Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Truyện ngắn 
                                                 
                                                      TÌNH KHÚC KHÔNG LỜI

Tạp chí Cửa Việt tháng 9 - 2014


-    Vâng, tôi nghe…
-     Con chào cô!
Một giọng trẻ con trong vắt làm Phương tò mò.
-   Con là ai đấy?
-   Con là con của bố Thành, tên là Phương Anh.
   “Bố Thành?” Câu nói của đứa bé cứ vang lên trong đầu Phương hồi lâu. Cô muốn hỏi nhiều lắm nhưng Phương chỉ có thể kịp đáp lại đứa trẻ vài câu ngắn.
-         …Vậy à? Chào con. Bố con đâu?
-         Bố đang ngồi với con. Bố nói bố nhớ cô.

  Giọng Phương run run chùng xuống, rồi cô nghe thấy bước chân của đứa bé chạy đi. Chỉ còn lại hai người lặng im trong tiếng nhạc dập dìu - bản giao hưởng Sonata ánh trăng của Beethoven. Phương cảm nhận được hơi thở của người đầu dây bên kia. Lúc ánh trăng đang tan ra lơ lững bên họ và như đang mang họ trở lại cánh đồng đầy trăng năm đó thì chiếc ống nghe điện thoại bỗng rơi khỏi tay cô.
   Chiếc đĩa nhạc vẫn quay êm ả, dập dìu khúc nhạc Phương yêu thích nhất. Cô nhớ lại những cuộc điện thoại lặng lẽ suốt thời gian gần đây. Chợt Phương thấy bâng khuâng, ngồi lặng yên với hai bàn tay lồng vào nhau để hờ trên gối.
   Tiếng nhạc ngừng. Đang sờ soạng thì tiếng bà Sa cất lên:
-         Mẹ tắt đấy. Ngày nào cũng nghe cái thứ nhạc đó. Buồn lắm con ạ. Con gái mà nghe thứ nhạc đó nhiều là cuộc đời không vui đâu con.
   Cứ thấy Phương ngồi nghe những bản nhạc cổ điển trầm buồn đó, bà Sa lại lo lắng. Nhưng bà không thể cấm, bởi đó là cách Phương cảm nhận về thế giới bên mình. Cũng may bà còn lại một thứ trọn vẹn đó là sức khỏe. Từ sau khi chồng mất cùng với đứa con trai bảy tuổi trong một vụ tai nạn, đôi mắt bà cũng khô vắt đi vì khổ đau và những nỗi lòng khó ai hiểu thấu. Bà không muốn mất thêm gì nữa. Thứ vô cùng quý giá, lý do duy nhất bà luôn luôn cố gắng đó chính là Phương.
     Ngày Phương còn học phổ thông, cô nghĩ gia đình cô là hạnh phúc nhất. Phương học giỏi và luôn tự hào về bố mẹ của mình. Trong những bài văn cô viết bao giờ cũng có hình ảnh của một người cha mẫu mực, và đằng sau đó là hình bóng một người vợ yêu chồng, người thức muộn nhất mỗi đêm và cũng dậy từ rất sớm.
   Năm cuối cấp, Phương được thầy Thành dạy kèm để thi vào ngành báo chí như cô mong muốn. Thành là một thầy giáo trẻ, chỉ hơn Phương sáu tuổi. Anh có vẻ đẹp của một chàng trai trí thức với chiếc răng khảnh khẽ lộ ra khi anh cười. Thầy Thành nổi tiếng là nghiêm khắc nên học sinh đều kính nễ. Học sinh nữ mến mộ thầy nhưng đều rụt rè, sợ tiếng mắng của thầy. Chẳng ai biết được rằng thầy lại để ý đặc biệt đến Phương, cô học trò ngoan ngoãn và đặc biệt có đôi mắt đen long lanh dưới hai lá mày cong hiền dịu. Cô bé thường kể với thầy rằng không hiểu sao em cứ hay mơ thấy mình bị mù, nhưng không phải là màu đen mà là một thứ màu xám cứ đan trước mặt, mọi thứ cứ mờ dần mờ dần và nhập nhòe trước mắt, những giấc mơ cứ thi thoảng lại xuất hiện và làm em khó chịu trong những giấc ngủ của mình. Những lúc như thế, thầy lại mắng cô học trò ngốc nghếch và nói “chắc tại em học nhiều, mệt mỏi qúa ấy mà”.
   Kỳ thi đại học đến gần. Hai thầy trò miệt mài cùng bao sách vở. Lâu dần, dù chưa nói ra nhưng cả hai người đều cảm nhận được điều gì đó trong trái tim của nhau.
   Một buổi chiều muộn, Thành chở Phương đến một cánh đồng bát ngát hoa xuyến chi. Họ ngồi bên nhau yên lặng nhưng tiếng lòng thì như cùng hòa nhịp đan thành bản nhạc không lời còn mãnh liệt hơn tiếng gió thổi vút từ ngoài cánh đồng kia. Thành ngắt một nhánh hoa trao cho Phương: “Anh chúc em luôn cười tươi như bông hoa xuyến chi này nhé. Dù kết quả kỳ thì có như thế nào thì cũng hãy nhớ rằng ở đây anh luôn đợi chờ và ủng hộ em…” Trên đường trở về, không may Thành gặp tai nạn. Sự việc đến tai bà Ngân – mẹ Thành. Dù đã nghe thầy kể về mẹ, một người phụ nữ cả quyền, độc đoán và khắc nghiệt, nhưng Phương vẫn rủ bạn đến thăm. Chưa kịp cho Phương ngồi, bà Ngân đã túm lấy tay cô kéo ra khỏi nhà và xả ngay vào mặt những lời cay độc, chửi rủa. Trong mắt bà, Phương là đứa trẻ ranh, bám gót, ít giáo dục và đưa đến xui xẻo cho con trai bà. Thành nằm trên giường cố gắng lê người xuống, rồi anh ngã, những vết khâu rướm máu. Phương thì im lặng, nhạt nhòa.
   Có lẽ lần gặp mẹ Thành đã khiến Phương trưởng thành hơn và cái quyết tâm thi đỗ đại học thôi thúc hơn bao giờ hết. Cô gạt nước mắt và để sau lưng tất cả. Thành cũng nhắc nhở cô về vết thẹo trên tay anh, để Phương đừng bao giờ nản chí vì tình yêu của họ. Trước ngày thi, Phương được người bà con đưa đến ở nhờ một ngôi chùa nhỏ tại cố đô Huế. Để cho lũ trẻ ôn thi nên sư trụ trì thay đổi giờ hành lễ, mỗi ngày chỉ tụng kinh vào bốn giờ sáng. Lúc ấy cũng là lúc Phương thức dậy, cô ngồi im trên phản, nhắm mắt lại và chắp tay lắng nghe tiếng năm mô vang vang từ trên gác. Âm thanh của những bài kinh và tiếng chuông ngân dài mang lại một sự yên bình, thanh thoát mà cô cảm nhận được trong từng hạt không khí đang chuyển động quanh mình. Và những bữa ăn chay khiến cô thấy lòng mình sạch sẽ, nhẹ nhàng hơn. Trước sân chùa có một cây hoa sứ rất già, chiều chiều Phương lại ra đó nhặt những chiếc hoa rụng cắm lên những nhánh xương rồng trong chậu, khiến cho cây xương rồng đầy gai cũng biến thành những chùm hoa sứ xinh xắn, hiền lành. Sư thầy thấy vậy lại đến vuốt tóc cô bé và có lần sư thầy nói “trái tim con ngọt ngào như những bông hoa sứ, hương thơm sẽ phảng phất lan tỏa khiến không ai có thể quên được con.”
   Cô sinh viên sống trong ký túc xá của trường, ngày đi học, chiều chiều lại đạp xe lên ngôi chùa cũ giúp các chú tiểu làm nhang đèn, làm nước tương và quét dọn cổng chùa. Thành cũng bí mật vào Huế thăm Phương vài lần. Bà Ngân nhờ người gửi cho cô một bức thư. Dù đã có phần bớt khinh miệt nhưng cái bản chất của một người phụ nữ ít học, độc đoán và không cúi nhường một ai đã khiến bà không ngừng tuôn ra những lời khó nghe, cay nghiệt. Bà muốn Phương buông tha cho Thành, anh cần ổn định và tìm một người vợ bà ưng ý. Phương vẫn giữ kín về bức thư, nhưng Thành vẫn cảm nhận được sự lạnh lẽo băng một lớp sương dày quanh trái tim của cô.
   Mùa xuân năm thứ ba đại học, một mùa xuân màu trắng đối với Phương. Sự ra đi của bố và em cùng sự suy sụp của mẹ đã đặt lên vai cô một gánh nặng tưởng chừng không chịu nổi. Trái tim cô đau như xát muối nhưng vẫn phải cố gồng lên làm bờ vai cho mẹ. Thành đã ở suốt bên Phương cả thời gian đau khổ ấy. Lúc Phương thấy mang ơn Thành nhiều nhất thì cũng là lúc sự chịu đựng của bà Ngân vượt quá giới hạn.
   Một buổi chiều, khi Phương chuẩn bị bước lên tàu trở lại thành phố, mẹ Thành đã bí mật đến tiễn. Thực ra, bà ta muốn Phương hứa một điều, rằng hãy tìm cách chia tay Thành. Lúc cô đang cúi đầu lặng im thì bà Ngân òa khóc:
-         Nếu cô không làm được thì xin hãy giúp tôi gọi nó tới nhặt xác mẹ. Nói rồi bà lao nhanh về phía đường ray có tiếng còi tàu đang rít lên từ phía xa xa. Phương chạy theo níu lấy tay bà và khóc. Hơi thở cô đứt ra trong từng tiếng nấc nghẹn ngào:
-         Vâng. Bác ơi. Cháu hứa. Xin bác hãy về đi!
   Phương bước lên tàu. Cô mong sao cho chuyến tàu dài mãi, đi mãi đến nơi nào đó cô không phải gặp lại Thành, không phải đối mặt với mẹ Thành, càng không cần lo lắng sẽ phải chia tay như thế nào để anh chấp nhận. Bao nhiêu lần Phương nói chia tay với trăm ngàn lý do đều không vượt qua được ánh mắt của Thành, cũng như không chế ngự được nỗi nhớ âm ỉ cào xé trái tim họ.
   Rồi mùa hè năm đó Phương đi tác nghiệp ở Gia Lai. Khi đi qua một vùng căn cứ địa cách mạng thời kháng chiến chống Mĩ, chất độc chiến tranh còn vương lại không may nhiễm vào người cô. Nó đưa Phương bước vào chính giấc mơ ngày xưa cô vẫn thường gặp, mọi thứ cứ mờ dần đi trước mắt. Lần này, bà Sa không khóc, dẫu trái tim bà rách toạc vì khổ đau. Bà muốn làm đôi mắt cho con và bà không muốn Phương biết rằng đôi mắt của cô đang khóc.
   Thế là Phương chưa kịp nhận tấm bằng tốt nghiệp cử nhân báo chí. Cô đau khổ, tuyệt vọng và cảm giác đó như một tờ giấy nhám chà đi xát lại trái tim cô bao nhiêu lần. Thương mẹ, Phương cố gắng vượt qua. Cô xin sư trụ trì nếu Thành có tìm thì đừng kể gì cho anh hay mà hãy nói cô đã đi lấy chồng rất xa và sống hạnh phúc. Hai mẹ con chuyển vào Đà Lạt sống cùng gia đình người bạn cũ.
   Cuộc sống bình yên ở trang trại khiến Phương quên bớt đi những trận cuồng phong cứ liên tiếp ập xuống. Cô muốn để sau cái thế giới màu xám của mình những thứ cô rất yêu. Bây giờ mẹ chính là đôi mắt. Đôi tay cô cũng đã lướt được rất êm trên những phím đàn. Đêm đêm Phương chơi đàn dương cầm cho một nhà hàng trong thành phố. Cô chỉ chơi được một vài bản nhạc cổ điển quen thuộc mà cô vô cùng ưa thích. Đặc biệt, vào mỗi tối thứ bảy, những người khách quen lại cố nán lại để nghe Phương chơi bản Sonata ánh trăng của Beethoven. Bản nhạc này do Thành gửi tặng khi Phương bảo anh hãy kể về ánh trăng quê trên cánh đồng hoa xuyến chi anh đang nhìn ngắm. Cô nghe và chơi nhiều đến nỗi giờ đây từng giai điệu, nốt trầm bổng, nhịp đô rê, tất cả đã ăn vào máu. Ngày đó, thời còn ở Huế, quyết tâm và khao khát đã thôi thúc cô theo học dương cầm. Sự thành tâm và nét đẹp toát ra từ khuôn mặt thánh thiện của Phương đã làm một người nghệ sĩ cảm động, nhân vật có tên Liễu Thanh Cầm. Họ quen nhau trong một buổi hòa nhạc từ thiện.
   Cái tin nghệ sĩ dương cầm mù chơi Sonata ánh trăng rất tình cảm đã lan khắp nơi gần xa. Và điều gì có thể ngăn được sợi chỉ vô hình mang nó đến với Thành?
     Về Thành, anh luôn sống trong những giấc mơ mà bao giờ hình bóng Phương cũng mập mờ xa xa, khi anh chạy đến thì biến mất, rồi anh lại hụt hững, quay cuồng tìm kiếm. Dù nhà chùa không nói dối, nhưng vì Phương, vì những khổ đau cô phải chịu và lời thỉnh cầu của hai mẹ con, sư thầy đành bảo Thành rằng Phương đang sống tốt cùng chồng. Cuối cùng anh cũng tự an ủi lấy bản thân và chấp nhận sự sắp đặt của bố mẹ. Dường như giấc mơ của Thành sẽ chẳng bao giờ tan đi và nó còn hiện hữu cả những lúc anh tỉnh. Trở về sau công việc và những cuộc gặp gỡ bạn bè, anh mang vẻ mặt u sầu và vô cảm bên vợ. Đã bao lần người vợ anh đòi chia tay nhưng rồi lại thôi, vì cả hai không ai làm điều gì có lỗi. Thành biết mình sai, những mong đứa con sẽ là ánh nắng xua tan giấc mộng của chính mình. Nhưng cái giây phút khi người bạn cũ cho anh hay về Phương, nghệ sĩ dương cầm mù chơi bản Sonata ánh trăng, giấc mộng ấy lại trỗi lên mãnh liệt hơn nữa.
   Thành ngồi dưới hàng ghế khán giả và nhìn lên Phương. Những giọt nước mắt anh rưng rưng rồi tràn ra khỏi khóe mắt theo từng nốt nhạc dập dìu tan vào không khí. Tất cả lặng im, cô gái mù mặc chiếc áo trắng màu hoa sứ đang lướt những ngón tay rất êm ái trên phím đàn kể cho mọi người nghe về ánh trăng cô cảm nhận được trong thế giới của mình. Thành ngồi đó, nhìn cô không rời mắt. Đôi mắt Phương nhìn vào không gian vô định, nó vẫn đẹp làm sao, anh thấy. Phương vẫn không hề quên bản nhạc này và còn chơi nó rất hay, nó làm Thành tin rằng cô chưa từng quên anh. Rồi tiếng nhạc ngưng, mọi người vỗ tay và ra về. Chỉ còn Thành ngồi lặng yên cố hứng trọn những mảnh trăng rơi còn vương lại đây đó. Khi anh giật mình nhìn lên thì Phương đã biến mất. Thành cuống cuồng tìm kiếm. Sau khi tìm hiểu anh mới hay về cuộc sống những năm qua của cô.
   Trở về mà chưa gặp được Phương, anh sợ cô biết lại lần nữa chạy trốn. Thành cũng thấy có lỗi với vợ, nhưng anh nghĩ sẽ thật có lỗi khi suốt đời này tra tấn cô ấy bằng trái tim lạnh lùng, băng giá.
*     *     *
     Bà Sa nhặt chiếc ống nghe Phương làm rơi đặt lên hộp điện thoại trên bàn rồi dẫn cô đi dạo. Đột nhiên bà nhắc đến Thành làm Phương sững sờ giây lát. Cô cố gắng lắng tai nghe thêm điều gì đó nhiều hơn nhưng chỉ nghe thấy được tiếng bước chân song hành cùng cái se lạnh của một đêm Đà Lạt.
     Vài ngày sau đó, hai mẹ con về quê thăm mộ bố và em trai Phương. Họ tản bộ thắp nhang viếng những ngôi mộ quanh đó. Rồi Phương đứng một mình bên mộ bố rất lâu. Cô chỉ lặng im nghe tiếng gió thoang thoảng hương cỏ dại từ mọi phía, thứ mùi thơm của quê hương xứ sở.

   Một cánh tay khẽ chạm vào cô. Phương giật mình hỏi “Mẹ ư?” Cánh tay kia nắm lấy bàn tay nhỏ gầy của cô yên lặng. Phương khá bình tĩnh, cô sờ lên bàn tay ấm áp ấy một cách chậm rãi. Rồi những ngón tay bỗng nhiên dừng lại khi chạm đến một vết thẹo dài trên đó. Bản nhạc ngày xưa trong khoảnh khắc dội về giữa mênh mông bát ngát xanh rờn, khiến cô lãng quên đi ngọn gió đang vi vu trên đồng cỏ. Hai người vẫn lặng im như thế chờ cho bản nhạc tan hết cùng bao nỗi nhớ thương. Rồi họ ôm chầm lấy nhau không nên lời.
   Trong buổi hòa nhạc từ thiện do cô Liễu Thanh Cầm mời Phương tham dự, Thành đã mang bé Phương Anh đến xem. Anh đã giải thích cho cô bé nghe về cái tên của nó. Anh cũng bảo với con gái rằng người chơi đàn mù trên sân khấu kia sẽ chơi tiếp bản nhạc cuộc đời cha con ta. Thành dắt con gái đến gặp Phương. Cô gái mù nhẹ nhàng cúi xuống sờ lên tay đứa trẻ. Những ngón tay nhỏ xíu bất chợt nắm chặt lấy bàn tay Phương khiến trái tim cô hạnh phúc ngập tràn.

                                                                                                 
                                                                                                                           Ngô Diệu Hằng

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Truyện ngắn: CÁNH BƯỚM CỦA TÌNH MẪU TỬ


NGÔ DIỆU HẰNG
Tạp chí Văn nghệ quân đội 
- Số 792 (tháng 3/2014)


Trong chuyến tàu đời người có bao nhiêu sự gặp lại? Gặp lại người thân, gặp lại một mảng ký ức nào đó bị thất lạc tưởng chừng đã chìm khuất vào dĩ vãng, gặp lại một giọng nói hay một cảnh tượng có thể đã từng xảy ra hay đã vật vờ trong giấc mơ nào đó bây giờ hiện hữu trước mắt. Cái đầu của Quy làm việc không tốt từ bao giờ cô không thể nhớ. Cô dị ứng với những dãy số, quên tên những con đường, những móc thời gian quan trọng trong quá khứ và cả những cái tên dù khuôn mặt họ vẫn xao xác đâu đó dưới làn tóc nhung. Sự gặp lại giữa Quy và “người đàn ông có mái tóc xoăn” là ga tàu nào trong chuyến tàu cuộc đời cô mà nó vừa quen vừa lạ, như mơ như thực, càng muốn lướt qua lại phải gặp, như khúc ray được mặc định phải dừng ở đó, vô tâm trở thành hữu tâm, buộc phải nghĩ suy, buộc phải kiếm tìm kẻ đứng sau sắp đặt…
Cơ quan của Quy tổ chức tiệc cuối năm tại nhà hàng Cây Me. Kẹt xe, đến muộn. Khi bước vào thì thấy mọi người đã đông đủ và đang chúc tụng nhau, còn có vài vị khách xuất hiện từ trước đó. Cô lễ phép cúi chào, mơ hồ không biết liệu cô đã từng gặp họ hay chưa. Rồi bất ngờ ông hiệu trưởng kéo cô lại gần: “Xin giới thiệu, đây là cô Hải Quy, giảng viên tiếng Anh.” Tất cả cùng nhau đứng dậy nâng ly. Trong số những vị khách trước mặt cô, có một người đàn ông cao gầy với mái tóc xoăn được buộc gọn gàng ở đằng sau khẽ cất tiếng: “Mời cô Hà Quy!” Đôi má đổi sắc đào, ánh mắt cũng chuyển màu hoài nghi, cô hắt sang người đàn ông có dáng dấp nghệ sĩ kia những suy nghĩ chất vấn: ông là ai, sao lại biết cái tên “Hà Quy” hay ông quá chén gọi nhầm? Giữa mớ tạp âm của tiếng chúc tụng, tiếng cụng ly “keng keng”, tiếng “ợ”, tiếng chuông điện thoại của ai đó riết giục giã, chẳng ai để ý người đàn ông kia nói gì. Chỉ là một error sound mà thôi, cô nghĩ vậy và đưa tay gắn cốc bia lên miệng đánh “ực” như nuốt trôi luôn cái nhìn kỳ quặc từ người đàn ông lạ.
Có lẽ báu vật của Quy chính là đôi mắt, đôi mắt cô sinh ra để nhìn cái đẹp và để chinh phục cái đẹp. Từ nhỏ cô đã thích vẽ, lớn lên thì thích xem tranh và không ít lần chính các họa sĩ đã phải gật gù trước sức tưởng tượng có phần đáng nể của cô gái trẻ. Quy có một người bạn thân thiết trong giới hội họa, anh chàng ngày nào suýt tặng cô một “nhát dao tình si” nay đã là chủ nhân một gallery có tiếng nội thành. Cô luôn là khách mời không thể thiếu trong các cuộc triễn lãm tranh tại Phong’s Gallery và lần này cũng vậy.
Quy dừng lại trước một bức tranh – một không gian ngập tràn ánh sáng, bộ não người i như thật đang ứa ra thứ gì đó sền sệt, bầy nhầy bên dưới lưỡi dao bén sắc đang lơ lững chỉa mũi nhọn xuống. Trong lúc đôi mắt đang bị ghim chặt vào đó thì một giọng nói tràn vào tai cô:
-         Cô thấy gì ở đó?
-         Không gian ngợp quá! Tưởng chừng tràn ra phía sau khung vẽ. Sự thành công của ánh sáng làm nổi bật phần trung tâm. Bộ não be bé đang phọt óc ra kia có vẻ như là của một đứa trẻ, nhưng sao lồi lõm, chằng chịt nhiều đường rãnh quá. – Quy trả lời như tự vấn – Bộ não của mình có cần xẻ ra như vậy không? Đại não cũng đang trục trặc về trí nhớ.
-         Vậy ai là người đưa lưỡi dao kia vào bộ não của đứa trẻ?
-         Có thể là một bác sĩ tâm lý. Giới trẻ ngày nay gặp nhiều vấn đề về tâm lý, có những đứa trẻ sống khép kín, có những đứa lại thích “điên” để hòa hợp với “xu thế”, lớn thêm chút nữa chúng trở nên “gây hại” cho người xung quanh. Đứa trẻ nào sinh ra cũng chỉ là những trang giấy trắng, chính người lớn và môi trường sống đã vẽ lên đó – có thể là một nét vẽ đẹp, cũng có thể là những vết nhơ hủy hoại. Có những ông bố bà mẹ bắt con ngốn hết đống sách vở nặng đến oằn lưng mỗi ngày và tôi luyện trong lò bát quái, để rồi phải cuống cuồng mang chúng đến gặp bác sĩ tâm lý để mổ xẻ. Có những người mang danh “bố mẹ” nhưng họ chỉ biết sinh mà không dưỡng, chúng bị bỏ lại bên hè phố, trong công viên... Những đứa trẻ đó bị xã hội mổ xẻ sau khi đã vấy bẩn bụi đời.
Quy dường như muốn nói thêm nhưng cô chợt nhận ra người đứng bên cạnh cô vẫn im lặng. Chỉ có tiếng bước chân và tiếng rầm rì từ những người đang kéo đến xem tranh. Cô tháo suy nghĩ ra khỏi bức tranh và quay sang chỉa ánh nhìn vào người có giọng nói nam trầm. Người đàn ông cao gầy, da trắng, mắt sâu với mái tóc xoăn cũng đang trượt ánh mắt từ bức tranh xuống và dừng lại trên sống mũi cao cao của cô gái. Cô nhìn thấy một làn sương mỏng đằng sau hai cánh cửa sổ in vết chân chim trước mặt. Bây giờ thì bộ não bướng bỉnh cũng chịu khó vận động và cô đã nhớ ra lần gặp ông ta tại nhà hàng Cây Me. Quy hơi ngạc nhiên nhưng cũng không mấy bận tâm vì đấy chỉ đơn giản là sự hội ngộ tình cờ của những con người cùng say mê nghệ thuật. Những năm du học đất Ấn, đến thăm Jehangir Art Gallery hay Crystal Gallery, cô còn say sưa thưởng tranh với hàng tá những họa sĩ từ khắp mọi nơi trên thế giới. Vì thế cái đầu lười biếng của cô cũng không cần phải cố nhồi nhét bất cứ thông tin gì về ông ta.
Quy đã xem đó là sự tình cờ và quên luôn cái “error sound” hôm ấy nhẹ như hất một cốc bia vào bụng nếu như cô không chứng kiến sự xuất hiện của ông ta ngay trong nhà mình, ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô. Xuống khỏi taxi, cô rón rén đi vào nhà muốn dành cho bố mẹ sự bất ngờ, những giò phong lan treo dọc lối đi cứ ùa ra hớn hở vờn ve đón chào cô chủ. Nhìn qua ô cửa vào phòng khách, cô chết lặng trước một cảnh tượng quá đỗi lạ lùng, đang trò chuyện với mẹ lại là “người đàn ông có mái tóc xoăn” mà cô từng gặp. Rồi bỗng nhiên mẹ cô khóc thút thít trước mặt người đàn ông lạ, ông ta rút từ trong túi áo ra một chiếc khăn ân cần đưa cho người đàn bà đang sụt sùi không ngăn được dòng cảm xúc. Có chuyện gì mà mẹ xúc động như thế? Người đàn ông kia là ai mà cứ hết lần này đến lần khác cố tình xuất hiện trong cuộc sống của cô? Mẹ và ông ta có quan hệ gì? Những suy nghĩ cứ quấn lấy đầu cô như cuộn chỉ rối, càng cố gỡ càng xoắn chặt vào nhau. Cuối cùng, ông ta tiến lại bên mẹ cô, vỗ nhẹ lên vai bà như để ủi an rồi nói thêm một câu gì đó trước khi chào ra về. Người đàn ông bước những bước đi trĩu nặng, chiếc bóng bị hoàng hôn xô nghiêng đổ dài trên nền gạch. Quy thấy lo sợ, cảm giác như có cái gì đó đang vỡ ra.
Bữa cơm tối hôm đó cũng giống như mọi lần, bố mẹ cô không bao giờ dấu nổi niềm hạnh phúc khi con gái về ăn cơm chung. Mẹ cứ ra sức gắp thức ăn rồi thủ thỉ giục con gái lấy chồng. Bố cô lại rầy: “Sao mình cứ khéo lo, để con từ từ phấn đấu hoàn thiện mình đã. Nó đi lấy chồng, ai chạm cốc với bố?”. Nói rồi hai bố con cụng ly cười dòn dã trước sự lườm nguýt đáng yêu của mẹ. Nhìn nụ cười khoan khoái mãn nguyện của bố, cô chợt nghĩ: “Liệu bố có biết người đàn ông tóc xoăn lúc chiều không?” Rồi cô nhìn sang mẹ, bà vẫn đang tủm tỉm một nụ cười hiền hậu thường ngày. Nhiều lần Quy đã thắc mắc tại sao mình không có anh chị em, mẹ cô lại cười hiền khô: “Mẹ khó sinh nở. Gần bốn mươi tuổi mẹ mới có con. Con không được khỏe mạnh như nhiều đứa trẻ khác, chúng ta muốn vun vén bù đắp cho con. Rồi người ta nói mẹ không sinh được nữa.”
-         Tại sao sau bức ảnh con hồi nhỏ có cái tên Hà Quy? – Bố cô trông chừng đã mệt, đôi mắt đỏ hoe chống đôi mí sụp lên hắt ra một cái nhìn giận dữ:
-         Sao con cứ đay mãi những câu hỏi vô nghĩa ấy? Hà Quy hay Hải Quy thì có gì đáng bận tâm đâu. Chúng ta chỉ có một mình con và con chỉ có một ông bố, một bà mẹ duy nhất, người luôn sẵn sàng hy sinh tất cả vì con, luôn bên con và đừng có hỏi thêm những câu vớ vẩn.
Trở về thành phố và bộn bề trong công việc nhưng hễ nghĩ đến người đàn ông lạ xuất hiện trong nhà cùng với mẹ và sự giận dữ kỳ lạ của bố, Quy lại bần thần suy nghĩ và lo lắng. Chủ nhật tới là sinh nhật tròn hai mươi sáu tuổi, cô quyết định sẽ về nhà với bố mẹ. Phải nhanh chóng hàn gắn nếu nó có nguy cơ rạn nứt hoặc nếu chưa hề rạn nứt thì phải kết dính hơn nữa cái gia đình yêu quý của mình.
Bố nói bữa tiệc sinh nhật sẽ có thêm một người khách, Quy thấy không thoải mái lắm nhưng cũng không sao, những người bạn lúc nghỉ hưu mới là những người bạn quý. Bố cô trước là giám đốc một công ty du lịch, quản lý ba khách sạn lớn, bạn bè không sao đếm xuể, đàn bà chạy theo cũng không kê hết trong một trang giấy. Nhưng ông luôn thủy chung với người vợ hiền vì một hẹn ước, đó là cô y tá xinh đẹp, người đã hết lòng chăm sóc chàng trai gặp tai nạn suốt một tháng nằm viện và đóng cả viện phí khi anh ta chưa thể nhớ ra mình là ai. Hai năm sau, chàng trai ấy quay trở lại tìm thì cô y tá kia cũng chưa lấy chồng, tình yêu của họ như tự khúc không lời cứ dìu dặt trong sâu thẳm trái tim mỗi người, thầm yêu và thầm đợi. Mẹ cô khó sinh nở, qua bốn lần phải đưa tiễn những đứa con chưa kịp thành hình, đau thương nối tiếp dằn vặt ủ ê, rồi niềm vui cũng đến với họ khi cô bé Hà Quy xuất hiện. Cứ mỗi dịp sinh nhật con, mẹ cô lại kể câu chuyện tình kỳ diệu của họ cho con gái nghe như thêm một lần khắc sâu vào tim nó rằng: họ là một gia đình.
Mọi thứ đã được bày lên bàn, thức ăn thức uống tự tay hai mẹ con làm và những bông hoa cẩm tú cầu mà Quy và mẹ rất thích. Khi cô bâng đĩa thức ăn cuối cùng lên nhà thì vị khách đã ngồi ở đấy đang chuyện trò cùng bố mẹ. Cô vừa kịp nhận ra vị khách ấy chính là “người đàn ông có mái tóc xoăn” thì bố cô cũng ngay lập tức đưa lời: “Chào chú đi con. Đây là chú Hà, bạn của bố mẹ vừa từ Pháp trở về”. “Chào chú!” “Chúc mừng sinh nhật cháu! Rất vui được gặp lại cháu!”, người đàn ông tóc xoăn trao cho Quy một món quà được phủ bởi tấm vải màu lam rũ xuống. Cô cúi đầu cảm ơn trong khi đầu óc dường như đang bị xáo trộn khủng khiếp, chẳng còn rảnh rang để điều khiển đôi chân và đôi tay nên làm gì. “Chắc hẳn đó là một bức tranh đẹp. Chú ấy là một họa sĩ đấy. Con mở ra xem đi!”, mẹ cô thúc giục. “Họa sĩ ư? Chắc hẳn rất đẹp ư? Mẹ mê ông ta vì ông ta là họa sĩ ư?”, cô lằm bằm ghen tức thay cho bố, nhưng rồi cô cũng nén lại được nỗi bực dọc và gượng cười trước ánh mắt mong chờ của mọi người. Tấm vải được kéo ra, Quy thấy từ trong đáy mắt của bố và mẹ đang dâng lên những sợi sóng mênh mang. Cô thận trọng xoay bức tranh về phía mình, một bức sơn mài kỳ công với chú rùa mắc cạn. Ông ta đã tốn đến bao nhiêu thời gian và công sức để làm nên được bức tranh tỉ mỉ đến thế, chừng ấy thôi đủ để gia đình cô nên đón tiếp ông ta một cách lịch sự, đàng hoàng bằng một bữa tiệc ấm cúng. Quy mang bức tranh vào phòng và cũng tạm khóa lại những băn khoăn mỗi lúc một khó hiểu về người đàn ông mà giờ cô đã biết tên: họa sĩ Hà Trương.

Người mà cô nên gặp để dò hỏi thông tin về Hà Trương nên là Phong, chắc chắn Phong sẽ biết ít nhiều về vị tiền bối này. Họa sĩ Hà Trương sinh ra ở Cần Thơ, bố là một thương gia sống ở Pháp hơn nửa đời người và cũng gửi xác lại ở xứ sở rượu vang này. Trương Hà học hội họa ở Việt Nam, ra trường thì được bố bảo lãnh sang Pháp, sau mười năm tên tuổi của cựu sinh viên này bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều trên các mặt báo. Vợ ông cũng chính là người mẫu đắt nhất của ông, người chỉ thề làm mẫu cho một họa sĩ duy nhất – người được chọn làm chồng. Bức tranh Hoa bướm (Pensée) - nàng trinh nữ bướm rũ đôi cánh trắng muốt như nhung uốn lượn chân trần trên đồng cỏ ướt như đang e ấp tình yêu vu vơ với chàng họa sĩ - đã từng khiến cho bao người xem phải cuống quýt ngây dại, phải đờ đẫn thèm khát trước vẻ đẹp của “nàng bướm” đang uốn những đường cong theo vũ điệu của sắc màu, rồi mang danh người họa sĩ ấy bay cao. Họ có với nhau hai thằng nhóc Pháp tuyệt đẹp. Những tưởng mọi thứ đều đẹp như tranh, cho đến một ngày Hà Trương chợt nhận ra chính ông đang bị nhốt trong một bức tranh vô hình mà người vẽ lại là “nàng bướm” ngày nào. Sau một thời gian dài vắng bóng, người họa sĩ một thời tiếng nổi như cồn này trở về nước với một tâm thế khác. Hà Trương dường như có một liên hệ nào đó rất sâu sắc tại thành phố này mà ông ấy đang ra sức tìm kiếm.
- Nổi tiếng một thời? - Quy nhìn Phong thắc mắc.
- Anh được quen họa sĩ Hà Trương lần ông ấy về thăm lại trường xưa và tặng anh vài lời ngợi khen. Sau đó anh có liên lạc với ông ấy qua email và học hỏi từ ông rất nhiều. Khi anh mở gallery này, mỗi lần về nước ông ấy lại ghé thăm. Vài năm trở lại ông ấy dường như không vẽ được gì, do một lần không may bị rơi từ ban công tầng hai xuống. Mỗi khi cầm cọ vẽ hơi lâu tay ông ấy lại bị run, em biết rồi đấy còn gì đáng buồn hơn đối với một họa sĩ là mở mắt ra mà không được vẽ. Lần về nước này là lần ông ấy ở lại lâu nhất, khác với mọi lần đi chưa nóng giày đã bị vợ con và công việc thúc giục ầm ĩ. Có lần anh gạn hỏi về tai nạn ấy nhưng ánh mắt ông ấy thoáng buồn rồi lãng tránh.
Có lẽ cuộc trò chuyện cùng Phong đã ít nhiều mang lại cho Quy những thiện cảm ban đầu đối với người họa sĩ họ Trương ấy, dù đó chỉ mới là những tia nắng rất nhỏ nhoi chưa đủ để làm tan đi những nghi ngại trước đó. Cô ngồi bần thần rất lâu trước bức tranh sơn mài với chú rùa mắc cạn rồi cúi xuống nhìn lên vết chàm trên ngực mình, vết chàm màu đỏ thẫm có hình thù tựa một chiếc mai rùa gồ ghề những hòn máu dưới da. Mẹ cô bảo, vết chàm có từ lúc cô mới ra đời và hình ảnh chiếc mai rùa gợi đến chữ Quy trong cái tên của cô. “Tình cờ hay sắp đặt? Hãy trả lời đi chú rùa kia, rồi ta sẽ giúp ngươi quay trở lại mặt nước…”, Quy chất vấn con rùa trong bức tranh như chất vấn chính mình rồi đưa tay giật lon bia cái “khẹt”, ngả cổ uống ừng ực. Một làn gió lạnh thổi qua vuông cửa sổ khiến những sợi lông trên tay cô dựng đứng, Quy bỗng thấy căn phòng đang chao đảo và mọi thứ trước mắt nhòe đi, một chút xáo động trong bộ não. Đó là một “ga tàu” cô từng đi qua chừng năm năm về trước. Một không gian như mộng có tiếng nhạc bồng bềnh, rồi khung cảnh một quán bar đông đúc nhạc đèn hiện ra. Quy đang vui vẻ cùng đám bạn, người nói, người cười, xô xô đẩy đẩy, rồi nâng ly. Thấy hơi choáng váng nôn nao, cô đẩy cơ thể nặng nhọc của mình xuống ghế, băng qua dãy hành lang tìm chút ánh sáng màu trắng dễ chịu hơn. Cô đâm vào toilet, khỏa nước lên mặt và cố gắng xổ tháo ra ngoài thứ nước chua lòm chát nghẹn. Đầu óc có vẻ dễ chịu hơn nhưng chiếc đầm ôm khít trễ ngực thì không thoải mái chút nào, cô vội vã quay trở lại quầy bar để mau chóng kết thúc bữa tiệc. Đi được vài bước thì cô lại thấy đầu óc mình vung lên và cuối cùng thì văng xuống sàn nhà bởi một cú va bất thình lình. Một người đàn ông tóc xoăn chừng trên năm mươi tuổi ăn mặc lịch sự đang cuống cuồng đỡ cô dậy và xin lỗi ráo riết. Ông ta ân cần đặt cô lên một chiếc ghế rồi xoa nắn gót chân của cô đến khi nó cảm thấy dễ chịu trở lại. Nếu ông ta đứng lên nhận lời cảm ơn của cô rồi đường ai nấy đi thì mọi sự đã êm. Nhưng thay vì, gã đã nhảy xổm vào người cô để sờ soạng lên ngực trong khi miệng cứ lắp bắp “vết chàm, vết chàm” để rồi ăn một cái bạt tai trước tiếng cười mỉa mai, chế nhạo của đám người qua lại. Căn phòng ngừng quay, Quy giật mình nhìn vào chữ ký trên bức tranh rùa: Hà Trương là ai?
Cô bắt đầu gắn kết những ga tàu đã đi qua có sự hiện diện của người đàn ông này. Đầu tiên là cái bạt tai tại một quầy bar trước đó năm năm. Cuộc gặp thứ hai là bữa tiệc nhiều thành phần tại nhà hàng Cây Me và ông ta đã gọi cô bằng cái tên “Hà Quy". Phong’s Gallery, lần thứ ba họ gặp lại và cùng suy ngẫm về một bức tranh. Lần thứ tư, ngay trong ngôi nhà thân yêu của mình cô thấy ông ta ngồi cùng với mẹ. Lạ hơn cả, ông ta được cả bố và mẹ cô cùng đón tiếp ngay đúng dịp sinh nhật và còn chuẩn bị một món quà rất ý nghĩa - chú rùa mắc cạn. Ông ta muốn nói gì qua bức tranh và mục đích của ông ta là gì?
Sự tò mò càng trở nên ám ảnh. Chắc hẳn bố không phải là đồng minh, mẹ lại càng không thể. Vậy câu trả lời sẽ đến từ đâu? Quy mất ngủ vì câu hỏi đó, hết nhìn lên bức tranh rùa lại ngó xuống vết chàm trên ngực: Liệu có mối liên hệ nào chăng?
Rồi chính bức tranh rùa đã giúp cô có câu trả lời. Như mọi khi, lần này Quy lại trở về không báo trước. Căn nhà vắng vẻ, chỉ có chiếc vô tuyến đang hát những bài dân ca, cô nhẹ nhàng đi lên phòng và thấy cửa phòng ngủ khép hờ. Cô nghe thấy tiếng bố đang an ủi mẹ. Họ làm gì trong đó? Tại sao mẹ lại khóc? Một khoảng lặng kéo dài đang bóp ngạt chiếc mũi của cô, rồi tiếng mẹ cô run run biến dạng:
- Nhưng ông ta là bố đẻ của con bé. Nếu ông ta cướp đứa con yêu quý mà chúng ta đã nuôi nấng bảo bọc hơn hai mươi năm qua thì sao? Mình ơi, tôi không muốn. Hãy nói đây chỉ là một giấc mơ…
- Quyền quyết định là ở con. Không ai có quyền cướp đi hạnh phúc mà nó lựa chọn. Chúng ta cũng không có quyền xóa đi một sự thật. Nếu sau này con bé biết chúng ta dấu nó, ngăn nó nhận bố đẻ, lấy gì đảm bảo nó sẽ không oán hận chúng ta?
- Nhưng lỡ… Đáng nhẽ tôi và mình không nên gặp ông ta, càng không để ông ấy gặp con bé.
- Mình đừng ích kỉ như thế và cũng đừng tự dằn vặt như vậy nữa. Chúng ta đã làm mọi cách: đổi tên họ, chuyển nhà, cố gắng xóa mọi dấu vết nhưng ông trời khéo sắp đặt, bởi họ là máu mủ. Chú ấy đáng thương mà, con bé cũng nên đến thắp cho mẹ nó nén nhang…
Sự gặp lại. Ôi, sự gặp lại này mới choáng váng làm sao. Quy không biết nên vui hay nên buồn khi mọi thứ cô nghĩ là hoàn hảo về gia đình bỗng chốc bị xé toạc. Người mà cô gọi là bố mẹ và chăm sóc cô hơn hai mươi năm qua rốt cuộc chỉ là người dưng. Còn người mà cô tặng một cái bạt tai ngay lần gặp đầu tiên lại là bố đẻ. Họ đang giành giật để có sự lựa chọn từ cô, nên mừng vì gặp được bố đẻ hay là buồn vì những ngộ nhận bấy lâu? Kẻ đứng sau giật dây sắp đặt tất cả sự gặp lại này là ai? Những dòng suy nghĩ miên man cứ đè lên nhau như những nhánh ray không biết nên rẽ hướng nào, bao nhiêu ngôi sao thắp nến lấp lánh trên bầu trời cũng không đủ soi sáng cho cô một lối đi.

*     *     *

Một khúc nhang cháy ngấm khẽ lung lay đổ gãy tung ra làn bụi trắng trước án thờ, một con bướm từ kiếp trước khẽ xòe cánh bay ra.
Quy thấy qua ngấn nước mắt rưng rưng con bướm vẫn đang rập rờn đôi cánh trắng. Những giọt lệ vẫn đong đầy khóe mắt, cô đi theo cánh bướm dạo khắp căn nhà mái ngói đẫm mùi mốc meo. Trong một căn phòng tối tăm ẩm thấp, cô nhìn quanh một lượt rồi dừng lại trên chiếc giường đã bạc thếch vì mối mốc và mạng nhện. Một cảm giác ớn lạnh lan ra khắp má, rồi tiếp đến là một dòng khí như luồng điện phát ra từ lồng đất chạy dọc sống lưng ngược lên cổ rồi lên đầu, trong làn nước mắt long lanh mờ ảo, hình ảnh một người phụ nữ mặc quần áo lao công hiện ra. Người mẹ đang bón cho đứa con ốm yếu bé bổng những thìa cháo loãng, nét lo âu lộ rõ trên khuôn mặt hiền hậu chưa hết mệt nhọc sau ca làm việc. Trên bức tường phía đầu giường có treo bức tranh một nữ lao công quét rác đang cần mẫn làm sạch những con đường. Người mẹ nhẹ nhàng đưa mắt nhìn lên bức tranh rồi lại nhìn xuống đứa con trìu mến, đôi mắt ngập tràn tình thương yêu và nỗi khát khao vô hạn.
“Đó là chuyến về nước đầu tiên kể từ khi ta kết hôn. Đêm hôm ấy, khi đang lang thang về khách sạn thì hình ảnh người lao công cần mẫn quét rác trên phố khuya lạnh lẽo chợt khiến ta chạnh lòng đứng lại nhìn. Ta đứng nấp bên gốc cây châm thuốc, khi ngửng lên đã thấy chiếc xe rác khuất xa. Thì ra người phụ nữ quét rác ấy thật can đảm, cô ấy đã dùng chổi tấn công ta vì nghĩ ta là kẻ xấu. Bất ngờ quá nên ta cũng chống cự, nào ngờ làm cô ấy ngã trẹo chân và chảy cả máu. Nhà của cô ấy ở ngay trong hẽm, ta dìu cô ấy về. Một đêm gió se lạnh, ta tò mò quay trở lại con hẽm và thấy nhà sáng đèn. Thực ra ta đã vẽ tặng chị lao công can đảm ấy một bức tranh và muốn trao lại trước khi trở lại Pháp. Chính là bức tranh con thấy trên tường kia. Cô ấy đã rất cảm kích về món quà và tâm sự hết lòng mình, khi kể cô ấy vẫn xưng chị vì ta kém hơn ba tuổi. Mẹ con thực sự rất đáng thương, Thượng đế khi nặn ra Eva đã vô tình làm hỏng khuôn dạng của khe ngọc, khiến nó trở nên xấu xí và thừa thọt. Để rồi, người chồng sắp cưới vội vã túm áo bỏ chạy ra khỏi nhà như gặp phải ma trong lần gần gũi đầu tiên đã khiến cô khổ đau và xấu hổ. Từ đó, cô ấy không nhận lời bất cứ người đàn ông nào, ngay cả trong giấc ngủ cô ấy cũng bị ám ảnh bởi nét mặt thất vọng, kinh sợ của người xưa còn để lại. Ta hỏi, ba mươi tám tuổi rồi liệu cô tính ở vậy mãi, cũng nên có đứa con để còn có chút ủi an lúc về già. Không ngờ câu hỏi của ta lại là ngọn gió ngu ngơ chạm phải ngọn lửa khát khao vốn âm thầm cháy trong lòng người con gái ấy bấy lâu. Trước ánh mắt đang long lanh ứa tràn nhựa sống mà vài phút trước đó thôi còn u ám một nỗi niềm cô quạnh, ta bỗng thấy tim mình se lại, bốc đồng và thổn thức.  Xúc cảm của một người phụ nữ hơi muộn màng sắp được nếm mùi vị đàn ông và xúc cảm của một thằng đàn ông xa xứ thèm khát chút hương vị nội đồng cứ nóng níu, rạo rực quấn chặt lấy hai ta. Và rồi…”
-         Và rồi sao nữa?
-         Mẹ con muốn có một đứa con và ta đã không ngần ngại một Eva thừa thọt xấu xí. Nhưng không hề có một sự thỏa thuận nào xảy ra trước phút giây trao gửi đó. Khi ta tỉnh dậy thì mẹ con đã đi làm từ sớm và để lại một lời nhắn: “Xin cảm ơn. Nếu hạnh phúc được đâm chồi thì tôi cũng mãn nguyện vì bố nó là một người tốt. Đừng quay trở lại đây nữa.” Hôm đó là ngày ta phải về nước. Nhưng rồi, như một sự trắc ẩn và tình thương, ta đã quay trở lại và được nghe con cất tiếng khóc chào đời. Trên ngực con có một vết chàm trông y hệt chiếc mai rùa, ta xin được đặt tên con là Trương Hà Quy.
-         Còn mẹ thì sao?
-         Mẹ con ra sức xua đuổi và từ chối nhận mọi sự quan tâm từ ta. Trở về Pháp, công việc và gia đình cứ níu lấy ta trong bộn bề trách nhiệm. Ta đâu hay, mẹ con phải khổ sở xoay xở như thế nào để nuôi một đứa trẻ hay ốm đau như con. Rồi buổi tối hôm đó, đáng lẽ mẹ con sẽ đi làm về muộn, sẽ bế con từ nhà hàng xóm về, cho con ăn tối, cùng con nói chuyện, nghe con hát, đọc thơ và kể cho con nghe những mẩu chuyện cổ tích… Nhưng đêm ấy mẹ con đã không về nữa. Một tai nạ giao thông đã vĩnh viễn cướp mẹ con đi, để con phải vào trại trẻ mồ côi khi chưa đầy năm tuổi.
-         Tại sao tôi không nhớ gì về tuổi thơ của mình?
-         Ta luôn thấy có lỗi với con. Khi biết tin và đi tìm thì con đã được nhận nuôi và không thể tìm thấy dấu vết nào. Ta dường như u uất trầm trọng với những cơn ác mộng dằn vặt. Và khi ta rơi khỏi ban công và đã không chết, ta hiểu chính mẹ con đã cứu lấy mạng sống này. Mẹ con sống khôn chết thiêng, bà ấy muốn giúp ta tìm thấy con.

Con bướm từ kiếp trước lại bay rập rờn trước làn khói hương mờ ảo…
Cô bé Hà Quy thấy mình nằm trong một căn phòng có nhiều giường xếp chồng lên nhau và rất nhiều hoa giấy. Ai đó dắt nó ra ngoài, nó ngồi trơ trọi giữa một đám trẻ lóc nhóc khóc khóc cười cười. Nó chỉ vẻ, vẽ ngày vẽ đêm, nó vẽ một con rùa con có chiếc mai nhỏ nhắn. Rồi một buổi sáng thức dậy, nó được mặc đẹp với một bộ váy mới màu hồng ngồi đợi trong phòng. Một đôi vợ chồng bước vào ngồi xuống bên cạnh nó. Họ nhìn nó trìu mến, vuốt tóc, thơm má và xem tranh của nó, còn cho nó rất nhiều quần áo đẹp, phát cho bạn bè nó bao nhiêu là quà bánh. Rồi họ bế nó ra khỏi căn nhà có chiếc cổng hình vòm cung ghi hàng chữ “Trại trẻ mồ côi Hy Vọng”.
Con bướm bay lên đậu bên chiếc ảnh thờ người phụ nữ có đôi mắt khô một màu cô quạnh rồi biến mất trong làn khói hương. Quy cắn giập những giọt nước mắt, đưa tay quẹt mi và chạy như điên vào phòng, tìm kiếm.
-         Con tìm gì thế?
-         Con bướm? Con bướm đâu rồi?
-         Con bướm nào?
-         Con bướm ma. Mẹ đi rồi. Bố ơi, mẹ bay đi mất rồi…





N.D.H

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

TRUYỆN NGẮN XUÂN


                                                 PHÚT GIAO THỪA LẶNG LẼ


 Ngô Diệu Hằng
 Báo Quảng Trị số Tết 2014


     Vào khoảng thời gian này, cách đây chừng mười năm, tôi đang cùng bố đặt những chiếc bánh chưng còn nóng ấm lên bàn thờ. Bố dặn bàn thờ tổ tiên không phải là nơi thích gì bày nấy, sau này có nhiều tiền cũng thế, chỉ cần mâm ngũ quả, bánh chưng, cau trầu, chén rượu, hoa cúc và nhang đèn thường xuyên là đủ. Nếu có thêm chén chè ướp hương hoa sen thơm ngon nữa thì các cụ càng quý.

*     *     *

      Bố mẹ tôi hiếm muộn. Lúc tôi bắt đầu nhận thức được rằng bố mẹ mình già hơn nhiều so với bố mẹ những đứa bạn cùng trang lứa thì cũng là lúc mẹ tôi bị phát hiện mắc bệnh ung thư. Ngày đó ung thư đâu phổ biến như bây giờ, ngày ngày chứng kiến mẹ gầy đi nhưng tôi đâu dám tin mẹ đang cận kề cái chết. Bố tôi là thầy giáo làng, có thể nói việc trường, việc nhà không ai chê thầy Đảm chỗ nào được. Buổi đi dạy, buổi ra đồng, vườn luôn có rau xanh, nhà cửa luôn sạch sẽ, gọn gàng, mảnh vườn con không một ngọn cỏ nào có cơ may ngốc đầu dậy.
     Những ngày cuối đời, mẹ tiều tụy như không thể tiều tụy hơn được nữa. Khi một người sắp sửa ra đi, dường như họ nhận thức rõ hơn ai hết giới hạn sống của mình là khi nào. Buổi trưa hôm ấy, mẹ bảo tôi vịn bà ra chiếc chõng tre dưới gốc bưởi. Mẹ nói:
-         Từ nay, không ai nấu nước hoa bưởi cho con gái mẹ gội đầu nữa rồi. Con có giận mẹ không?
Tôi vấu chặt vào hông bà, những đốt xương tựa như muốn bật ra khỏi lớp vải áo, mẹ gầy xác xơ. Tôi lắc đầu mếu máo nhưng không dám khóc, tôi đủ lớn khôn để hiểu rằng mình phải chấp nhận sự thật và không được khiến mẹ phải bận lòng. Mẹ vuốt tóc tôi rồi nói tiếp, mới hai câu mà giọng mẹ nghe chừng đã mệt:
-         Con nhớ để ý bố nhé. Đừng mãi chơi. Đến Tết là bố thường ho, khó thở. Con nhớ làm nước muối loãng cho bố con súc miệng mỗi tối. Buổi sáng ông ấy thích uống một chén chè ngon trước khi ăn cơm. À…còn nữa, chớ có cắm hoa hồng trong nhà. Bố con không thích đâu.
 Hôm đó mẹ tôi đi giữa đêm. Lần đầu tiên tôi thấy bố khóc, rồi bố con tôi cứ ngồi lặng im bên mẹ như thế đến sáng, cứ như thể mẹ tôi chỉ đang ngủ thôi. Rồi mẹ ngủ quên mất không bao giờ tỉnh lại, tôi thấy những hạt bụi li ti óng ánh bay lên theo tia nắng ban mai bay ra ngoài cửa sổ. Vài hôm sau tôi thấy bố cũng ngủ quên không dậy từ sớm như mọi ngày. Người ta nói, ông giáo Đảm quả chung tình, khi vợ còn sống thì hết lòng chăm lo, giờ chị nhà ra đi ông ấy cũng buồn mà ngả bệnh.
     Nghỉ hưu, bố ở nhà cày ruộng và chăm những luống hoa cúc. Tối đến, ông dạy học cho lũ trẻ nghèo trong làng. Người ta trả tiền, ông đã không nhận lại còn mắng cho. Người làng vốn thiệt bụng, nhiều bữa dậy sớm cầm chổi đi quét ngõ tôi thấy ai đó treo khi thì xâu cá rô khi thì nãi chuối trước cổng nhà, hiểu ngay là họ muốn biếu bố tôi. Lũ học trò rất thích nghe thầy kể chuyện ma, nghe xong đứa nào đứa nấy ôm lấy nhau sợ muốn vãi ra quần không dám về. Thế là, cái lớp gần hai mươi học sinh đủ lứa tuổi ấy đêm nào đêm ấy đều đặn hoạt động. Lũ trẻ sợ cái uy của thầy nhưng yêu mến cái tài, cái đức của thầy. Nhờ thế, những năm tháng đi học xa tôi cũng an tâm phần nào vì bố sẽ không phải buồn khi có lũ học trò luôn quấn quýt. Thú vui và cũng là bạn tri kỷ của bố tôi là những khóm hoa cúc trước nhà. Ông nói hoa cúc rất được trọng đối với người phương đông ta, từ xưa hoa cúc đã được các cụ coi như là biểu tượng của lòng thủy chung, son sắt, bàn thờ tổ tiên của người Việt không thể nào thiếu được hoa cúc vào ngày Tết.


Không hiểu có phải vì ảnh hưởng của bố không mà tôi lại yêu anh ấy cũng vì một cơ duyên với loại hoa đáng quý này. Năm ấy trời rét thật, bố tôi bảo Tết này có lẽ cúc nhà mình nở muộn và cũng không được đẹp. Mai đào không có cũng không sao nhưng với ông, hoa cúc không thể thiếu. Mấy ngày giáp Tết tôi nấn ná ở lại thành phố để đưa mấy cái khăn len đan được lúc rãnh rỗi đi bán kiếm chút tiền. Trước khi ra bến xe về nhà, tôi tạt qua chợ hoa chọn cúc cho bố. Đúng là chợ hoa ngày Tết, nhìn gì cũng muốn mua, thứ nào cũng đẹp. Nhìn những bông hồng thắm đỏ đầy gai, tôi liền nhớ đến lời mẹ dặn. Có lần tôi hỏi bố mới biết, cha ông ta thường quan niệm rằng hoa hồng như người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh, đẹp nhưng mau úa tàn, cánh hoa rơi lả tả thê lương; mẹ tôi thích hoa cúc vì hoa cúc chính là tấm lòng mẹ dành cho bố, thủy chung cho đến cuối đời như những đóa cúc vậy: những cánh hoa khi rụng xuống vẫn bện chặt với nhau. Tôi suýt không cầm được nước mắt khi nghĩ đến mẹ. Bỗng nhiên từ luống hoa bên kia một người thanh niên đang nhìn tôi chăm chú, anh mặc áo lính. Tôi cố lãng tránh khỏi ánh mắt người con trai ấy, có lẽ tại người ta thấy tôi rơi nước mắt giữa rừng hoa đẹp như vậy nên lấy làm lạ. Rời khỏi những bông hồng, băng qua những chậu mai, đào đắt đỏ, tôi đến khoảnh sân người ta bày hoa cúc. Thấy bông nào cũng đẹp tôi đâm ra lúng túng. Có một giọng nói ghé vào bên tôi, anh ta cúi xuống rút lên một bông cúc màu vàng tươi. Tôi nhận ra người con trai mặc áo lính lúc nãy nhìn mình, chưa kịp đỏ mặt vì xấu hổ thì đã bị anh cuốn vào một dòng miên man về loài hoa kỳ diệu:
-         Cô bé nhìn này. Chọn hoa cúc phải cận thận em ạ, nhất là chọn hoa đặt bàn thờ. Bông chỉ vừa nở thôi nhé, cánh phải thật tươi, úp vào đều nhau và thân hoa phải thật thẳng như thế này này. – Vừa nói anh vừa rút lên vài bông đưa cho tôi. Em đi theo anh, bên này còn nhiều bông đẹp lắm…
     Chọn hoa xong, anh bảo tôi cầm lấy hoa để anh kiểm tra lại xem có bông nào bị gãy mà người ta làm dối lấy tăm tre đính lại không. Tiền bạc thì không nói nhưng cắm chưa lâu mà hoa héo thì vừa mất cảm xúc vừa có tội với ông bà. Tôi nhìn quanh, ở vườn cúc chỉ có tôi và anh là người trẻ, còn lại là các cụ già – những người có kinh nghiệm chọn hoa cúc cho ngày Tết. Chúng tôi nói chuyện một lúc, không ngờ anh và tôi lại là đồng hương. Anh chở tôi bằng xe đạp ra bến xe. Chiếc xe đò ngày Tết thường chật chội, tôi phải ngồi dính sát vào người anh, cảm giác máu đang dồn hết lên má. Suốt chuyến đi chỉ toàn là anh bắt chuyện, còn tôi cứ ú ớ dạ thưa. Thỉnh thoảng tôi liếc nhìn trộm anh, đôi mắt anh đẹp thật, nhưng làn da có vẻ hơi sạm chắc tại nắng thao trường. Dường như không cần nói nhiều, những bông cúc đã nói hộ lòng chúng tôi, kéo chúng tôi gần lại với nhau. Năm đó anh không được đón Tết ở nhà, chiều ba mươi đã phải có mặt ở đơn vị. Đơn vị của anh đóng ở Huế, thì ra những năm qua chúng tôi ở rất gần nhau nhưng lại chẳng hề biết nhau. Anh tên Tuấn, hơn tôi hai tuổi.
     Tết năm sau, chúng tôi lại cùng nhau đi chợ hoa. Anh đích thân chọn những bông cúc tặng bố tôi, ông thích lắm. Tôi thì tặng bố mẹ anh một hộp chè hoa sen mua bằng tiền lương của mình và hai cặp bánh chưng do bố gói. Nhiều người trong làng thường nhờ bố tôi gói bánh chưng vì bánh chưng ông gói rất vuông, lạt đều, bánh đẹp, nếp dẻo và nhân thì mịn. Ngày mẹ tôi còn sống, tôi rất thích cảnh cả nhà ngồi quây quần nấu bánh chưng và đón giao thừa. Tặng những chiếc bánh chưng do bố gói tôi không lo bố mẹ anh chê nhưng sao chân tay vẫn cứ run rẩy khi sắp sửa bước vào nhà. Căn nhà khá rộng, có bố, mẹ và em gái anh. Bố anh là chủ tịch xã huyện bên, từ làng anh đến làng của tôi phải mất hơn hai tiếng đồng hồ đạp xe. Nhà anh có xe máy nhưng anh vẫn đi đón tôi bằng xe đạp. Có lẽ cái tính nết cần cù, giản dị của anh được thừa hưởng từ mẹ. Bà có khuôn mặt phúc hậu, nhìn bà tôi nghĩ đến người mẹ đã khuất. Việc gói bánh, sắm Tết, bày bàn thờ đều do một tay mẹ anh làm. Còn bố anh có vẻ độc đoán và theo chủ nghĩa thực dụng. Ngắm nghía hai cặp bánh chưng của tôi đưa đến, ông gật gật đầu trong khi tay vẫn mân mê mấy sợi râu dưới cằm:
-         Bác nhà bên khéo tay quá. Năm nay không gói bánh nữa. Để tôi sai mấy thằng đi mua mấy chai rượu ngoại đặt lên bàn thờ cho nó oai. Bánh trái ít ít thôi, nhà chả có trẻ con bày làm gì cho nó rối rắm.
     Anh là người khá tinh tế, anh đã sớm dặn tôi từ trên đường đi là đừng có bỡ ngỡ vì bố anh và bố tôi rất đối lập nhau. Em gái anh cũng chào một câu rồi đi vào phòng. Chỉ có mẹ anh là người cho tôi cảm giác thân thương và gần gũi. Bà chỉ cho tôi nhiều cái hay như cách pha chè sao cho ngon, cách làm bánh lá gai và cách chọn hương vừa thơm vừa bền thắp cho ông bà ngày Tết. Những lần được gặp bà, tôi có cảm giác như trái tim đang được sưởi ấm trở lại tình yêu của mẹ. Tôi thầm mong được làm con dâu của bà.
   Năm ấy, sau khi cúng giao thừa cùng gia đình, anh mượn xe bố phóng thật nhanh đến nhà tôi. Chúng tôi ngồi uống chè trò chuyện cùng bố, đón những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Bố lui vào nghỉ sớm, còn lại hai chúng tôi ngồi trước ấm chè đã nguội. Tôi lấy cớ xuống bếp pha lại ấm chè khác. Tuấn cũng đi theo tôi, anh kéo tôi lại ở cửa bếp và ôm chầm lấy. Tay tôi lúc ấy vẫn giữ chặt cái ấm chè rất quý của bố, bé nhỏ thổn thức trong vòng tay anh ấm áp giữa đất trời lồng lộng tiết xuân sang.
     Những ngày đến trường cùng lũ trẻ thơ và những lá thư anh gửi về đều đặn mỗi tháng là niềm an ủi duy nhất của tôi những năm tháng yêu anh. Có những lúc nỗi cô đơn lên đến tột độ và tôi đã ôm lấy miệng bật khóc, cả đêm nằm rấm rứt không sao ngủ được. Những lần như thế thường khiến đôi mắt tôi sưng húp vào sớm hôm sau. Bố không nói gì cả, ông đưa tôi một nắm bã trà gói trong miếng vải sạch bảo tôi chườm lên mắt cho hết quầng thâm. Tôi buồn một thì chắc bố cũng buồn gấp bội, thương con nhưng ông không biết nên làm sao cho phải. Bao nhiêu đám đến muốn dò hỏi tôi cho con trai, em trai họ, nhiều đám cũng vừa ý ông lắm nhưng ông đều cáo lỗi với họ và bảo: chuyện dựng vợ, gả chồng phải là ý muốn của con cái, tôi không thể tự ý quyết được…
     Bốn cái Tết đi qua trong quãng thời gian tình yêu nhưng duy nhất một cái giao thừa chúng tôi được ở bên nhau. Cái Tết thứ tư, đáng nhẽ anh được về nhưng vì gia quyến một đồng chí gặp chuyện buồn bất ngờ nên cấp trên cắt cử anh ở lại. Năm đó bố tôi phát bệnh hen suyển trở lại, tôi cũng phải ở nhà không đi thăm anh được. Hai tháng sau anh có về được mấy ngày rồi lại đi. Mùa hè năm ấy anh bảo phải hành quân đi diễn tập dài ngày không về và cũng phải cắt liên lạc gia đình. Tuấn cũng dặn, nếu nhỡ bố có chuyện gì không may thì em nhớ bảo bố mẹ anh một tiếng để họ nhờ người quen gần chỗ anh đóng quân chuyển lời cho anh. Không hiểu sao lần tiễn biệt hôm đó tôi có cảm giác như anh sắp sửa đi đến một chiến trường bom đạn khốc liệt, một cảm giác xa cách không biết đến bao giờ gặp lại và gặp lại sẽ là điều gì sẽ xảy đến…
     Bố yếu quá, tôi vừa phải sắp xếp công việc vừa trông nom ông nằm viện. Cũng may có anh Cương giúp đỡ. Anh Cương là con của dì Mai người làng tôi, bố anh là liệt sĩ. Gặp bố tôi, anh mừng và chu đáo lắm vì anh chính là một trong những học trò ngày xưa được thầy Đảm dìu dắt. Bố mắc trong mình nhiều bệnh quá nên người nhanh chóng xuống sức. Nằm viện mấy tháng, ông kiên quyết đòi về nhà cho bằng được. Cứ hễ ngăn cản ông lại bảo: Cha ông ta đúc rút được điều này: kẻ xấu thường sống dai, người tốt thường đoản mệnh; chết là sự giải thoát khỏi bĩ cực nhân gian về đoàn tụ tổ tiên có gì đáng sợ mà phải chạy chữa cho phí tiền phí của.
     Anh Cương kê thuốc và dặn dò tôi tỉ mỉ những món ăn cần tẩm bổ, cũng như những thứ không nên ăn để tôi nấu cho bố. Nói chung là kiêng cự nhiều, mà bố tôi cũng lười ăn lắm, ăn gì cũng không thấy ngon. Ông chỉ thích có bạn bè hoặc học trò cũ đến thăm, lúc ấy vẻ mặt ông tươi tắn rạng rỡ. Anh Cương hay về khám cho bố và trò chuyện với ông. Có vẻ bố tôi rất quý anh Cương, anh ấy thành đạt nhưng bao giờ cũng hiếu thảo với mẹ già và biết đến tình làng nghĩa xóm.
     Thời gian Tuấn hành quân tập trận, tôi lu bu chạy lui chạy tới lo cho bố nên không còn thời gian nhớ đến anh. Mà có lẽ nỗi nhớ trong hoàn ảnh ấy chỉ khiến con người ta yếu đuối hơn. Nhưng sao đã gần ba tháng trôi qua rồi mà không thấy tin tức gì từ anh, tôi lo quá. Buổi chiều hôm đó, tôi đến nhà anh nhưng nhà không có ai. Lúc toan ra về thì có một cô gái chạy xe máy vào nhà anh. Cô ta lấy khóa mở cửa vào nhà. Tôi dựng xe rồi rón rén bước vào hỏi thăm. Cô gái nhìn tôi một lượt từ đầu xuống chân rồi trả lời:
-         Bố mẹ tôi vắng nhà hết cả. Mấy ngày nữa mới về. Cái út thì đợi lát nữa.
-         Thế cô là…?
-         Tôi là con dâu. À, đúng hơn là con dâu tương lai của bác chủ tịch xã.
Tôi gần như chết lặng, suýt nữa bị hổng chân ở bậc tam cấp, lúng túng đến nỗi không mặc được dép mà bước đi. Tôi chào ra về. Chiếc xe đạp mini uể oải lăn bánh. Cô gái đứng trong nhà còn nói với theo:
-         Đúng là quê hết sức!
     Một tuần, hai tuần, một tháng, rồi ba tháng trôi qua, không một tin tức, không một lời giải thích từ anh. Bố tôi ra viện đã lâu nhưng bố mẹ anh cũng không đến thăm lấy một lần. Tôi triền miên những đêm không ngủ, nghe tiếng ho từng cơn của bố và nghe hết thứ tạp âm của cảnh vật, muôn loài về đêm. Một buổi sáng, bố gọi tôi đến bên giường:
-         Con đừng sống như vậy nữa. Bố làm sao nhắm mắt khi thấy con đêm nào cũng sụt sùi nước mắt như thế. Mấy năm nay bao nhiêu đám đến hỏi nhưng bố chiều ý con. Nay bố không còn sống được bao nhiêu nữa, nếu con thương người bố này thì làm theo ước nguyện của ta được không?
-         Xin bố cứ nói. Bố chỉ có con, một đời bố đã vì con…
-         Dì Mai có gặp bố. Bà ấy nói anh Cương thích con nhưng không dám nói. Không phải vì đến lúc bố gần đất xa trời người ta mới nói vậy mà là dì Mai thương con lâu rồi, thấy cậu Tuấn lui tới nên đành thôi. Bây giờ ý bố cũng giống dì Mai. Con lấy anh Cương là bố yên tâm mà thanh thản nhắm mắt.
Đêm hôm ấy tôi khóc sưng cả mắt, tôi nhìn những bông cúc trổ bói gầy gò bung nở. Đám cưới hôm trước, hôm sau bố tôi hấp hối. Sau khi căn dặn riêng với chồng tôi, bố muốn tôi ngồi với ông những giây phút cuối cùng:
-         Bố tin sau này con sẽ không khổ khi làm dâu nhà đó. Nhưng sẽ có lúc con gặp lại Tuấn và sẽ giận bố. Con đừng hối hận những việc gì đã làm. Ngày xưa người mẹ con yêu không phải bố nhưng rồi sống chung cũng nảy sinh tình cảm, cả hai chúng ta đều yêu hoa cúc vì bà ấy chính là một đóa cúc bất tử trong lòng bố. Hãy là đóa cúc luôn tươi thắm bên chồng con con gái nhé.
     Tết năm đó, sau khi làm cơm cúng giao thừa xong, tôi xin mẹ chồng về nhà mình. Mẹ chồng vốn hiền lành, tâm lý, bà dặn chúng tôi ở lại giữ hương đèn suốt đêm cho bố tôi kẻo ông ấy cô quạnh mà tủi thân. Anh Cương pha một ấm chè rất thơm dâng cho bố. Anh không biết gói bánh chưng nhưng anh hứa năm sau sẽ tập gói để trình bố xem thử. Từ ngày lấy nhau xong, bộn bề trong đau thương về sự ra đi của bố, tôi ít khi chuyện trò riêng với anh. Thấy anh chăm chút, kính trọng bố mẹ tôi, lòng tôi cảm kích nhưng sao vẫn không buông nổi lời nào cho nên tình nên nghĩa. Tôi dường như chưa quen với việc mình đã có chồng. Tôi nói khéo, anh về với mẹ kẻo bà buồn, em muốn chợp mắt một chút, mai em sẽ về sớm làm cơm cúng cho ông bà hai bên. Anh có vẻ bối rối một lúc rồi gật đầu. Ra đến cửa, bỗng nhiên anh quay lại ôm chầm lấy tôi một cái siết chặt rồi quay đi thật nhanh. Tôi quá bất ngờ nên không kịp nhận ra mình có rung động gì không, chỉ thấy nước mắt trào ra không ngăn nổi. Tôi thấy nhớ anh Tuấn đến cắt lòng, nỗi nhớ cứ trào lên rồi dập xuống xoáy chặt lấy trái tim tôi muốn vỡ vụn ra. Cũng vào đêm giao thừa năm ấy, Tuấn đã truyền vào tim tôi một hơi ấp kỳ lạ khiến nó run rẩy, thổn thức. Giờ anh đang ở đâu, vì sao lại phụ tình tôi như thế…
     Dẫu Cương không phải là người tôi yêu nhưng anh ấy không có điểm nào đáng chê trách để tôi phải phụ nghĩa tình mẹ con anh ấy cả. Những giao thừa sau tôi bận rộn với nghĩa vụ con dâu, làm những việc mà mẹ chồng tôi vẫn thường làm. Gia đình càng trở nên ấm áp từ khi có bé Như.
     Năm nay cái Như đã học lớp ba. Đợi nó lớn hơn, tôi sẽ dạy nó những gì tôi biết: về ý nghĩa văn hóa và cách chọn hoa cúc, về cách pha chè, cách bày những thức cúng trên bàn thờ ngày Tết..., để nó có đi đâu, làm gì cũng không được quên cái bản sắc của dân tộc, cái nếp nhà của cha ông.
     Tôi cứ nghĩ cái Như còn bé nên hễ nó hỏi gì tôi lại bảo: “Lớn thêm tí nữa, mẹ bảo cho con hết”. Nhưng bỗng nhiên một lần, câu hỏi ngây ngô của nó làm tôi phải đứng lặng người một lúc lâu:
-         Bố Cương có phải mối tình đầu của mẹ không?
Ngạc nhiên hơn là chiều hôm qua, sau khi đi chợ Tết về, nó kéo tay tôi vào phòng rồi vặn hỏi:
-         Có phải mẹ rất thích hoa cúc không? Có một bác nói nhỏ với con thế. Bác ấy còn chỉ con cách chọn hoa cúc để cắm vào bình đặt lên bàn thờ của ông ngoại nữa.
-         Ai… Ai bảo con thế?
-         Bác ấy mặc áo quần màu xanh giống chú bộ đội trong bức hình mẹ cất trong cuốn sổ đặt dưới gầm tủ đó.
     Chuyện về Tuấn tôi đã nghe mẹ anh kể lại. Năm đó trong trận tổng diễn tập cuối cùng, một chút thiếu kỹ thuật của đồng đội đã khiến anh bị bỏng một nửa khuôn mặt và xương hàm bị tổn thương. Mấy tháng điều trị trong bệnh viện anh xin bố mẹ dấu kín vì sợ tôi chịu không nổi khi vừa lo cho bố vừa biết tin anh như vậy. Còn người con gái tự xưng là con dâu ngày ấy là con gái chủ tịch huyện, bây giờ là vợ anh. Dù đấy không phải người mà Tuấn và mẹ anh chọn nhưng dù sao cô ấy cũng thật lòng yêu anh. Biết tin anh gặp tai nạn cô ấy vẫn không chê, còn xin bố tiền để chữa trị vết thương ở mặt cho anh. Chuyện mai mối cho đến cưới hỏi đều do hai ông bố tự dàn xếp với nhau. Nhưng có lẽ đó là sắp đặt của số phận.

*     *     *

     Còn vài phút nữa thôi là khoảnh khắc giao thừa tới. Mẹ ơi con gái mẹ giờ cũng có nếp nhăn rồi, cái Như đợi giao thừa mệt quá đã ngủ như cún con. Mẹ tôi cười hiền quá. Bố thì lúc nào cũng điềm tĩnh. Họ nhìn tôi trìu mến sau làn khói hương nghi ngút bay lên. Hôm nay anh Cương trực ở bệnh viện. Một mình tôi đón giao thừa cùng bố mẹ. Những bông cúc bung nở tỏa hương thơm dìu dịu.


 Đêm qua đi và ngày đang tới hát câu chuyện tình mùa xuân…

-         Vâng. Tôi nghe…
-         Có phải là em không…Thảo An?
-        
-         Anh là Tuấn đây. Em khỏe không?
-        
-         Em, em ơi. Xin em đừng cúp máy. Em cứ lặng im đừng nói gì cũng được nhưng khoan vội cúp máy. Hãy để anh nghe hơi thở của em một lúc thôi cũng được. Anh chưa bao giờ thôi nhớ em…!

   Lặng lẽ…mùa đông như câu hát cuối cùng. Những gì đã qua sẽ còn lại trong chúng ta…

                                                                                                           
                                                                                                                       


N.D.H

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Truyện ngắn EM GÁI TÔI

 Truyện ngắn

 NGÔ DIỆU HẰNG

EM GÁI TÔI

                        Tạp chí NHẬT LỆ 
                         - Số 225 (12/2013)


Sọ Dừa mang hình hài một cục thịt tròn. Tôi cũng chỉ là một cục thịt, nhưng có hình cây kem, một cây kem với hai chiếc que mềm oặt. Tôi là anh của ba đứa em gái, một thằng xấu xí và vô dụng. Nhưng tôi có thể nhận ra mọi thứ đang biến động quanh tôi như thế nào, cho đến bây giờ cũng thế.
   Tôi không biết ông bà tôi mất khi nào, chỉ biết bố mẹ tôi rất nghèo. Ngày ngày họ phải đạp xe ra phố nhặt và thu mua ve chai, nhặt mọi thứ có thể bán được để kiếm tiền. Sinh ra tôi đã không biết nói, những đứa trẻ trong vùng gọi tôi là thằng câm một tai. Một tai, nhưng tôi nghe được hết tất cả. Nghe được tiếng thở mệt mỏi của bố mỗi đêm, nghe được tiếng rên đau đớn của mẹ khi sinh đôi hai đứa em của tôi và nghe cả những câu đùa chết người của những kẻ độc miệng.
   Tôi không được đi học. Tôi xấu xí và bị câm nên chỉ thích hợp làm thằng chăn bò thuê. Đi chăn bò, tôi năn nỉ lũ bạn tập cho viết chữ và bắt đầu viết được những câu dài. Tôi thích làm thơ và viết ra cho lũ bạn đọc, chúng nó bảo tôi “có tật có tài”. Cho đến một ngày, trong lúc đang chăn bò, bom từ đâu trong lồng đất phát nổ cướp đi luôn đôi chân và cánh tay thuận của tôi. Tôi không hiểu ông trời còn để lại cánh tay phải làm gì, sao không cướp hết đi khi tôi chẳng thể đi và không còn viết được nữa. Tôi vô dụng nhưng bố mẹ không vì thế mà ruồng rẫy. Chỉ có hai đứa em là không thương tôi, chúng dường như xấu hổ khi biết chúng có một người anh xấu xí, tật nguyền. Những lúc ấy tôi ước gì mình bị điếc, bị mù thì có lẽ sẽ hạnh phúc hơn là bị câm. Chưa bao giờ tôi hỏi vì sao tôi bị câm, vì sao tôi chỉ có một cái tai và vì sao tôi xấu xí hơn các em của mình. Có lẽ những câu hỏi đó không còn quan trọng nữa.
   Người ta tặng tôi một chiếc xe lăn. Còn hơn một đôi chân, nó là người bạn đưa tôi đi khắp nơi. Tôi hạnh phúc vì được sinh ra ở làng, tôi yêu lũy tre, dòng sông, cánh đồng và những thảm cỏ xanh mướt. Trong đầu tôi vẽ ra muôn vàn bức tranh tuyệt đẹp và những câu chuyện về làng quê, về những kỷ niệm tuổi thơ và con người thôn quê chân chất, mộc mạc. Những cuộc “dã ngoại” một mình thường khiến tôi miên man chìm đắm trong một thế giới cổ tích. Với người dân quê, một ngày thường quá dài và mệt mỏi, hoàng hôn là lúc khép lại tất cả cực nhọc đó, và đêm thì quá ngắn ngủi để nghỉ ngơi. Còn tôi, như một nghệ sĩ vô danh, muốn lãng du trong một thế giới thầm lặng mà chỉ có tôi hiểu. một ngày với tôi quá ngắn để nhìn, còn đêm thì quá dài để thao thức mong chờ bình minh đến. Lúc tôi nhắm được mắt đi ngủ cũng là lúc bước vào hành trình của giấc mơ tìm kiếm một sự kỳ diệu nào đó sẽ xảy đến. Và cuối cùng nó cũng đến.
   Một buổi sáng, như bao buổi sáng khác, tôi thức dậy sớm cùng chiếc xe lăn mon men ra đường làng. Từ trong bụi cây một tiếng khóc trẻ con ré lên khiến tôi giật mình. Tôi đẩy xe đến gần, bên trong chiếc hộp giấy là một đứa bé xinh xắn. Thấy tôi, nó thôi khóc và cười. Đôi mắt nó to tròn long lanh nhìn tôi mừng vui. Bố nói nhà mình quá nghèo không đủ khả năng nuôi thêm nữa, huống gì nó còn nhỏ quá, lại là con gái nữa. Tôi níu lấy áo bố lay lay, rồi tôi quay sang nhìn mẹ tha thiết khẩn cầu. Có lẽ từ khi biết nhận thức đến lúc ấy, lần đầu tiên có một ánh mắt nhìn tôi yêu thương, vui mừng và cần tôi đến như vậy. Mẹ ẵm đứa bé trên tay, nửa thấy lo lắng nửa không đành lòng bỏ mặc. Và, tôi bỗng nhiên có thêm một đứa em gái nữa – nó tên là Mộc Nhiên.
   Láng giềng ai cũng quan tâm, giúp đỡ và khen bố mẹ tôi nghèo mà giàu lòng nhân ái. Còn tôi, từ khi có Mộc Nhiên tôi chỉ thích ở nhà và có lẽ người mà nó nhìn thấy nhiều nhất chính là tôi. Lớn lên, biết về hoàn cảnh của mình, biết rằng ánh mắt mà luôn cười với nó những năm qua thực ra là một người không máu mủ, một người anh tật nguyền, nhưng nó vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt ấy như lần đầu tiên nó trông thấy tôi từ trong chiếc hộp giấy.
   Mộc Nhiên, sinh ra như cây cỏ lạc loài giữa vũ trụ rộng lớn vô cùng, được mẹ thiên nhiên bảo bọc và gửi đến mái tranh nghèo không biết là số mệnh hay là hạnh phúc của nó. Chỉ biết rằng, nó đẹp và hiền lành như loài thảo mộc. Không như hai đứa em ruột của tôi, Mộc Nhiên luôn học giỏi, lương thiện và được mọi người yêu mến. Buổi sáng đi học, nó đẩy tôi ra cánh đồng hóng gió. Nhiều lần tôi đợi nó học về rồi hai anh em cùng về, nó kể cho tôi nhiều chuyện ở lớp, đọc cho tôi nhiều bài thơ mà đến giờ tôi vẫn nhớ như in. Lúc rãnh rỗi, nó cầm tay tôi tập viết. Nỗ lực cố gắng và rồi tôi cũng viết được bằng bàn tay còn lại, bắt đầu chép được những bài thơ vào cuốn sổ nhỏ. Tôi viết thơ, còn nó thì vẽ những cánh hoa lên đó. Hai anh em tôi, dẫu không phải ruột thịt nhưng sinh ra như để làm anh em từ kiếp nào.
   Lớn thêm chút nữa, hai đứa kia đi lấy chồng. Mộc Nhiên không thi đại học ai cũng tiếc. Em bảo nếu em đi học xa thì lấy ai chăm mẹ, chăm anh. Bố mẹ đã quá vất vả rồi. Mẹ bị hen suyển. Một mình bố gánh vác việc ngoài. Em trở thành người phụ nữ quán xuyến mọi việc trong nhà. Tôi đã là một thằng thanh niên, thằng thanh niên trong hình hài đứa con nít có khuôn mặt già nua. Tôi biết tự cạo râu và đan lát bán kiếm chút tiền. Có lẽ cuộc sống của chúng tôi vẫn cứ trôi một cách bình lặng, giản đơn như thế nếu như ông trời thôi trêu ngươi những con người hiền lành, tội nghiệp.
   Bệnh tim của em đã quá trầm trọng. Mọi người đều biết em mắc bệnh đã nhiều năm, nhưng cái đau đớn thực sự thì chỉ em mới là người hiểu hết. Nhìn em ngất xỉu ngay trước mắt mà tôi không biết phải làm gì. Tôi cố gắng lay em dậy rồi ngã xuống đè lên người em, cảm giác vô dụng lúc ấy khiến tôi oán hận cuộc đời hơn bao giờ hết. Giá như người đau tim là tôi chứ không phải em, con đường tương lai của em còn thênh thang lắm.
   Chiều hôm nay Mộc Nhiên đến thăm tôi tại nghĩa trang. Trông em rất khỏe mạnh, có vẻ quả tim mới làm việc rất tốt khi ở trong người em. Nhưng nụ cười em không còn tươi thắm, hồn nhiên như xưa, và ánh mắt buồn như luồn sâu vào không gian mờ ảo. Em hỏi tôi một mình ở đây có lạnh lẽo lắm không, rằng em nhớ tôi rất nhiều. Em đưa tay sờ lên bia mộ ghi tên tôi và những giọt nước mắt trào ra rơi trên bờ vai tôi rất nóng. Em cũng vuốt nhẹ dọc cánh tay còn lại của tôi như ngày xưa em vẫn thường dùng khăn lau cho tôi mỗi ngày. Ở cánh tay ấy, chỗ vết cắt của lưỡi dao mọc lên vài bông hoa dại tí xíu màu đỏ tươi của máu. Rồi em ngồi bệt xuống cỏ, áp ngực lên người tôi và tôi nghe thấy trái tim tôi đập đều đặn trong ngực em ấm áp. Trái tim ấy vốn ấm áp, giờ được em mang trong mình sức sống càng trở nên tràn trề như cái cây được ương đúng chỗ, thỏa sức vươn cao. Em mở cuốn sổ thơ của tôi ra đọc cho tôi nghe, còn có những bài em tự sáng tác và được đăng báo, rồi em đốt thành tro gói gắm cẩn thận gửi xuống cho tôi.
   
Ở dưới này tôi có thể gọi được tên em – Mộc Nhiên ơi! Đi được một đoạn, như nghe được tiếng tôi em quay đầu lại nhìn rất lâu. Khi bóng em đã khuất, tôi ngồi tựa lưng bên tấm bia đá đọc những bài thơ của em và chờ em đến thăm trở lại mang theo những bài thơ mới. Những tầng mây bảng lãng trôi phía chân trời, hàng triệu nàng tiên đang tha thướt bay kéo dãi lụa hoàng hôn che ánh mặt trời. Lúc này, mọi người đang quây quần bên mâm cơm và nghỉ ngơi chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.



                                                                                                       N.D.H