, bố tôi bảo Tết này có lẽ cúc nhà mình nở muộn và cũng không được đẹp. Mai đào không có cũng không sao nhưng với ông, hoa cúc không thể thiếu. Mấy ngày giáp Tết tôi nấn ná ở lại thành phố để đưa mấy cái khăn len đan được lúc rãnh rỗi đi bán kiếm chút tiền. Trước khi ra bến xe về nhà, tôi tạt qua chợ hoa chọn cúc cho bố. Đúng là chợ hoa ngày Tết, nhìn gì cũng muốn mua, thứ nào cũng đẹp. Nhìn những bông hồng thắm đỏ đầy gai, tôi liền nhớ đến lời mẹ dặn. Có lần tôi hỏi bố mới biết, cha ông ta thường quan niệm rằng hoa hồng như người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh, đẹp nhưng mau úa tàn, cánh hoa rơi lả tả thê lương; mẹ tôi thích hoa cúc vì hoa cúc chính là tấm lòng mẹ dành cho bố, thủy chung cho đến cuối đời như những đóa cúc vậy: những cánh hoa khi rụng xuống vẫn bện chặt với nhau. Tôi suýt không cầm được nước mắt khi nghĩ đến mẹ. Bỗng nhiên từ luống hoa bên kia một người thanh niên đang nhìn tôi chăm chú, anh mặc áo lính. Tôi cố lãng tránh khỏi ánh mắt người con trai ấy, có lẽ tại người ta thấy tôi rơi nước mắt giữa rừng hoa đẹp như vậy nên lấy làm lạ. Rời khỏi những bông hồng, băng qua những chậu mai, đào đắt đỏ, tôi đến khoảnh sân người ta bày hoa cúc. Thấy bông nào cũng đẹp tôi đâm ra lúng túng. Có một giọng nói ghé vào bên tôi, anh ta cúi xuống rút lên một bông cúc màu vàng tươi. Tôi nhận ra người con trai mặc áo lính lúc nãy nhìn mình, chưa kịp đỏ mặt vì xấu hổ thì đã bị anh cuốn vào một dòng miên man về loài hoa kỳ diệu:
-         Cô bé nhìn này. Chọn hoa cúc phải cận thận em ạ, nhất là chọn hoa đặt bàn thờ. Bông chỉ vừa nở thôi nhé, cánh phải thật tươi, úp vào đều nhau và thân hoa phải thật thẳng như thế này này. – Vừa nói anh vừa rút lên vài bông đưa cho tôi. Em đi theo anh, bên này còn nhiều bông đẹp lắm…
     Chọn hoa xong, anh bảo tôi cầm lấy hoa để anh kiểm tra lại xem có bông nào bị gãy mà người ta làm dối lấy tăm tre đính lại không. Tiền bạc thì không nói nhưng cắm chưa lâu mà hoa héo thì vừa mất cảm xúc vừa có tội với ông bà. Tôi nhìn quanh, ở vườn cúc chỉ có tôi và anh là người trẻ, còn lại là các cụ già – những người có kinh nghiệm chọn hoa cúc cho ngày Tết. Chúng tôi nói chuyện một lúc, không ngờ anh và tôi lại là đồng hương. Anh chở tôi bằng xe đạp ra bến xe. Chiếc xe đò ngày Tết thường chật chội, tôi phải ngồi dính sát vào người anh, cảm giác máu đang dồn hết lên má. Suốt chuyến đi chỉ toàn là anh bắt chuyện, còn tôi cứ ú ớ dạ thưa. Thỉnh thoảng tôi liếc nhìn trộm anh, đôi mắt anh đẹp thật, nhưng làn da có vẻ hơi sạm chắc tại nắng thao trường. Dường như không cần nói nhiều, những bông cúc đã nói hộ lòng chúng tôi, kéo chúng tôi gần lại với nhau. Năm đó anh không được đón Tết ở nhà, chiều ba mươi đã phải có mặt ở đơn vị. Đơn vị của anh đóng ở Huế, thì ra những năm qua chúng tôi ở rất gần nhau nhưng lại chẳng hề biết nhau. Anh tên Tuấn, hơn tôi hai tuổi.
     Tết năm sau, chúng tôi lại cùng nhau đi chợ hoa. Anh đích thân chọn những bông cúc tặng bố tôi, ông thích lắm. Tôi thì tặng bố mẹ anh một hộp chè hoa sen mua bằng tiền lương của mình và hai cặp bánh chưng do bố gói. Nhiều người trong làng thường nhờ bố tôi gói bánh chưng vì bánh chưng ông gói rất vuông, lạt đều, bánh đẹp, nếp dẻo và nhân thì mịn. Ngày mẹ tôi còn sống, tôi rất thích cảnh cả nhà ngồi quây quần nấu bánh chưng và đón giao thừa. Tặng những chiếc bánh chưng do bố gói tôi không lo bố mẹ anh chê nhưng sao chân tay vẫn cứ run rẩy khi sắp sửa bước vào nhà. Căn nhà khá rộng, có bố, mẹ và em gái anh. Bố anh là chủ tịch xã huyện bên, từ làng anh đến làng của tôi phải mất hơn hai tiếng đồng hồ đạp xe. Nhà anh có xe máy nhưng anh vẫn đi đón tôi bằng xe đạp. Có lẽ cái tính nết cần cù, giản dị của anh được thừa hưởng từ mẹ. Bà có khuôn mặt phúc hậu, nhìn bà tôi nghĩ đến người mẹ đã khuất. Việc gói bánh, sắm Tết, bày bàn thờ đều do một tay mẹ anh làm. Còn bố anh có vẻ độc đoán và theo chủ nghĩa thực dụng. Ngắm nghía hai cặp bánh chưng của tôi đưa đến, ông gật gật đầu trong khi tay vẫn mân mê mấy sợi râu dưới cằm:
-         Bác nhà bên khéo tay quá. Năm nay không gói bánh nữa. Để tôi sai mấy thằng đi mua mấy chai rượu ngoại đặt lên bàn thờ cho nó oai. Bánh trái ít ít thôi, nhà chả có trẻ con bày làm gì cho nó rối rắm.
     Anh là người khá tinh tế, anh đã sớm dặn tôi từ trên đường đi là đừng có bỡ ngỡ vì bố anh và bố tôi rất đối lập nhau. Em gái anh cũng chào một câu rồi đi vào phòng. Chỉ có mẹ anh là người cho tôi cảm giác thân thương và gần gũi. Bà chỉ cho tôi nhiều cái hay như cách pha chè sao cho ngon, cách làm bánh lá gai và cách chọn hương vừa thơm vừa bền thắp cho ông bà ngày Tết. Những lần được gặp bà, tôi có cảm giác như trái tim đang được sưởi ấm trở lại tình yêu của mẹ. Tôi thầm mong được làm con dâu của bà.
   Năm ấy, sau khi cúng giao thừa cùng gia đình, anh mượn xe bố phóng thật nhanh đến nhà tôi. Chúng tôi ngồi uống chè trò chuyện cùng bố, đón những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Bố lui vào nghỉ sớm, còn lại hai chúng tôi ngồi trước ấm chè đã nguội. Tôi lấy cớ xuống bếp pha lại ấm chè khác. Tuấn cũng đi theo tôi, anh kéo tôi lại ở cửa bếp và ôm chầm lấy. Tay tôi lúc ấy vẫn giữ chặt cái ấm chè rất quý của bố, bé nhỏ thổn thức trong vòng tay anh ấm áp giữa đất trời lồng lộng tiết xuân sang.
     Những ngày đến trường cùng lũ trẻ thơ và những lá thư anh gửi về đều đặn mỗi tháng là niềm an ủi duy nhất của tôi những năm tháng yêu anh. Có những lúc nỗi cô đơn lên đến tột độ và tôi đã ôm lấy miệng bật khóc, cả đêm nằm rấm rứt không sao ngủ được. Những lần như thế thường khiến đôi mắt tôi sưng húp vào sớm hôm sau. Bố không nói gì cả, ông đưa tôi một nắm bã trà gói trong miếng vải sạch bảo tôi chườm lên mắt cho hết quầng thâm. Tôi buồn một thì chắc bố cũng buồn gấp bội, thương con nhưng ông không biết nên làm sao cho phải. Bao nhiêu đám đến muốn dò hỏi tôi cho con trai, em trai họ, nhiều đám cũng vừa ý ông lắm nhưng ông đều cáo lỗi với họ và bảo: chuyện dựng vợ, gả chồng phải là ý muốn của con cái, tôi không thể tự ý quyết được…
     Bốn cái Tết đi qua trong quãng thời gian tình yêu nhưng duy nhất một cái giao thừa chúng tôi được ở bên nhau. Cái Tết thứ tư, đáng nhẽ anh được về nhưng vì gia quyến một đồng chí gặp chuyện buồn bất ngờ nên cấp trên cắt cử anh ở lại. Năm đó bố tôi phát bệnh hen suyển trở lại, tôi cũng phải ở nhà không đi thăm anh được. Hai tháng sau anh có về được mấy ngày rồi lại đi. Mùa hè năm ấy anh bảo phải hành quân đi diễn tập dài ngày không về và cũng phải cắt liên lạc gia đình. Tuấn cũng dặn, nếu nhỡ bố có chuyện gì không may thì em nhớ bảo bố mẹ anh một tiếng để họ nhờ người quen gần chỗ anh đóng quân chuyển lời cho anh. Không hiểu sao lần tiễn biệt hôm đó tôi có cảm giác như anh sắp sửa đi đến một chiến trường bom đạn khốc liệt, một cảm giác xa cách không biết đến bao giờ gặp lại và gặp lại sẽ là điều gì sẽ xảy đến…
     Bố yếu quá, tôi vừa phải sắp xếp công việc vừa trông nom ông nằm viện. Cũng may có anh Cương giúp đỡ. Anh Cương là con của dì Mai người làng tôi, bố anh là liệt sĩ. Gặp bố tôi, anh mừng và chu đáo lắm vì anh chính là một trong những học trò ngày xưa được thầy Đảm dìu dắt. Bố mắc trong mình nhiều bệnh quá nên người nhanh chóng xuống sức. Nằm viện mấy tháng, ông kiên quyết đòi về nhà cho bằng được. Cứ hễ ngăn cản ông lại bảo: Cha ông ta đúc rút được điều này: kẻ xấu thường sống dai, người tốt thường đoản mệnh; chết là sự giải thoát khỏi bĩ cực nhân gian về đoàn tụ tổ tiên có gì đáng sợ mà phải chạy chữa cho phí tiền phí của.
     Anh Cương kê thuốc và dặn dò tôi tỉ mỉ những món ăn cần tẩm bổ, cũng như những thứ không nên ăn để tôi nấu cho bố. Nói chung là kiêng cự nhiều, mà bố tôi cũng lười ăn lắm, ăn gì cũng không thấy ngon. Ông chỉ thích có bạn bè hoặc học trò cũ đến thăm, lúc ấy vẻ mặt ông tươi tắn rạng rỡ. Anh Cương hay về khám cho bố và trò chuyện với ông. Có vẻ bố tôi rất quý anh Cương, anh ấy thành đạt nhưng bao giờ cũng hiếu thảo với mẹ già và biết đến tình làng nghĩa xóm.
     Thời gian Tuấn hành quân tập trận, tôi lu bu chạy lui chạy tới lo cho bố nên không còn thời gian nhớ đến anh. Mà có lẽ nỗi nhớ trong hoàn ảnh ấy chỉ khiến con người ta yếu đuối hơn. Nhưng sao đã gần ba tháng trôi qua rồi mà không thấy tin tức gì từ anh, tôi lo quá. Buổi chiều hôm đó, tôi đến nhà anh nhưng nhà không có ai. Lúc toan ra về thì có một cô gái chạy xe máy vào nhà anh. Cô ta lấy khóa mở cửa vào nhà. Tôi dựng xe rồi rón rén bước vào hỏi thăm. Cô gái nhìn tôi một lượt từ đầu xuống chân rồi trả lời:
-         Bố mẹ tôi vắng nhà hết cả. Mấy ngày nữa mới về. Cái út thì đợi lát nữa.
-         Thế cô là…?
-         Tôi là con dâu. À, đúng hơn là con dâu tương lai của bác chủ tịch xã.
Tôi gần như chết lặng, suýt nữa bị hổng chân ở bậc tam cấp, lúng túng đến nỗi không mặc được dép mà bước đi. Tôi chào ra về. Chiếc xe đạp mini uể oải lăn bánh. Cô gái đứng trong nhà còn nói với theo:
-         Đúng là quê hết sức!
     Một tuần, hai tuần, một tháng, rồi ba tháng trôi qua, không một tin tức, không một lời giải thích từ anh. Bố tôi ra viện đã lâu nhưng bố mẹ anh cũng không đến thăm lấy một lần. Tôi triền miên những đêm không ngủ, nghe tiếng ho từng cơn của bố và nghe hết thứ tạp âm của cảnh vật, muôn loài về đêm. Một buổi sáng, bố gọi tôi đến bên giường:
-         Con đừng sống như vậy nữa. Bố làm sao nhắm mắt khi thấy con đêm nào cũng sụt sùi nước mắt như thế. Mấy năm nay bao nhiêu đám đến hỏi nhưng bố chiều ý con. Nay bố không còn sống được bao nhiêu nữa, nếu con thương người bố này thì làm theo ước nguyện của ta được không?
-         Xin bố cứ nói. Bố chỉ có con, một đời bố đã vì con…
-         Dì Mai có gặp bố. Bà ấy nói anh Cương thích con nhưng không dám nói. Không phải vì đến lúc bố gần đất xa trời người ta mới nói vậy mà là dì Mai thương con lâu rồi, thấy cậu Tuấn lui tới nên đành thôi. Bây giờ ý bố cũng giống dì Mai. Con lấy anh Cương là bố yên tâm mà thanh thản nhắm mắt.
Đêm hôm ấy tôi khóc sưng cả mắt, tôi nhìn những bông cúc trổ bói gầy gò bung nở. Đám cưới hôm trước, hôm sau bố tôi hấp hối. Sau khi căn dặn riêng với chồng tôi, bố muốn tôi ngồi với ông những giây phút cuối cùng:
-         Bố tin sau này con sẽ không khổ khi làm dâu nhà đó. Nhưng sẽ có lúc con gặp lại Tuấn và sẽ giận bố. Con đừng hối hận những việc gì đã làm. Ngày xưa người mẹ con yêu không phải bố nhưng rồi sống chung cũng nảy sinh tình cảm, cả hai chúng ta đều yêu hoa cúc vì bà ấy chính là một đóa cúc bất tử trong lòng bố. Hãy là đóa cúc luôn tươi thắm bên chồng con con gái nhé.
     Tết năm đó, sau khi làm cơm cúng giao thừa xong, tôi xin mẹ chồng về nhà mình. Mẹ chồng vốn hiền lành, tâm lý, bà dặn chúng tôi ở lại giữ hương đèn suốt đêm cho bố tôi kẻo ông ấy cô quạnh mà tủi thân. Anh Cương pha một ấm chè rất thơm dâng cho bố. Anh không biết gói bánh chưng nhưng anh hứa năm sau sẽ tập gói để trình bố xem thử. Từ ngày lấy nhau xong, bộn bề trong đau thương về sự ra đi của bố, tôi ít khi chuyện trò riêng với anh. Thấy anh chăm chút, kính trọng bố mẹ tôi, lòng tôi cảm kích nhưng sao vẫn không buông nổi lời nào cho nên tình nên nghĩa. Tôi dường như chưa quen với việc mình đã có chồng. Tôi nói khéo, anh về với mẹ kẻo bà buồn, em muốn chợp mắt một chút, mai em sẽ về sớm làm cơm cúng cho ông bà hai bên. Anh có vẻ bối rối một lúc rồi gật đầu. Ra đến cửa, bỗng nhiên anh quay lại ôm chầm lấy tôi một cái siết chặt rồi quay đi thật nhanh. Tôi quá bất ngờ nên không kịp nhận ra mình có rung động gì không, chỉ thấy nước mắt trào ra không ngăn nổi. Tôi thấy nhớ anh Tuấn đến cắt lòng, nỗi nhớ cứ trào lên rồi dập xuống xoáy chặt lấy trái tim tôi muốn vỡ vụn ra. Cũng vào đêm giao thừa năm ấy, Tuấn đã truyền vào tim tôi một hơi ấp kỳ lạ khiến nó run rẩy, thổn thức. Giờ anh đang ở đâu, vì sao lại phụ tình tôi như thế…
     Dẫu Cương không phải là người tôi yêu nhưng anh ấy không có điểm nào đáng chê trách để tôi phải phụ nghĩa tình mẹ con anh ấy cả. Những giao thừa sau tôi bận rộn với nghĩa vụ con dâu, làm những việc mà mẹ chồng tôi vẫn thường làm. Gia đình càng trở nên ấm áp từ khi có bé Như.
     Năm nay cái Như đã học lớp ba. Đợi nó lớn hơn, tôi sẽ dạy nó những gì tôi biết: về ý nghĩa văn hóa và cách chọn hoa cúc, về cách pha chè, cách bày những thức cúng trên bàn thờ ngày Tết..., để nó có đi đâu, làm gì cũng không được quên cái bản sắc của dân tộc, cái nếp nhà của cha ông.
     Tôi cứ nghĩ cái Như còn bé nên hễ nó hỏi gì tôi lại bảo: “Lớn thêm tí nữa, mẹ bảo cho con hết”. Nhưng bỗng nhiên một lần, câu hỏi ngây ngô của nó làm tôi phải đứng lặng người một lúc lâu:
-         Bố Cương có phải mối tình đầu của mẹ không?
Ngạc nhiên hơn là chiều hôm qua, sau khi đi chợ Tết về, nó kéo tay tôi vào phòng rồi vặn hỏi:
-         Có phải mẹ rất thích hoa cúc không? Có một bác nói nhỏ với con thế. Bác ấy còn chỉ con cách chọn hoa cúc để cắm vào bình đặt lên bàn thờ của ông ngoại nữa.
-         Ai… Ai bảo con thế?
-         Bác ấy mặc áo quần màu xanh giống chú bộ đội trong bức hình mẹ cất trong cuốn sổ đặt dưới gầm tủ đó.
     Chuyện về Tuấn tôi đã nghe mẹ anh kể lại. Năm đó trong trận tổng diễn tập cuối cùng, một chút thiếu kỹ thuật của đồng đội đã khiến anh bị bỏng một nửa khuôn mặt và xương hàm bị tổn thương. Mấy tháng điều trị trong bệnh viện anh xin bố mẹ dấu kín vì sợ tôi chịu không nổi khi vừa lo cho bố vừa biết tin anh như vậy. Còn người con gái tự xưng là con dâu ngày ấy là con gái chủ tịch huyện, bây giờ là vợ anh. Dù đấy không phải người mà Tuấn và mẹ anh chọn nhưng dù sao cô ấy cũng thật lòng yêu anh. Biết tin anh gặp tai nạn cô ấy vẫn không chê, còn xin bố tiền để chữa trị vết thương ở mặt cho anh. Chuyện mai mối cho đến cưới hỏi đều do hai ông bố tự dàn xếp với nhau. Nhưng có lẽ đó là sắp đặt của số phận.

*     *     *

     Còn vài phút nữa thôi là khoảnh khắc giao thừa tới. Mẹ ơi con gái mẹ giờ cũng có nếp nhăn rồi, cái Như đợi giao thừa mệt quá đã ngủ như cún con. Mẹ tôi cười hiền quá. Bố thì lúc nào cũng điềm tĩnh. Họ nhìn tôi trìu mến sau làn khói hương nghi ngút bay lên. Hôm nay anh Cương trực ở bệnh viện. Một mình tôi đón giao thừa cùng bố mẹ. Những bông cúc bung nở tỏa hương thơm dìu dịu.


 Đêm qua đi và ngày đang tới hát câu chuyện tình mùa xuân…

-         Vâng. Tôi nghe…
-         Có phải là em không…Thảo An?
-        
-         Anh là Tuấn đây. Em khỏe không?
-        
-         Em, em ơi. Xin em đừng cúp máy. Em cứ lặng im đừng nói gì cũng được nhưng khoan vội cúp máy. Hãy để anh nghe hơi thở của em một lúc thôi cũng được. Anh chưa bao giờ thôi nhớ em…!

   Lặng lẽ…mùa đông như câu hát cuối cùng. Những gì đã qua sẽ còn lại trong chúng ta…

                                                                                                           
                                                                                                                       


N.D.H