Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Truyện ngắn CHUYỆN TÌNH CỐ ĐÔ

CHUYỆN TÌNH CỐ ĐÔ

NGÔ DIỆU HẰNG
Tạp chí Cửa Việt 
Số 233- tháng 2-2014





Bước lên những bậc thang đơn sơ bằng gỗ, thêm vài bước nữa xuyên qua không gian mờ ảo là bức sơn mài nằm ngủ sâu dưới ánh đèn dìu dịu. Đã nhiều năm trôi qua, có những người khách đã lui tới đến hơn chục lần nhưng vẫn không ai hiểu hết ý nghĩa của bức tranh ấy. Cái gác nhỏ lánh xa chốn đô hội này vẫn thu hút biết bao khách gần xa đến thăm và mua tranh. Riêng Cô gái đàn tranh luôn cuốn hút, không phải bởi cái gì đó tài tình mà vì bí mật đằng sau nó khiến người ta phải chùng chân đứng lại trầm tư. Chủ gác nhỏ chỉ thưa rằng đó là một mối tình xa lắm.

*   *   *

   Cái đêm đó trời rét căm căm, mưa giông lạnh lẽo, cuối cùng đứa trẻ cũng ra đời sau những lần cố vượt cạn không thành của bà mẹ trẻ vì lên cơn co giật. Vừa mở mắt ra cậu bé đã nhìn ngay vào những ánh nến thắp quanh phòng, bố cậu đặt tên là Vũ Đăng. Sau lần đó, mẹ cũng không sinh được nữa vì chứng bệnh thần kinh. Đăng ghét những lần bố dẫn đến công ty và giới thiệu đây là ông chủ tương lai. Cậu thích trốn trong phòng và thả hồn qua khung cửa sổ.
   Có lẽ nghệ thuật là cái nợ từ tiền kiếp, Đăng chỉ thích vẽ và gom góp ý tưởng trong những chiếc hòm, một thứ đam mê vụng trộm. Nghe lời bố, anh theo học kinh doanh. Nhưng Đăng nhận ra anh đang lạc đường, cố gắng tồn tại trong một thế giới không thuộc về mình. Đêm đêm, những chiếc hòm lại mở ra, những vệt màu cứ nhảy múa trong giấc mơ. Vứt bỏ gánh nặng với tiền tài, anh đến cố đô với tâm thế của một người đi trả nợ. Tài sản mang theo là những chiếc hòm màu nhiệm đã cùng anh lớn lên.
   Đăng vẽ ngày đêm, hì hục như những người thợ rèn và ý tưởng cứ lóe sáng như những tia lửa văng ra từ nhát búa chắc nịt. Cái tên Vũ Đăng dần được nhiều người biết đến.
   Chiều hôm ấy, mẹ khẩn khoản gọi anh về nhà. Mẹ đứng đợi với vẻ mặt bồn chồn, những sợi tóc rối lơ thơ sau vành mũ, đôi mắt đỏ hoe mệt mỏi. Bà đưa anh một xấp hình, bố đang thân mật cùng một người đàn bà khác không phải mẹ. Người phụ nữ trong tấm hình có khuôn mặt thanh tú, mái tóc bối cao tôn lên dáng dấp thiếu phụ đẫy đà bên trong chiếc áo bà ba đen ôm khít người. Mẹ anh bảo đó là người tình cũ của bố, một mối tình thời sinh viên.
  Bố anh giải thích, còn người mẹ bệnh tật của anh thì ra sức gào thét rồi ngất đi. Đăng không nghe thấy gì, chỉ thấy trước mắt mình là bức tranh bị ố tạp, nhòe nhoẹt những vết màu xám xịt. Cứ mỗi lần tĩnh dậy, mẹ lại bảo anh hãy giết chết mẹ đi. Bấy giờ anh mới biết người con gái thông minh, giàu có hai lần nhảy sông tự vẫn để quyết lấy bằng được bố chính là mẹ. Còn chàng trai ruồng rẫy người mình yêu vì tiền tài, sự nghiệp đó là người bố đáng kính mà bấy lâu anh luôn tự hào. Do hai lần trở về từ cõi chết, thần kinh bà cũng không ổn định mỗi khi có chấn động mạnh.
   Từ bé, Đăng vẫn nghĩ mình có một gia đình hạnh phúc, ít nhất chưa một lần anh nhìn thấy bố mẹ cải vã. Mẹ vô cùng tôn thờ bố, còn bố luôn chiều chuộng mẹ. Nhưng có vẻ đó chỉ là chiếc bình phong giả tạo cho cái gọi là không tình yêu. Từ bao giờ cây cọ trong tay anh không còn nghe lời nữa, những đường nét trở nên quằn quại mà chính anh không thể tự thoát ra được cái mê cung phức tạp ấy. Cho đến một ngày, chiếc cọ vẽ bỗng rơi tuột khỏi tay và những vệt màu văng tung tóe khắp các góc nhà. Cái chết của mẹ dường như là nỗi ám ảnh anh suốt những tháng ngày còn lại của cuộc đời. Hình ảnh mẹ với mái tóc rũ xòa bê bết máu, đôi mắt bà mở to nhìn anh chòng chọc từ bên trong quan tài. Những chiếc hòm đã mở tung và khô cạn, chỉ còn màu trắng bay vật vờ trong những giấc mơ anh mỗi đêm.
   Một thời gian dài vắng bóng, người ta không còn tìm thấy Vũ Đăng của ngày xưa trong những bức tranh anh vẽ. Chúng trở nên nhạt nhẽo, khó hiểu và dị thường. Chính anh cũng không nhận ra mình đang vẽ gì. Những chiếc hòm không chịu đầy trở lại. Những kẻ vốn không ưa gì anh nay ré lên cười ngạo nghễ “Vũ Đăng chẳng qua là chiếc đèn dầu trong mưa, chiếc đèn ấy rồi sẽ tắt ngúm sau những vệt khói u ám leo lắt bay lên…”
   Đăng tĩnh dậy sau những đêm say khướt. Cái mùi chua lòm chui ra từ miệng và mùi mốc meo bốc lên khắp phòng khiến anh buồn nôn. Lũ gái chân dài và bạn bè đã cút hết, chỉ còn anh và hắn – gã trong gương, trắng đen lẫn lộn. Anh không muốn tĩnh, vì cứ tĩnh ra anh lại thấy mình đáng khinh. Anh đấm hắn một cái vào mặt. Mặt hắn vỡ ra từng mảnh, nhưng môi hắn vẫn nhếch lên cười như chế nhạo. Anh nằm vật xuống để cho nắng chiếu vào mặt, nắng tràn lên ngực, những sợi lông bạc đi dưới nắng. Nhưng rồi, khi đặt chiếc cọ vẽ lên giấy anh lại bất lực trước đứa con chẳng chịu ra đời.
   Mùa lũ lại về, mưa như trút nước. Nhìn từ trên cao, cả cố đô ngập trong biển nước đục ngàu. Đăng chuyển tất cả tranh và đồ vẽ lên gác xép. Chiều tối, anh lội nước lũ đi mua thức ăn. Phía bên kia đường, một cô gái đang mò mẫm cố thoát khỏi dòng nước lũ chảy xiết. Hình như chân cô bị kẹt lại không cử động được. Anh cõng cô gái về phía cuối hẽm, nơi có căn nhà nhỏ ngói đã ngả màu rêu. Từ trên gác, một ánh mắt kỳ quặc đang nhìn xuống qua cửa sổ. Bắt gặp ánh mắt của anh, cái bóng kia biến mất vào trong.
   Mấy hôm sau, nước rút, nắng bắt đầu đâm qua những tầng hơi nước, len lỏi qua các tán lá ướt choẹt chan xuống đường phố đầy bùn và rác rưởi. Người dân ở đây lại tất bật dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa và đường phố. Sáng hôm sau thức dậy, Đăng bước ra đường, anh muốn ăn cái gì đó thật nóng, thật ngon. Bên vỉa hè, một cô gái đang lom khom, khéo léo chan nước vào các bát phở. Một thằng bé mang túi xách thoăn thoắt bưng bê. Đã rất lâu rồi anh chưa được thanh thản bước đi trên phố, chậm rãi ăn một món ngon vỉa hè, mọi thứ cứ dồn dập xảy đến, lôi kéo, xô đẩy anh vào dòng xoáy cuộc đời. Anh đến cảm ơn người chủ quán kia đã cho anh được nếm lại vị ngọt ngào ấm áp mà đã rất lâu không thể cảm nhận được.
-         Ơ… Hình như cô là người bị mắc lũ hôm nọ, cô có nhớ tôi không?
   Cô gái ngửng lên nhìn anh rồi cúi xuống im lặng.
   Cô đội nón thắt dây màu tím, chiếc áo bà ba ôm khít eo, ánh mắt buồn núp dưới đôi mi dài cong đen nhánh. Thời nay vẫn có những người con gái ăn mặc như thế, gánh đôi quai gánh trên vai giữa phố xá nhộn nhịp quả là một hình ảnh hiếm có. Cô gái đi rất nhanh dường như muốn trốn tránh. Cậu bé xách đồ thoăn thoắt đi bên cạnh. Đăng cũng đi theo cho đến khi bóng hai người khuất vào trong ngôi nhà úa màu rêu phong. Ở trên gác, một đôi mắt đang nhìn anh chằm chằm qua cửa sổ.
   Đêm hôm ấy, Đăng nằm thao thức. Hình ảnh cô gái cứ hiện ra thật đẹp.
   Bình minh mở toang cửa sổ, Đăng trở lại hè phố ấy nhưng không thấy cô gái bán phở hôm qua đâu. Mỗi sớm anh vẫn ngồi chờ ở cửa nhưng không thấy cô gái đi ra, chỉ gặp cậu bé đeo túi xách. Thấy anh, nó chạy đến mời mua vé số. Nó bảo “cô chủ” của nó - Phương nay không bán phở nữa, rằng “bà chủ” cấm.
   Nhiều đêm liền anh không đi chơi, ở nhà sắp xếp lại mọi thứ ngổn ngang trong đầu mình. Hình ảnh về Phương lại hiện ra. Có nhiều thứ đằng sau người con gái ấy, không đơn giản là cô gái mặc áo bà ba đi bán phở. Đêm khuya, anh đứng tựa bên cửa sổ hút thuốc. Những cuộn khói màu xám từ từ bay lên luồn qua những song cửa sổ ra ngoài, anh mơ màng nhìn vào ánh đèn phản chiếu trong những vũng nước còn sót lại của cơn mưa ban chiều. Hai chiếc bóng, một cao một thấp đang bước đi trong đêm, lách qua những vũng nước. Nhiều đêm, vào khoảng thời gian ấy anh bắt gặp cảnh tượng đi về của họ. Nỗi tò mò khiến anh bồn chồn.
   Chiều, khi người ta quây quần bên mâm cơm, đèn đường bắt đầu bật lên, một chiếc xích lô đi vào hẻm và trở ra với hai người khách, cô gái và cậu bé. Đêm, khi đường phố vắng người, họ lại xuyên qua bóng đêm trở về, lặng lẽ.
   Đăng theo chiếc xích lô băng qua nhiều hẻm nhỏ. Hai người bước xuống xích lô và mất hút vào bên trong. Đó là một phòng trà được thiết kế đơn giản nhưng đắt mắt ở sự cổ kính, rêu phong, rất Huế, rất xưa. Điện được tắt bớt, màn che sân khấu mở ra. Các nghệ sĩ bắt đầu tấu nhạc, người ca sĩ ngồi ở chỗ sáng hơn cất lên giọng trầm xao xuyến. Bên phải sân khấu là một người chơi đàn tranh trông rất quen. Trong ánh sáng mờ mờ, cô gái ngồi nghiêng buông mái tóc dài chăm chú chơi đàn. Cô không một lần nhìn xuống khán giả, mãi miết lướt những ngón tay uyển chuyển trên dây đàn và những khúc nhạc cứ bay lên rồi tan ra giữa không gian như mê hoặc lòng người. Đăng thích nhìn người ta chơi đàn tranh. Cái cách họ thả hồn vào khúc nhạc êm như nhung, cách họ lướt những ngón tay mảnh trên cung đàn nắn nót như người đang vẽ, vẽ ra những thanh âm mênh mang diệu kỳ. Thế nhưng, chưa bao giờ anh nghĩ rằng mình sẽ yêu một nghệ sĩ đàn tranh.
   Tiếng đàn ngưng, mọi người ra về. Một lúc sau Phương và cậu bé đi về từ cửa sau. Hai chiếc bóng lại đổ vào màn đêm qua nhiều con hẻm. Đăng âm thầm đi theo họ nhiều đêm, lắng nghe tiếng đàn ẩn chứa điều gì đó sâu lắng trong tâm hồn cô gái trẻ. Rồi từ bao giờ anh yêu người con gái chơi đàn tranh ấy mà chính anh cũng không thể ngăn cấm được cảm xúc của mình.
   Một đêm mưa rả rích, khách vẫn đến uống trà và thưởng thức tiếng đàn. Dường như sau một ngày vội vã, bon chen giữa cuộc sống phải tính bằng giây, người ta mong muốn ai đó ru mình thật chậm rãi. Bỗng nhiên dây đàn đứt, khúc nhạc đang êm đềm đột nhiên bị xé ra. Ở bên dưới đôi ba tiếng xì xào. Phương vẫn chơi tiếp, một mình cô và những sợi dây đàn còn lại. Đăng đi ra lối cửa sau, mọi người lên xe ra về chỉ còn Phương và đứa bé nán lại. Một người đàn ông đang ra sức la mắng cô. Anh lại thầm lặng theo hai người đổ vào màn đêm, những bước chân dường như trĩu nặng. Qua một góc phố, gió giật mạnh chiếc dù trong tay Phương bay ra xa. Thằng bé đuổi theo túm lấy, còn Phương thì ngồi sụp xuống bên vỉa hè, òa khóc. Người nghệ sĩ vỡ òa giữa cơn mưa trong cái lạnh lẽo của phố đêm im lìm. Đăng chạy đến đỡ cô dậy. Một sự gặp lại mà Phương không hề mong muốn, nhưng cô cũng không ngờ được rằng trái tim mình dường như đang cựa quậy và đổi nhịp.
   Trái tim ấy đã được cô gói gắm quá kỹ càng bởi một màn sương lạnh giá. Nhưng đôi mắt cô lại toát lên hết nội tâm khắc khổ. Ngày xưa Phương cũng từng yêu và hạnh phúc. Hắn yêu cô, nâng niu cô như viên ngọc quý. Cho đến một ngày, hắn để mặc cô ngã trên sàn múa và những tai họa ập đến. Mẹ Phương, bà ấy là một nghệ sĩ múa xinh đẹp, danh giá. Một tai nạn kéo theo sau đó là một vụ đình đám đã đánh sập cánh cửa sau lưng bà, từ một ngôi sao sáng lóa giữa bầu trời thênh thang trở thành chiếc bóng vật vờ nhìn cuộc đời trôi tẻ nhạt qua ô cửa sổ tầng hai. Mọi thứ như quay lưng với Phương, cô bằng lòng khóa chặt trái tim và trói buộc mình vào cái kiếp cầm ca bạc bẽo. Đàn tranh vô tình trở thành món nợ đeo bám cuộc đời cô trong cái phố nhỏ, lầm lũi, cô đơn.
   Đăng như vừa bước qua một cơn giông tố, nay gặp được ánh nắng ấm áp giúp anh tìm lại những gì đã lạc mất. Màn sương băng chặt trái tim Phương cũng dần tan đi dưới ánh nắng mai ửng hồng. Họ yêu nhau trong tự khúc của trái tim những kẻ sĩ, những con chim sau bão sẵn sàng cho một mùa vui.
   Và rồi, Phương quỳ gối trước mẹ. Mỗi lần nhìn vào đôi mắt như đã đóng băng quá lâu của mẹ, cô thấy sợ. Phương hiểu mẹ không đủ nghị lực để bước ra bên ngoài cánh cửa, cũng như không muốn con gái lao vào những phù phiếm của tình yêu. Cô luôn cố gắng làm việc cần mẫn để giúp mẹ khôi phục lại khuôn mặt dị dạng, tự tin sống tiếp. Nhưng giờ đây sắp sửa phải nói với mẹ rằng trái tim đang yêu trở lại, cô thấy có lỗi. Phương nhìn thấy một giọt nước mắt chảy xuống rất khẽ trên gò má mẹ, sau bao năm khô vắt. Cô đưa tay sờ vào nửa kia khuôn mặt, nơi có những vết sẹo xấu xí thô ráp không một giọt nước mắt nào muốn chảy qua, và cô khóc trên đôi chân nhỏ gầy bất lực của mẹ. Mẹ khóc cho bi kịch của mẹ và khóc vì lo sợ cho một lối mòn con có thể đi qua. Nhưng rồi bà cũng để Phương mở cánh cửa mời người con trai mà cô yêu thương tha thiết.
   Đăng theo Phương bước lên cầu thang. Anh cảm thấy lạnh, hơi lạnh toát ra từ bên trong tay cầm bằng gỗ màu đen. Một người đàn bà ngồi xe lăn đang ngó nghiêng qua cửa sổ. Có lẽ bà ấy đã quan sát anh từ phía dưới con hẻm. Anh cúi đầu chào, người đàn bà chỉ gật đầu trong khi mắt vẫn nhìn ra ngoài cửa sổ. Tiếng nhạc từ chiếc radio đặt trên bàn đang chơi một bản nhạc Nga êm đềm. Anh quan sát căn phòng nhỏ, có rất nhiều giày múa được bày trong tủ, cỏ vẻ như không ngày nào chúng không được mang ra lau chùi.
   Bất chợt người đàn bà quay lại nhìn vào chiếc radio rồi lẩm bẩm theo nhạc. Có cái gì đó rất lạnh lẽo từ người đàn bà ấy khiến anh sợ. Và khi đôi mắt bà ta chạm vào anh thì một làn hơi lạnh từ ánh mắt kia muốn làm đôi chân anh tê cứng. Ánh mắt kia là của mẹ, từ bên trong quan tài nó nhìn anh lạnh lẽo và ai oán. Nếu che đi một nửa khuôn mặt dị dạng kia thì đấy chính là khuôn mặt thanh tú, sang trọng mà anh đã từng nhìn thấy. Đăng như muốn gục xuống, tất cả những gì anh cố chôn sâu phút chốc lại trở về xao xác. Bố đã làm đau khổ cả hai người phụ nữ. Nay cái oan tình đó lại bám lấy con cái của họ. Bà ấy đâu ngờ rằng chàng trai trước mắt bà là con của người đàn ông bà yêu nhất cùng kẻ đã gián tiếp kéo sập cánh cửa cuộc đời bà. Trái tim Phương mỏng manh và dễ nhàu nát, làm sao chịu nổi khi cô biết về sự thật. Còn mẹ, mẹ đang lang thang ở đâu hay trong chính thân thể không còn nguyên vẹn của người đàn bà đáng thương ấy?
   Đăng trở về và biến mất để lại Phương với bao mâu thuẫn. Một thời gian sau anh trở lại tìm, ngôi nhà vẫn còn đó nhưng mẹ con họ đã chuyển đi không ai hay biết. Cô gái đàn tranh ra đi mang theo tình yêu dang dỡ và có lẽ là cả oán trách.  Còn chủ gác nhỏ vẫn ôm mối tình, chờ đợi một ngày cô sẽ bước ra từ bức tranh bằng xương bằng thịt. Cô gái ngồi bên cung đàn, lướt những ngón tay thon gầy dệt nên những sợi thanh âm mênh mang, và bông sen trắng mọc lên từ chiếc hài màu ngọc bích. Mái tóc cô buông dài che nửa mặt và hàng mi cong…





     N.D.H

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

TRUNG THU KHÓ QUÊN

Thực ra tôi chả có trung thu nào để nhớ chứ đừng nói là khó quên. Nhưng dù sao Trung thu đến rồi, dù có bận mấy với hồ sơ, giáo án, kế hoạch, lũ học trò... thì cũng phải thăm hỏi Blog bằng món quà gì đó. Thế là truyện ngắn mini này ra đời. Đó là lý do của trang blog ngày hôm nay. hihi..


RÕ LẠNH



     Với bọn con nít, trung thu là ngày hội. Trẻ con chờ đợi, người lớn cũng hưởng lây cái không khí ấm áp, vui tươi ấy. Còn tôi, mùa trung thu là lúc phải dành tiền lương mua bánh trung thu, lồng đèn, đầu lân cho một đàn cháu.
   Ngày còn bé, mỗi năm đến trung thu, lũ trẻ trong làng tôi lại nô nức đánh trống múa lân đi khắp các nhà, cửa chùa, các quán ăn để xin tiền, quà bánh. Vui không gì bằng, một bầy lúc nhúc nối đuôi nhau kéo hết nhà này đến nhà khác. Các bà, các cô, các chị thì xúng xính áo dài bưng mâm cỗ lên chùa thắp hương lễ Phật. Năm nay, chi đoàn thanh niên còn cho tập luôn một bài múa lân hoành tráng đi tham gia thi và biểu diễn với các chi đoàn bạn trong vùng.
   Mùa trung thu năm nay có thằng Tâm con ông Toàn về cùng đi chơi với tôi. Hồi nhỏ chúng tôi thường đi phá cỗ trung thu và xem múa lân cùng nhau. Giờ nó đi làm mãi tận cửa khẩu lâu lâu mới thấy về. Ngày xưa hai đứa gầy như nhau, giờ bụng nó phệ, má nó phình, môi nó bóng nhờn mỡ, mắt nó cười nheo lại tưởng chừng không nhìn thấy ai. Tôi chẳng dám đi ngang với nó vì vóc mình nhỏ quá, cứ thấy ngài ngại.
   Thằng Tâm có chú ở bên Trung Quốc. Ông ấy qua đó và lấy vợ, định cư mấy chục năm nay. Năm đó cũng vào dịp trung thu, nó phóng xe đạp như bay sang nhà tôi. Dựng xe cái cạch giữa sân, nó hổn hển gọi:
-         Kiên, qua nhà tao nhanh lên!
-         Làm gì?
-         Chú tao về. Hừ…hừ… Qua tao cho xem cái này hay lắm.
   Tôi nhảy phóc lên xe không kịp mặc dép, hai đứa chạy ù về nhà nó. Chú nó mặc áo có thêu hình con rồng, đơm cúc kiểu tàu. Đắt lắm. Nó bảo thế. Nó lôi tôi vào phòng rồi lấy từ trong thùng ra bao nhiêu là bánh trung thu, đồ chơi chú nó mang về từ Trung Quốc. Nó đội lên đầu một cái mũ có hai cái vòi chỉa ra hai bên i hệt cành ăng-ten rồi khệnh khạng đi qua đi lại.
-         Mày thấy tao oách không? Kha…kha…kha…
-         Mày tính tha cái ăng-ten ấy đi đón chị hằng hử? Tao chỉ nghe chú Cuội chăn trâu, chứ chưa nghe chú Cuội xem ti vi bao giờ. Hơ hơ hơ…
   Nó lườm tôi một cái. Tưởng nó giận đuổi tôi về, không ngờ cuối cùng nó cũng cho tôi hai cái bánh và một cái lồng đèn bằng nhựa. Tối, hai đứa xách đi chơi trăng. Vui hết nhớn.
   Không biết chú nó làm gì bên đó mà trông khá giả lắm. Có lẽ bởi thế mà nó ước lớn lên qua Trung Hoa sống và làm giàu. Nó cực kỳ ưa xem phim Trung Quốc. Mà hầu như bọn con nít chúng tôi đứa nào cũng thích những bộ như Tây Du Ký, Bao Thanh Thiên,.. Con nít xem vì thấy hay hay, còn người lớn xem vì họ nghĩ nó nhân đạo, hợp với lòng người.
   Trung thu năm nay tôi đèo nó lên phố xem dân thị xã đón trung thu như thế nào. Vài đoàn múa lân biểu diễn trước các cửa hàng, quán ăn… Xe máy đi qua dừng lại xem rồi lại đi tiếp. Tôi đỗ xe bên một bãi đất trống, chỗ có mấy quán nhậu di động. Hai thằng súc miệng bằng hai cốc bia mát lạnh rồi ngồi hàn huyên. Tôi hỏi nó làm việc có vất vả lắm không, nó bảo: mới đầu chưa quen thì vất vả, sau quen rồi thì đâu vào đấy. Rồi nó chê tôi nghèo, ngày xưa tôi học giỏi hơn nó mà giờ thua lương nó mấy lần.
   Lát sau, một đĩa chân gà nướng thơm phức lắc lư theo bà chủ quán đầy đà đi ra. Bà chủ mới quay trở vào, thằng Tâm lập tức chỉ tay vào đĩa chân gà vàng rộm:
-         Mày có biết chân gà này nhập khẩu từ đâu không? Từ Trung Quốc đấy. Tao làm ở cửa khẩu tao biết, hàng tấn chân gà, mỡ lợn, thịt lợn quá hạn sử dụng vẫn liên tục được tuồn về Việt Nam. Phù phép một xí là vẫn bán được.
-         Thế mày có bắt không?
-         Bắt sao xuể hả mày. Chạy ban ngày không được nó chuyển qua chạy đêm. Chúng nó có đường dây, có người đỡ. Nặng tay quá không khéo rước họa vào thân.
-         Mày không thấy căn rứt lương tâm à? Lỡ người ăn là người thân của mày thì sao?
-         Ai khôn thì sống, dại thì chết thôi. Ai bảo đồ tươi ngon thì đem đi xuất khẩu, lại tham rẻ ăn đồ kém chất lượng. Làm gì có chuyện gói thịt hổ khô giá 2 ngàn đồng mà mua cho con ăn ngày này sang ngày khác thế. Đó là tại dân ta thôi.
-         Bởi thế mới sinh ra cái nghề của mày, phải có trách nhiệm ngăn cấm chuyện nhập lậu ấy.
-         Ôi một tay làm chẳng nên non mày ơi, không khéo non đổ đè tao chết. Chú tao mới gọi về đấy, bảo mua bánh trung thu phải hết sức cẩn thận. Hàng tấn bánh trung thu quá hạn sử dụng đã được thay ngày tháng tuồn về Việt Nam. Người Trung Quốc không ai ăn.
-         Thôi chết rồi, tao mới mua mấy hộp bánh hạ giá bán ở cửa hàng trước cửa cơ quan chiều nay. Thấy hạn sử dụng vẫn còn dài, tiện đường thì mua thôi.
-         Thôi nhậu tiếp đi. Em ơi đổi cho anh đĩa mồi…
   Tôi ngồi trầm ngâm, nghĩ lại những điều nó kể mà ghê quá. Lâu nay vẫn hay nhậu bia với chân gà nướng thấy cũng ngon, giờ cứ thấy lờm lợm. Nhìn thằng Tâm cầm cái đùi gà nhai ngấu nghiến, cặp môi bóng nhờn những mỡ cứ đưa lên đưa xuống nhịp nhàng, tôi cũng lờm lợm.
   Điện thoại reo, tiếng bố ở đầu dây hốt hoảng:
-         Nhanh đến bệnh viện. Thằng Cu Tí bị ngộ độc đang cấp cứu.
   Tôi giục thằng Tâm nhanh lên. Những lúc ấy mới thấy gầy đâm ra lại hay, tôi trả tiền rồi phóng nhanh ra xe, thằng Tâm thì đang ì ạch lê cái mông sồ sề của nó.
   Đến bệnh viện, cả nhà tôi đang ngồi đợi ở hành lang. Mặt chị dâu cắt không ra giọt máu. Mẹ tôi vén tay áo lau nước mắt. Anh tôi bảo bác sĩ đang súc ruột cho nó. Một lúc sau bác sĩ bước ra, vẻ mặt tươi cười:
-         Cháu đã qua cơn nguy hiểm. Nguyên nhân là do cháu ăn bánh trung thu quá hạn sử dụng dẫn đến ngộ độc. May mà gia đình mang cháu đến kịp thời.
   Mọi người ôm nhau mừng vui. Thằng Tâm vẫn ngồi trên ghế, quăng một câu rõ lạnh:
-         Đã bảo mua bánh trung thu phải cẩn thận.






    N.D.H